Độc đáo tục làm giấy bản đón năm mới của người Mông

Đồng bào Mông ở huyện miền núi Thanh Hóa còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, những nét văn hóa đặc sắc có từ lâu đời trong những ngày Tết, như phong tục ăn Tết con gà, tục làm giấy bản. Trong đó, tục làm giấy bản rất quan trọng, không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Clip quá trình làm giấy bản của người Mông

Giấy phải do chính tay người phụ nữ làm

Người Mông quan niệm để thay xử ca (bàn thờ) đón năm mới vào ngày 30 Tết phải có giấy bản. Đây là loại giấy được chính tay người phụ nữ trong gia đình làm nên. Bởi vậy, năm nào cũng thế, cứ vào khoảng từ đầu tháng Chạp, phụ nữ Mông lại rủ nhau đeo gùi lên rừng tìm nguyên liệu. Họ phải mất một tuần, ngày nào cũng đi rừng mới có thể lấy đủ nguyên liệu làm giấy. Ngoài nguyên liệu chính là cây giang hoặc vầu, người dân còn tìm nhiều thêm thứ cây nhớt.

Theo người Mông, giang, vầu sẽ được gọt vỏ xanh, đẽo mắt, rồi chẻ thành thanh mỏng như chiếc đũa, các loại vỏ cây kết dính được rửa sạch sẽ, thêm một ít tro bếp hoặc vôi (cho giấy được trắng đẹp), tất cả bỏ vào nồi nấu.

Độc đáo tục làm giấy bản đón năm mới của người Mông - Ảnh 2.

Nguyên liệu làm giấy bản là giang và vầu được lấy trên rừng, sau đó mang về gọt vỏ, chẻ nhỏ

Thời gian nấu khoảng 13-15 giờ đồng hồ, đến khi nguyên liệu mềm, thì vớt ra. Dùng chày hoặc gậy đập cho nhỏ, càng nhỏ càng tốt, rồi cho vào chậu đổ nước quấy kĩ cho bột tan ra, vớt phần bã bỏ đi, khi nào thành bột giấy sệt sệt mịn là được, khuấy đều để trở thành một thứ dung dịch đặc quánh.

Sau đó, phải có một cái khuôn cán giấy, tùy vào nhu cầu sử dụng có thể làm khuôn to hoặc nhỏ, mặt khuôn bằng vải, 4 cạnh nẹp 4 thanh gỗ chắc chắn. Khi đó nguyên liệu đã thành dung dịch đặc sánh rồi, lấy muỗng múc dàn đều dung dịch đó lên mặt khuôn, gạt sao cho đều mỏng (giống như người tráng bánh đa).

Độc đáo tục làm giấy bản đón năm mới của người Mông - Ảnh 3.

Trải qua một số công đoạn nấu chín, đập nhỏ nguyên liệu sẽ được mang ra phơi để tạo thành giấy bản

Xong sẽ mang ra nắng phơi khô, kinh nghiệm phơi lúc nào tráng khô thì giấy khô. Cứ thế công việc diễn ra cho đến khi số lượng giấy đã đủ thì dừng lại. Kết quả thành phẩm là tờ giấy bản có màu trắng ngà, trên mặt nổi rõ những sợi tơ tre, bóng, mỏng, dai.

Chị Va Cá Dua (ngụ bản Pù Toong, xã Pù Nhi) cho biết, làm giấy bản thường có chung công thức, tuy nhiên để có giấy đẹp thường mỗi gia đình có bí quyết riêng. Đặc biệt, nếu làm được hôm trời khô ráo, phơi được nắng giấy sẽ trắng mịn, không bị xỉn màu, nếu gặp trời mưa hoặc bữa nồm ẩm, giấy sẽ không đạt yêu cầu.

Linh thiêng giấy bản

Độc đáo tục làm giấy bản đón năm mới của người Mông - Ảnh 4.

Một tấm giấy bản đã được làm hoàn thiện

Theo ông Lâu Văn Kỷ (người Mông ở xã Pù Nhi), tục làm giấy bản không biết có từ bao giờ, chỉ thấy được truyền từ đời này sang đời khác. Giấy bản được làm vào dịp Tết và là thứ được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng trong gia đình suốt năm đó.

Đặc biệt, vào ngày 30 Tết, người Mông thay xử ca (bàn thờ) thì giấy bản là thứ không thể thiếu, trên giấy trang trí 3 nhúm lông gà. Gà sau khi cắt tiết sẽ được lấy lông nhúng vào bát tiết rồi dán lên giấy bản treo trên bờ tường, bên cạnh giường thờ.

Độc đáo tục làm giấy bản đón năm mới của người Mông - Ảnh 5.

Tục làm giấy bản ăn Tết là tập tục truyền thống lâu đời của đồng bào Mông

Ba nhúm lông gà ấy tượng trưng cho thổ công, thổ địa và tổ tiên trong gia đình. Khi xưa, lúc ông tổ người Mông còn sống, họ lấy tóc của ông dính vào giấy bản, khi ông tổ mất thì lấy lông gà thay thế. “Ngày Tết, giấy bản sẽ được dán lên giường thờ thay xử ca, trang trí xung quanh nhà cửa, lót bàn thờ cúng tổ tiên, cúng năm hết Tết đến. Người Mông chúng tôi quan niệm, nếu lễ Tết mà không có giấy tự mình làm ra để thờ cúng thì tổ tiên sẽ không nhận” – ông Kỷ chia sẻ.

Cũng theo ông Kỷ, giấy bản cũng được cắt thành những miếng nhỏ để làm tiền âm phủ, đốt cho người đã chết hoặc để đốt vía cúng vía. Có khi giấy bản được nhuộm màu đỏ, xanh để giải hạn ốm đau, tai nạn, bài trừ các tệ nạn xã hội. “Màu đỏ là màu máu, màu xanh tượng trưng cho cỏ cây, rừng núi của đồng bào. Giấy dùng treo và để trên bàn thờ cả năm, đến ngày 30 Tết họ sẽ cúng và đốt giấy cũ đi thay bằng giấy mới làm để giải hạn xấu năm cũ” – ông Kỷ lý giải.

Độc đáo tục làm giấy bản đón năm mới của người Mông - Ảnh 6.

Người Mông quan niệm để thay xử ca (bàn thờ) đón năm mới vào ngày 30 Tết phải có giấy bản

Ngoài ra, theo ông Kỳ giấy bản của gia đình người Mông còn được sử dụng trong lễ cưới hỏi. Gia đình nào chuẩn bị cưới vợ cho con cũng phải treo trên đình màn phòng cưới hình ảnh chiếc ô có trang trí hoa văn xinh đẹp bằng loại giấy bản do chính gia đình làm ra.

Ông Lâu Văn Ly, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Lát cho biết, đối với đồng bào dân tộc Mông, phong tục làm giấy bản thể hiện sự gắn kết giữa người sống với tổ tiên và thần linh. Mỗi khi Tết đến, dù nhà giàu hay nghèo, người Mông ngày nay vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống này.



Nguồn bài viết