Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc là một trong những hệ thống cung điện lớn nhất của quốc gia này. Trước đây, Tử Cấm Thành là nơi ở của 24 vị hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh. Hiện nơi này trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng khắp Trung Quốc và thế giới.
Tử Cấm Thành nổi tiếng không chỉ bởi vẻ đẹp mà còn ở những giai thoại bí ẩn mà đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm được lời giải thích. Trong đó có việc nửa đêm, Tử Cấm Thành xuất hiện rất nhiều đàn quạ đen bay tới là câu chuyện được đồn đoán nhiều nhất. Vì sao nơi thâm cung này lại xảy ra hiện tượng kỳ lạ như vậy?
Đối với người Trung Quốc xưa, quạ đen thường mang tới sự đen đủi. Tuy nhiên các nhà khoa học đã đưa ra 3 nguyên nhân cho thấy loài quạ tập trung ở Tử Cấm Thành là có cơ sở.
Thứ nhất, đàn quạ kéo đến Tử Cấm Thành vào ban đêm là do thiết kế đặc biệt của nơi này. Cụ thể, các cung điện trong cung thành đều được xây hướng mặt về phía Bắc và Nam. Vì thế, ánh nắng Mặt trời sẽ chiếu vào các khu vực này.
Hơn nữa, thiết kế của phần mái giúp cho cung điện thường ấm áp. Lũ quạ vì muốn tìm nơi lý tưởng để trú ngụ nên đã chọn Tử Cấm Thành làm nơi nghỉ ngơi vào ban đêm.
Thứ hai, Tử Cấm Thành là nơi quạ tìm thức ăn. Lý do này bắt nguồn từ việc người Mãn coi quạ là loài chim thiêng. Khi đó, Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích từng đầu quân cho Lý Thành Lương, tướng của Liêu Đông. Sau khi ông nội là Giáp Xương An và cha là Tháp Khắc Thế bị quân đội nhà Minh sát hại, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã bỏ trốn trong đêm.
Lý Thành Lương dẫn quân đuổi theo. Khi binh lính mệt mỏi và ngựa kiệt sức, Nỗ Nhĩ Cáp Xích không chạy được nữa đã nằm xuống một gốc cây bên đường giả chết. Lúc này, một đàn quạ đột nhiệt từ xa bay tới, phủ lấy thân thể Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Quân của Lý Thành Lương tới nơi chỉ thấy một đàn quạ, thầm nói “xui xẻo” và tìm kiếm nơi khác.
Nhờ có đàn quạ mà Nỗ Nhĩ Cáp Xích thoát nạn, từ đó ông suy tôn loài chim này lên thần thánh và ra lệnh cho con cháu sau này tôn thờ. Quạ có ơn với ông nên việc hiến tế cho thần quạ đã trở thành một hoạt động tế lễ quan trọng của hoàng gia và các gia đình Mãn Châu.
Sau khi nhà Thanh nắm quyền kiểm soát Trung Nguyên, họ xây một sảnh ở phía đông cổng trái Trường An, lập miếu thờ thần quạ và dựng cột thần trong điện Khôn Ninh. Triều đình cho dựng những cây cột vừa to vừa cao gọi là Sách Luân Can. Khi cúng tế, người ta thường chặt thịt lợn thành từng miếng, trộn với gạo tấm rồi cho vào thùng thiếc treo lên cột này cho quạ tới ăn. Vì truyền thống này của nhà Thanh nên những con quạ mới bay tới Tử Cấm Thành để tìm thức ăn. Sau này, chúng coi đây là nơi trú ẩn và ở lại cho tới giờ.
Thứ ba, hiệu ứng đảo nhiệt ở Bắc Kinh. Nguyên nhân là bởi ở Bắc Kinh hiện nay có quá nhiều nhà cao tầng. Vì sự xuất hiện này, hiệu ứng đảo nhiệt đã sinh ra. Hiệu ứng khiến cho ban ngày nhiệt độ ở Bắc Kinh rất cao nhưng ban đêm lại rất thấp. Những con quạ rất nhạy cảm với nhiệt độ, do đó chúng sẽ bay tới ngoại ô vào ban ngày và trở về Tử Cấm Thành vào ban đêm để tránh nóng.
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ