Xưa nay khi đạo đức suy vi, thiện ác sẽ khó mà phân biệt, nếu một người không có lý trí thanh tỉnh sáng suốt thì sẽ rất dễ nghe theo lời người khác, hùa theo đám đông và mất đi khả năng phân biệt đúng sai. Khi không có trí tuệ để phân biệt thật giả cũng dễ dàng bị mê hoặc bởi những lời êm tai, đối mặt với đúng sai lại khó đưa ra quyết định lựa chọn con đường thiện lương chính nghĩa.
Thi nhân nổi tiếng thời nhà Tống, Vương An Thạch đã viết trong bài “Đăng phi lai phong” rằng: “Bất úy phù vân già vọng nhãn, tự duyến thân tại tối cao tằng”. Hai câu này ý tứ là cho dù trên bầu trời có mây trôi nhưng ta cũng không sợ hãi nó sẽ che mất tầm mắt của ta, bởi vì chỉ cần ở trên cao thì có thể nhìn được xa, nhìn thấy được hết cảnh vật, không sót một thứ gì.
“Đăng phi lai phong” được Vương An Thạch sáng tác năm ông 30 tuổi. Vào mùa hè năm thứ 2 niên hiệu Hoàng Hựu, Vương An Thạch nhậm chức tri huyện ở huyện Ngân, Chiết Giang. Trên đường về Lâm Xuyên thăm nhà, khi đi ngang qua Hàng Châu, ông làm bài thơ này. Bài thơ sáng tác vào thời kỳ Vương An Thạch vừa bước vào quan lộ, mượn việc leo lên núi Phi Lai để nói lên nỗi lòng của mình. Một mặt, Vương An Thạch bị cô lập vì mong muốn cải cách triều chính, mặt khác ông cũng hướng tới tương lai với sự lạc quan. Toàn bộ bài thơ này gồm bốn câu ngắn gọn:
Phi lai sơn thượng thiên tầm tháp
Văn thuyết kê minh kiến nhật thăng
Bất úy phù vân già vọng nhãn
Chích duyên thân tại tối cao tằng.
Tạm dịch nghĩa:
Trên núi Phi Lai có tháp ngàn tầm
Nghe nói khi gà gáy thì mặt trời đã mọc
Không sợ mây trôi che khuất tầm mắt
Bởi vì ta đã ở chỗ cao nhất rồi
“Phi lai sơn thượng thiên tầm tháp”, thời xưa cứ tám thước là một tầm nên có thể thấy tháp ngàn tầm là tháp rất cao. “Bất úy phù vân già vọng nhãn”, “bất úy” ở đây là không sợ hãi, không lo lắng, cũng không nổi giận trước những suy sụp khúc chiết của cuộc đời. “Mây bay” nghĩa rộng hơn chính là những điều không như ý, những phiền toái và những điều ngăn trở trong cuộc sống.
Không ít văn nhân thời Tây Hán đã từng dùng mây trôi che khuất mặt trời, mặt trăng làm ẩn dụ cho kẻ tiểu nhân gian ác gieo mối bất hòa, châm ngòi ly gián giữa Hoàng đế với hiền thần, làm cho Hoàng đế bị mông muội. Trong “Tân ngữ. Thận vi thiên” viết: “Quan gian tà che khuất người hiền đức như mây bay che khuất mặt trời”. Lý Bạch cũng từng viết hai câu trong bài “Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng đài”: “Tổng vi phù vân năng tế nhật, trường an bất kiến sử nhân sầu”, ý nói bản thân ông rời đi khỏi Trường An là bởi vì Hoàng đế đã nghe và tin theo lời gièm pha của kẻ tiểu nhân.
Khi nói đến mây bay, Vương An Thạch chính là có ý rằng: Bản thân ông không sợ mây bay che khuất tầm mắt ông nhìn về nơi xa, đó là bởi vì ông đã đứng ở trên cao rồi, đã học được cách buông bỏ rồi, cũng đã thông thấu sự tình nơi hồng trần rồi và cái tâm của ông cũng đã nhảy thoát ra khỏi sự tranh giành hỗn loạn nơi thế tục rồi.
Bởi thế sau này, khi không thể đạt được ý nguyện cải cách triều chính, Vương An Thạch đã sống cuộc đời giản dị, không ham tiền tài danh vọng. Một danh nhân đương thời tặng ông biệt hiệu “Xem phú quý như phù vân, một vĩ nhân”. Ông được người đời sau tôn là một trong “Đường Tống bát đại gia” (tám đại văn hào của đời Đường và đời Tống).
Một người muốn nâng cao cảnh giới tư tưởng của bản thân mình thì nhất định phải coi trọng tu dưỡng đạo đức. Có thể phân biệt sự vật thì không bị mê lạc ở danh lợi, có thể tu đức thì không bị mê lạc trên đường đời. Cảnh giới tư tưởng của một người là cao hay thấp không liên quan đến việc người đó có nhiều hay ít tài vật, địa vị cao hay thấp, mà nó được quyết định bởi tu tâm trọng đức.
Sống trong hoàn cảnh xã hội thật giả hỗn loạn, lòng người phức tạp, phải luôn bảo trì cho bản thân nội tâm thanh minh thấu triệt, lý trí thanh tỉnh, không bị thế sự mê hoặc, không bị danh lợi mê mờ, không bị quyền thế làm e sợ thì mới có thể trở thành người sáng suốt, biết lựa chọn con đường đúng đắn cho tương lai của bản thân mình.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: