Nga đang nỗ lực tạo dấu ấn ở Mariupol bằng chương trình tái thiết từ đống đổ nát, dù một số người dân thành phố vẫn tỏ ra hoài nghi.
Lực lượng Nga hồi tháng 5 năm ngoái kiểm soát Mariupol sau chiến dịch vây hãm hơn 80 ngày. Trước khi xung đột bùng phát, thành phố đông nam Ukraine có khoảng 500.000 dân, nhưng đã biến thành đống đổ nát sau những đợt pháo kích dữ dội.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, 90% số tòa nhà ở Mariupol đã bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn sau nhiều tháng hứng chịu bom đạn và 350.000 người buộc phải sơ tán khỏi thành phố.
Rất khó xác định chính xác số thương vong do các đợt pháo kích không ngừng vào Mariupol, nhưng chính quyền Ukraine cho biết hơn 20.000 người đã thiệt mạng tại thành phố cảng ở đông nam đất nước.
Chính quyền Mariupol do Moskva bổ nhiệm cho hay khoảng 300.000 người đang sinh sống tại đây, trong đó khoảng 70.000 người là công nhân xây dựng và thành viên lực lượng vũ trang Nga.
Các tòa nhà mới lần lượt xuất hiện, thế chỗ những công trình đổ nát do giao tranh ở Mariupol. Quân đội Nga xây dựng một quận hoàn toàn mới, gồm hàng chục tòa chung cư ở phía tây thành phố. Nó được đặt tên là Nevsky, theo tên dòng sông Neva chảy qua thành phố quê hương St. Petersburg của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo truyền thông nhà nước Nga, chính quyền St. Petersburg là bên tài trợ chính cho công cuộc tái thiết Mariupol.
“Trên xe buýt, họ dán những thông điệp nói rằng St. Petersburg và Mariupol là hai thành phố song sinh. Đi đến đâu chúng tôi cũng có thể nhìn thấy các khẩu hiệu khẳng định chúng tôi là một phần của nước Nga”, bà Maria, một người nghỉ hữu, cho biết.
Trong những ngôi nhà giờ đây tương đối bình yên, người Nga đang thay cửa sổ mới, máy sưởi và đôi khi là cả hệ thống nước thải.
Hệ thống sưởi, nước sinh hoạt và nguồn cung cấp điện của thành phố đều đã được khôi phục. Xe buýt hoạt động trở lại, thường xuyên kín khách. Tuy nhiên, mạng lưới xe điện vẫn bị gián đoạn.
Không ít trường học, bệnh viện và cửa hàng cũng đã nối lại hoạt động. Lác đác trên đường phố, những chủ sạp hàng bày bán đồ ngay vỉa hè.
Bà Maria đặc biệt ấn tượng với một ngôi trường được xây dựng lại sau khi người Nga đến. “Nó thật đẹp, được tô điểm bởi những ô vuông màu sắc sặc sỡ”, bà mô tả.
Theo bà, số lượng trẻ em ở Mariupol hiện vượt quá sức chứa của các trường học, nên các em phải chia hai ca sáng và chiều. Chương trình giảng dạy bằng tiếng Nga cũng được áp dụng, nhưng điều này phần nào khiến nỗ lực đưa trẻ em trở lại trường học trở nên phức tạp hơn.
Sau khi kiểm soát thành phố, chính quyền do Moskva bổ nhiệm đã thực hiện hàng loạt biện pháp tăng dấu ấn Nga ở Mariupol. Cư dân địa phương được thúc giục đổi sang hộ chiếu Nga.
Ivan, ủy viên hội đồng thành phố, cho biết mỗi ngày, người dân đều xếp hàng dài để chờ đổi hộ chiếu, bởi đây là yêu cầu bắt buộc nếu họ muốn tìm việc làm, đặc biệt là trong các cơ quan chính quyền hay khu vực công. Với hộ chiếu mới, người dân Mariupol cũng có thể đến Nga mà không cần trải qua quy trình “sàng lọc” bổ sung, anh giải thích.
“Bạn sẽ gặp vấn đề nếu sở hữu giấy tờ của Ukraine, bạn phải đối mặt với các quy trình quan liêu và bạn phải chờ đợi”, Ivan nói. “Nếu có hộ chiếu Nga, vấn đề sẽ biến mất, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn”.
Mariupol cũng từng bước trở thành một phần trong hệ thống tài chính Nga. Đồng hryvnya của Ukraine đã bị loại bỏ dần và hiện tại, đồng ruble Nga là loại tiền tệ duy nhất được chấp nhận tại các cửa hàng.
Nga đang chuyển những khoản tiền khổng lồ vào các khoản thanh toán lương hưu cho cư dân Mariupol. Trong nhiều trường hợp, số tiền còn lớn hơn những gì họ nhận được từ chính quyền Ukraine trước xung đột.
Cư dân của Mariupol giờ đây có thể rút hai khoản lương hưu, một từ Nga, một từ Ukraine, điều khiến họ cảm thấy hài lòng.
Lương hưu của nhà nước Nga cũng là một lý do khác khiến những người cao tuổi ở Mariupol xếp hàng để đổi hộ chiếu. Không ít người tin rằng trong tương lai, họ sẽ cần chúng để tiếp tục được nhận trợ cấp từ Nga.
Các phương tiện truyền thông ở Mariupol cũng nỗ lực thúc đẩy chương trình ủng hộ Moskva, kêu gọi người dân thân thiện hơn với Nga.
Một số cư dân ở Mariupol hiện nay là những người kẹt ở thành phố khi quân đội Nga bao vây, nhưng cũng có nhiều người hoan nghênh hiện diện của Nga.
“Chúng tôi đã chịu đựng quá đủ dưới chính quyền Ukraine. Giờ đây, chúng tôi có thể thở trở lại rồi”, một cư dân Mariupol bình luận trên mạng xã hội.
Nỗ lực tái thiết nhanh chóng của Nga, trường học mới hay các khoản lương hưu hào phóng dường như đều hướng tới mục tiêu khơi dậy cảm tình thân Nga ở Mariupol.
Nhưng không phải ai cũng cảm thấy như vậy. “Họ thuyết phục chúng tôi rằng mọi thứ đang trở nên tốt đẹp hơn, nhưng tôi cảm thấy lạc lõng trong chính thành phố của mình”, Yuri, một kỹ sư ở Mariupol, chia sẻ. “Mọi người đã khác, thành phố bây giờ cũng khác”.
Nhiều người dân Mariupol không giấu được niềm vui khi thấy thành phố của họ trở lại bình thường ở một mức độ nào đó, nhưng vẫn có những người tỏ ra hoài nghi.
Nhà báo nổi tiếng Ukraine Denys Kazansky cho rằng Nga có thể muốn dùng các ngôi nhà mới mà họ đang xây tại Mariupol để khiến người dân quên đi khung cảnh tan hoang do chiến sự ở những nơi khác.
“Nếu phá hủy 19 bệnh viện rồi xây lại một thì đó không phải là tái thiết”, ông nói. “Bạn có thể vui mừng bao nhiêu tùy thích về việc một ngôi trường được xây dựng lại, nhưng bạn sẽ làm gì với những người đã chết vì xung đột? Bạn không thể mang họ trở lại”.
Vũ Hoàng (Theo BBC)