Năm 2018, UBND tỉnh Thái Nguyên ra Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái – văn hoá Đá Thiên (tổ 7, thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) cho Công ty TNHH xây dựng mỹ thuật Thiên Phúc thực hiện.
Theo đó, mục tiêu của dự án là “Xây dựng khu du lịch tâm linh kết hợp các loại hình du lịch đặc trưng cơ bản như: Lịch sử, văn hoá, tâm linh, sinh thái, thăm quan, nghỉ dưỡng… nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần tôn tạo, làm đẹp cảnh quan thiên nhiên khu vực Đá Thiên, huyện Đồng Hỷ, thu hút khách thập phương và bạn bè quốc tế”.
Ông Đỗ Khắc Thân – Giám đốc công ty TNHH Xây dựng mỹ thuật Thiên Phúc chia sẻ về chủ trương xây dựng cơ sở tín ngưỡng Đền Đá Thiên Clip: Hà Thanh
Dự án có tổng diện tích đất quy hoạch là 55,6ha với thời gian thi công các hạng mục công trình là 11 năm (từ 2019 – 2030).
Để đáp ứng nhu cầu tiến độ thi công, dự án chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 tập trung cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm các hạng mục như: Nhà điều hành, nhà khách, nhà nghỉ cán bộ, cổng nhà điều hành, nhà dịch vụ, bãi đỗ xe và một số hạng mục công trình khác.
Theo chủ đầu tư, việc xây dựng hạ tầng trong giai đoạn 1 đến nay đã đạt trên 60% khối lượng công trình và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024.
Thời gian qua, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2023, đền Đá Thiên đã đón hàng vạn lượt du khách đến tham quan, chiêm bái.
Đền Đá Thiên là nơi thờ vọng Quan Hoàng Bảy. Trong Tứ phủ, Quan Hoàng Bảy là con Đức Vua cha Ngọc Hoàng. Có giả thuyết cho rằng, quê gốc Quan Hoàng Bảy, Bảo Hà là ở Thái Nguyên xưa, sau khi mất, mộ ông được di dời về đây.
Có giả thuyết lại nói, ông Hoàng Bảy là thủ lĩnh của vùng, có công giúp dân trong khai hoang, lập ấp, chăn nuôi… Vì thế, sau khi mất nhân dân tưởng nhớ ông nên đã lập đền thờ tại thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Trước đây, đền Đá Thiên chỉ là ngôi miếu nhỏ, có một lăng mộ được xây trên nấm đất mối đụn thành gò cao. Sau này, chính quyền và người dân bản địa đã góp công, góp của để tôn tạo, tu sửa lại thành một ngôi đền khang trang, bề thế như ngày nay.
Cùng với đó, những công trình kiến trúc cũng được xây dựng thêm tại đền như: Lầu thờ Đức Vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng quan Nam Tào – Bắc Đẩu, Động Sơn Trang hình quả núi thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, Tam tòa Chúa bói, Tứ phủ Thánh chầu và các Thánh cô Sơn Trang.
Ông Đỗ Khắc Thân – Giám đốc Công ty TNHH xây dựng mỹ thuật Thiên Phúc, đại diện đơn vị chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái – Văn hoá Đá Thiên cho biết: Trong khu vực dự án đang triển khai hiện nay có một ngôi đền và một ngôi mộ cổ được bà con nhân dân trong vùng thờ cúng lâu đời. Ngôi mộ này được bà con nhân dân cho rằng chính là mộ của Quan Hoàng Bảy. Vì vậy trong quá trình xây dựng, sửa chữa và tôn tạo, đơn vị thi công đã thực hiện một cách rất thận trọng.
Theo đó, chủ đầu tư cũng đã mời một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử đến để có những khảo sát thực địa.
“Trong thời gian tới nếu các khảo sát, nghiên cứu đưa ra được những cơ sở pháp lý quan trọng thì chúng tôi sẽ tiến hành làm các thủ tục pháp lý đề nghị các cơ quan chức năng công nhận về mặt lịch sử đối với quần thể này”. Ông Thân chia sẻ.
Hiện nay, chủ đầu tư cũng đang nghiên cứu phương án mở rộng, tôn tạo, đưa những kiến trúc điêu khắc, kiến trúc về mặt tâm linh phù hợp để quần thể đền Đá Thiên trở thành một Trung tâm tín ngưỡng thờ mẫu tam, tứ phủ của người Việt.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết: Qua quá trình nghiên cứu thực địa, quan sát kiến trúc của quần thể tín ngưỡng đền Đá Thiên, với những điều kiện và ưu thế như hiện nay, quần thể tín ngưỡng đền Đá Thiên sẽ còn phát triển và trở thành một trung tâm thờ tam, tứ phủ, đặc biệt là các Quan hoàng trong văn hoá của người Việt ở tương lai gần.