Đạo diễn Long Vân của ‘Biệt động Sài Gòn’ qua đời

Chuyện chưa kể về chuyện làm phim Biệt động Sài Gòn
Những bộ phim kinh điển về cách mạng Việt Nam: Xem để nhớ lại một thời hào hùng của dân tộc
Biên kịch ‘Biệt động Sài Gòn’, nhà văn Lê Phương qua đời ở tuổi 89

Đạo diễn Long Vân sinh năm 1936 tại Hà Nội. Sau đó ông cùng gia đình lên Thái Nguyên theo kháng chiến. Năm 14 tuổi, ông được gửi sang học tại Khu học xá Trung ương ở Trung Quốc, học tập cùng GS.TS Nguyễn Lân Dũng; GS. Hồ Ngọc Đại… Sau năm 1954, ông tốt nghiệp Trường Sư phạm và làm việc tại Bộ Giáo dục.

Giữ trong lòng niềm đam mê với nghệ thuật, khi biết tin Trường Điện ảnh Việt Nam tổ chức tuyển sinh khóa đầu, Long Vân lập tức dự thi và trúng tuyển. Tuy vậy, do thừa số lượng người theo học, nhà trường gợi ý ông chuyển sang lớp diễn viên và học thêm ngành đạo diễn.

Đạo diễn Long Vân của 'Biệt động Sài Gòn' qua đời
Đạo diễn Long Vân

Đạo diễn Long Vân nổi tiếng với các bộ phim như: Hẹn gặp lại Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn, Những đứa con của biệt động Sài Gòn, Tiếng gọi phía trước, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Những người không mang họ… Sự nghiệp của đạo diễn Long Vân nổi bật hơn cả với Biệt động Sài Gòn – bộ phim màu đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam được công chiếu năm 1985 gồm 4 tập có tên lần lượt là Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em.

Phim Biệt động Sài Gòn

Nói về Biệt động Sài Gòn, đạo diễn Long Vân từng chia sẻ rằng: “Cả cuộc đời của tôi làm hơn chục phim đều liên quan đến miền Nam. Tất cả đều là cái duyên và những sự gặp gỡ tình cờ. Tôi cứ làm phim nào ở miền Nam thì lại được mọi người kể cho nghe những câu chuyện về Sài Gòn. Từ đó cứ thôi thúc tôi phải làm. Cách đây 30 năm, trong một chuyến bay, tôi tình cờ gặp Thiếu tướng Trần Hải Phụng, nguyên Tư lệnh Biệt động Sài Gòn. Khi biết tôi là Long Vân, anh đã gợi ý tôi nên làm một bộ phim về những người biệt động Sài Gòn. Bắt trúng ý, vì đây cũng là đề tài tôi thích từ lâu nhưng không có tài liệu nên anh đã nhận lời tổ chức để tôi được gặp một số nguyên mẫu nổi tiếng một thời như Tư Chu, Bảy Bê, sau này là nguyên mẫu cho Tư Chung, Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn“.

Đạo diễn Long Vân (bên phải ngoài cùng) trên trường quay Biệt động Sài Gòn

Bà Kim Cương – vợ của đạo diễn Long Vân – cho biết nhà làm phim Biệt động Sài Gòn đã qua đời vào sáng 24/12, hưởng thọ 87 tuổi. Bà cho biết đã 11 năm nay đạo diễn liên tục bị ốm và có nhiều bệnh trong người. Sự ra đi của đạo diễn Long Vân khiến nhiều đồng nghiệp xót xa, thương tiếc. Biên kịch Trịnh Thanh Nhã tiếc nuối viết trên trang cá nhân: “Vậy là cặp bài trùng trong ngành điện ảnh Long Vân – Lê Phương đã cùng khuất bóng. Trống vắng quá. Hy vọng là họ đã gặp nhau để tiếp tục cãi vã rồi lại cùng tâm đắc tạo nên những tác phẩm chung”.

Exit mobile version