Ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH Xăng dầu Hà Giang cho biết có tháng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lỗ hơn 900 tỷ đồng, ông này cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hiện nay có mặt ở 50 tỉnh thành phố, tài sản gấp 1,5 lần Petrolimex nhưng chưa được đối xử xứng đáng.
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lỗ cả năm do cơ chế, chính sách
Tại Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ – CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu tổ chức sáng nay 14/2 tại Hà Nội có sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp bán lẻ, phân phối và đầu mối xăng dầu đến từ 50 tỉnh, thành trên cả nước. Đại diện cho nhóm doanh nghiệp bán lẻ cho biết hiện nay các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có quy mô vốn hơn 90.000 tỷ đồng, gấp 1,5 tài sản của Petrolimex, khu vực này đã tạo 27.000 việc làm.
Tuy nhiên “lỗ diễn ra cả năm, dù tôi biết kinh doanh cũng có lúc này lúc khác. Thương nhân phân phối lãi nghìn tỷ đồng, còn bán lẻ lỗ nghìn tỷ đồng, lại có nguy cơ rút giấy phép, ngừng kinh doanh vì lỗ”, ông Tùng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bị chèn ép?
Theo ông Tùng, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị cơ quan Nhà nước có chính sách để đảm bảo chuỗi cung ứng xăng dầu ổn định, hài hòa, công bằng lợi ích. Công nhận sự tồn tại của DN bán lẻ xăng dầu. Nhà nước công nhận bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư. Coi doanh nghiệp bán lẻ có quyền và nghĩa vụ quyền bình đẳng như thương nhân đầu mối.
“Xăng dầu là hàng hoá, nhưng dù chiết khấu âm chúng tôi vẫn phải duy trì kinh doanh. Nhà phân phối cho bao nhiêu chúng tôi phải nhận bấy nhiêu, hơn nữa lại bị hạn chế nguồn hàng. Doanh nghiệp phân phối được đặc quyền, còn doanh nghiệp bán lẻ lại bị chèn ép”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, doanh nghiệp hạch toán kinh doanh, lỗ thì phải chịu. Ban soạn thảo ghi nhận lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở trong công thức giá để không có sự phân biệt đối xử.
Ông Tùng đề nghị, công thức tính giá cơ sở, chi phí kinh doanh định mức nên chia làm 3 khâu: khâu nhập khẩu, phân phối, bán lẻ (3-3,5% nhân với giá bán lẻ ở thời điểm bán ra), Vừa rồi, nhập khẩu, phân phối sử dụng hết nên thua lỗ, lợi nhuận định mức cho bán lẻ 2 – 2,5%. Với hai mức trên, doanh nghiệp được 5%, tức là bán 100 khối được 2,1 tỷ đồng.
“Ban soạn thảo hãy giữ lấy doanh nghiệp bán lẻ để chúng tôi kinh doanh, đảm bảo thị trường ổn định, không ai có thể chiếm lĩnh, độc quyền ở thị trường Việt Nam, tránh bị thâu tóm”, đại diện doanh nghiệp xăng dầu tại Hà Giang nhấn mạnh.
Ông Giang Chấn Tây, Công ty TNHH Bội Ngọc, kinh doanh xăng dầu tại Trà Vinh cho rằng: Chiết khấu tối thiểu – có ý nghĩa để DN đảm bảo chi phí hoạt động ổn định, giống 1 chiếc xe chạy 100 km phải đổ 10 lít xăng. Chiết khấu muốn có tăng thêm là sự cạnh tranh của DN, thì DN bán lẻ phải được lấy hàng ít nhất từ 3 nơi.
Chiết khấu là công cụ hữu hiệu hiện nay, vì vậy, ông Giang cho rằng làm sao phức tạp nhất trở thành đơn giản. “Đề nghị chi phí lưu thông, lợi nhuận định mức phải chia làm 3 khâu rõ ràng, DN bán lẻ cần được hưởng chiết khấu tối thiểu 5-6% để đảm bảo kinh doanh ổn định. Buông lỏng khâu chiết khấu thì ai đảm bảo DN đầu mối đưa ra chiết khấu đưa ra đảm bảo điểm hòa vốn”, ông Tây nói.