Giảm cả tỷ vẫn không có người mua
Theo khảo sát của VietNamNet những ngày gần đây, tại một số khu vực từng gây sốt ở Đà Nẵng như khu Golden Hill (quận Liên Chiểu), Nam Hòa Xuân (quận Ngũ Hành Sơn) và Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam) cho thấy, các văn phòng môi giới bất động sản hầu như đóng cửa. Một số mở cửa nhưng không có khách ra vào giao dịch.
Anh T.P.H, chủ văn phòng bất động sản ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết, thị trường bất động sản “đóng băng” khiến nhiều công ty, văn phòng giao dịch phải giải thể, đóng cửa vì không có tiền thuê mặt bằng và trả lương cho nhân viên.
Theo anh H., hầu hết giá đất nền trên địa bàn Đà Nẵng đều giảm, có lô giảm từ 500 – 600 triệu đồng. Thậm chí, có lô giảm cả tỷ đồng nhưng vẫn không có khách mua. Từ Tết đến nay, anh H. mới giao dịch được một lô.
Năm 2021, anh H. chung vốn mua một lô 100m2, đường 7,5m ở phường Hòa Qúy (quận Ngũ Hành Sơn). Ngay sau đó, có người sang tay với giá 4 tỷ đồng anh không bán. Hiện giờ, anh rao bán với giá 3 tỷ đồng vẫn không có người mua.
“Thời điểm này, chỉ những người có nhu cầu thật sự về nhà ở mới mua đất và chỉ những lô đất hạ giá nhiều mới bán được”, người này cho hay.
Trong khi đó, chị L.T (nhân viên môi giới tại Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc) chia sẻ, vào thời gian tháng 2/2022, một lô đất diện tích 86,7m2, đường 10,5m tại khu đô thị Ngọc Dương Riverside mở rộng được khách trả với giá hơn 2,6 tỷ đồng. Đến nay, chủ lô đất cần bán gấp rao bán giá 1,6 tỷ đồng vẫn không có khách chốt.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản Đà Nẵng cho hay, thị trường bất động sản Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung rơi vào trạng thái gần như “đóng băng” kể từ cuối năm 2022 đến nay. Giá đất nền tại Đà Nẵng hiện giảm khoảng 20-30% so với thời điểm sốt đất.
Nguyên nhân, theo ông Lập là do dòng tiền tham gia thị trường tắc nghẽn vì lãi suất cho vay hiện vẫn còn cao, vượt khả năng chi trả của người dân. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân suy giảm do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Nhiều dự án, nhiều chủ đầu tư phá vỡ cam kết với khách hàng càng gây mất niềm tin cho thị trường. Nguồn cung dự án bị tắc ngẽn do sai sót, vướng mắc về vấn đề thủ tục pháp lý. Nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa vội tham gia thị trường mà chủ yếu là nghe ngóng và quan sát…
Khó có biến động trong ngắn hạn
Theo ông Lập, với những chính sách điều hành quyết liệt của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nói chung và cho bất động sảnnói riêng, hi vọng thị trường sẽ khôi phục dần tính thanh khoản từ nay cho đến cuối năm. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên bớt kỳ vọng vào việc thay đổi đáng kể về giá giai đoạn này. Chỉ khi có sự chuyển biến mạnh mẽ về tính thanh khoản mới có sự thay đổi mặt bằng giá.
“Thị trường sẽ khởi sắc hơn từ năm 2024 nếu như các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô hiện nay tiếp tục được Chính phủ duy trì, khi đó dòng vốn rẻ nhờ lãi suất cho vay giảm sẽ thu hút các nhà đầu tư tham gia thị trường. Nguồn cung sản phẩm sẽ được khơi thông khi các cơ quan nhà nước tích cực tháo gỡ pháp lý, tạo xung lực cho thị trường sôi động hơn…”, ông Lập nói đồng thời nhận định “đây là thời điểm dành cho những người có nhu cầu mua đất để sử dụng vì giá mua khá tốt”.
Trong khi đó, Giám đốc mảng Dịch vụ Tư vấn & Phát triển dự án của DKRA Group Võ Hồng Thắng nhận định, cuối năm 2023, chậm nhất nữa đầu năm 2024 đà hồi phục của thị trường sẽ rõ nét hơn. Giá bán cũng như thanh khoản thị trường nhiều khả năng sẽ có những sự phục hồi nhất định, tuy nhiên sẽ khó có những đột biến trong ngắn hạn.
Ông Thắng dẫn chứng, một số tín hiệu tích cực có thể hậu thuẫn tốt cho sự hồi phục của thị trường thời gian tới như: Lãi suất cho vay mua bất động sản đang giảm và xu hướng tiếp tục giảm trong thời gian sắp đến.
Các chính sách tháo gỡ pháp lý của cơ quan quản lý Nhà nước đã bắt đầu có tín hiệu tốt. Mặt bằng giá bán bất động sản giảm đáng kể hơn 1 năm qua, nhiều bất động sản đã quay về mức giá hấp dẫn. Giải ngân đầu tư công tăng mạnh; nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm lớn cả nước triển khai rầm rộ…
Theo Hồ Giáp – Công Sáng (VietNamNet)