Định hình cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Chiều 12-5, UBND TP HCM tổ chức hội thảo về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường.

Nhiều tiềm năng

Theo báo cáo tóm tắt đề án, vị trí cảng được đề xuất là khu vực cù lao Phú Lợi (cù lao Ông Chó – nằm ở cửa sông Cái Mép) thuộc huyện Cần Giờ, TP HCM. Đây là khu vực nằm trong vùng chuyển tiếp của Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ nên không ảnh hưởng đến vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển. Việc hình thành và phát triển dự án hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển của quốc gia cũng như của TP HCM. Các vấn đề môi trường đã được thẩm định và đánh giá bảo đảm đáp ứng các quy định hiện hành, mục tiêu định hướng phát triển kinh tế, ngành nghề của thành phố.

Định hình cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường phát biểu kết luận hội thảo

Theo đơn vị lập đề án (Công ty CP Tư vấn thiết kể cảng – Kỹ thuật biển – Portcoast), cảng nằm gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực, có nhiều lợi thế cho phát triển hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics. Dự án chia làm 7 giai đoạn thực hiện, nguồn vốn đầu tư trên 128.872 tỉ đồng.

Nhận xét về địa điểm, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, nói huyện Cần Giờ có vị trí địa lý phù hợp để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế cũng như đầy đủ tiềm năng đáp ứng được những tiêu chuẩn của cảng trung chuyển quốc tế. “Khi đã có tiềm năng thì chúng ta nên đánh thức tiềm năng đó” – ông Hiệp nói.

Cũng theo ông Hiệp, một trong những yếu tố hết sức quan trọng trong xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là sự tham gia của hãng tàu MSC (hãng tàu container hàng đầu thế giới). Qua đó giúp bảo đảm được lượng hàng khi cảng này đi vào hoạt động. Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng không nên phụ thuộc hoàn toàn vào việc này mà cần chú trọng trong tự thân phát triển các hoạt động khai thác cảng.

Có thể dùng AI để giả định phương án

Tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội khoa học và Kỹ thuật TP HCM, đánh giá cao ý tưởng xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Tuy nhiên, ông cho rằng cần nhiều nghiên cứu sâu hơn và đề nghị có thêm đánh giá về tác động của dự án đến môi trường, đời sống của người dân địa phương.

“Để xây dựng dự án trên một vùng đất yếu thì nó sẽ như thế nào? Đặc biệt là việc nạo vét 30,5 triệu m3 đất, cát từ biển. Hoạt động này cũng sẽ tác động đến chất lượng nước và sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động dân sinh của khu vực Cần Giờ khi chủ yếu là nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Kế đến là ảnh hưởng đến rừng ngập mặn Cần Giờ. Do đó, nên đánh giá kỹ hơn”.

Chủ tịch Liên hiệp Các Hội khoa học và Kỹ thuật TP HCM cũng cho rằng nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cần được chứng minh bằng những bài toán, kỹ thuật và thậm chí là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giả định các phương án. Từ đó mới chọn được giải pháp hiệu quả để triển khai thực hiện dự án.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường nhìn nhận lịch sử phát triển của Sài Gòn – TP HCM trong hơn 300 năm qua gắn liền với sự phát triển của cảng biển, vận tải biển. Đến nay, hạ tầng cảng biển của thành phố đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh theo quy hoạch. Các cảng xây dựng đồng bộ, hiện đại, công nghệ mới, khai thác hiệu quả đã góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và của cả khu vực phía Nam.

Theo ông Cường, đến nay TP HCM đã hoàn thành dự thảo Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Huyện Cần Giờ có vị trí địa lý tiếp giáp với biển Đông, nằm giữa 2 cửa sông lớn là Soài Rạp và Lòng Tàu, tiếp giáp sông Thị Vải, là các tuyến hàng hải quan trọng của cảng biển nhóm 4, hội tụ đủ điều kiện để phát triển cảng biển cửa ngõ quốc gia và trung chuyển quốc tế. “Việc sớm triển khai xây dựng các cảng container của cảng biển trong giai đoạn 2021-2030 là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và trong tương lai từ nay đến 2030 của TP HCM nói riêng cũng như các tỉnh khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung” – ông Cường nhấn mạnh.

Cho biết đã tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhận xét đây là những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm. Thời gian sắp tới, TP HCM sẽ tiếp tục thực hiện nhiều nội dung nhằm hoàn chỉnh đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. 

“Các Nghị quyết 154/2022 của Chính phủ; Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 81/2023 của Quốc hội và Quyết định 200/QĐ-UBND đều có nội dung nghiên cứu khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển khu vực Cần Giờ trở thành động lực mới cho TP HCM.



Nguồn bài viết