Doanh nghiệp bất động sản phát hành thành công hơn 23.700 tỷ đồng trái phiếu

Lượng trái phiếu phát hành thành công của 7 doanh nghiệp bất động sản hơn 23.700 tỷ đồng. Ảnh minh họa: BNEWS

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tháng 3 ghi nhận đã có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng trị giá hơn 26 tỷ đồng; trong đó, lượng trái phiếu phát hành thành công của 7 doanh nghiệp bất động sản hơn 23.700 tỷ đồng.

Cụ thể, tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày công bố thông tin 31/3/2023, có 10 đợt phát hành riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 26.425 tỷ đồng trong tháng 3/2023.

Bất động sản là nhóm ngành chiếm phần lớn giá trị phát hành trong tháng 3 với 23.735 tỷ đồng, chiếm 89,8%. Trái phiếu bất động sản có lãi suất phát hành trung bình 10.6%/năm và kỳ hạn bình quân 2,43 năm. 

Về lượng lượng trái phiếu phát hành, lớn nhất là Công ty Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên đã phát hành thành công 2 lô trái phiếu Zero Coupon (trái phiếu không trái tức) 4.450 tỷ đồng và 2.750 tỷ đồng với kỳ hạn 1 năm. 

Đáng chú ý, Công ty Kinh doanh bất động sản Dream City Villas có lãi suất phát hành chỉ 6%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu thành công trong tháng 3 gồm Công ty Đầu tư và Kinh doanh Nam An, Công ty Đầu tư và Thương mại xuất nhập khẩu Thủ đô, Công ty Kinh doanh nội thất Luxury Living, Công ty Đầu tư kinh doanh và Phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam. 

Theo giới phân tích, thị trường trái phiếu bất động sản đang “ấm lên” nhờ Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 nhằm sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định số 08) khi đã bình ổn những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn đối với thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói riêng, từ đó khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản.

Cùng với đó, Nghị định số 08 tạo hành lang pháp lý cho việc đàm phán với trái chủ để thanh toán nợ bằng tài sản khác và gia hạn trái phiếu. “Tổ chức phát hành có thêm thời gian để tái cấu trúc tài chính nếu đàm phán gia hạn nợ thành công với trái chủ và có thêm phương án hoán đổi tài sản để trả nợ cho trái chủ hợp pháp. Với trái chủ có thêm cơ hội được thanh toán gốc và lãi vay bằng những tài sản khác có giá trị tương xứng. Quyền lợi của trái chủ vẫn được đề cao trong Nghị định số 08”, Phó Tổng giám đốc Đỗ Bảo Ngọc, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhận định.

Ở góc độ phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), bên cạnh việc cải thiện tâm lý thị trường trong ngắn hạn, các chính sách ban hành mới đây bao gồm Nghị định số 08 được đánh giá là chất xúc tác tích cực cho nhóm ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn như bất động sản khi các nút thắt về dòng tiền của nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành sẽ dần được tháo gỡ.

Các doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng sau khi huy động được vốn lưu động; đồng thời, giảm áp lực thanh toán gốc và lãi của trái phiếu đến hạn khi khả năng được gia hạn trái phiếu cao hơn sau khi các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu đã bán cho nhà đầu tư. 

Trên cơ sở này, theo VBMA, việc Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo về sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 về quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp nhằm tháo gỡ nút thắt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sẽ hỗ trợ thanh khoản của thị trường thị trường trái phiếu (Thông tư số 16), bao gồm trái phiếu bất động sản.

Theo đó, cải thiện lực cầu từ nhóm các ngân hàng thương mại khi cho phép tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán ra trước đó đến ngày 31/12/2023, cho phép tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích bổ sung vốn lưu động khi quản lý được nguồn thu nhập từ hợp đồng kinh doanh và thu thập đầy đủ tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn lưu động.

VBMA cũng cho rằng, việc sửa đổi Thông tư số 16 sẽ đưa ra những quy định chặt chẽ hơn như kiểm soát mục đích sử dụng tiền phát hành trái phiếu, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu nhằm góp phần đảm bảo an toàn đối với hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng. 

Tính trong tháng 3, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 14.267 tỷ đồng, tăng 64,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 9 tháng cuối năm 2023, ước tính sẽ có khoảng 238.920 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.



Nguồn bài viết

Exit mobile version