Giới trẻ dần nói “không” với công việc 8 tiếng một ngày?

Công việc tự do: Có được nhiều thứ và cũng mất nhiều thứ

Là một sinh viên vô cùng bận rộn, chị Nguyễn Ngọc Tú (22 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đã chia sẻ bản thân đang lựa chọn công việc tự do để có thể sắp xếp linh hoạt thời gian học trên trường: “Hiện mình đang làm việc cho một nhãn sách. Mình làm ở đó cũng được một năm rưỡi rồi. Mình chưa từng đi làm 8 tiếng một ngày vì sức khỏe bản thân có hạn. Mình không đủ sức để vừa học ở trường và đi làm nhiều. Khối lượng bài tập trên lớp của mình khá lớn nên mình muốn ưu tiên hoàn thành.”

Theo chị Tú, công việc tự do là sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh của chị lúc này. “Mình có thể làm việc ở bất cứ đâu mà mình thấy thoải mái và không phải đi lại nhiều. Thời gian làm việc của mình cũng rất linh hoạt – bất cứ khi nào mình rảnh rỗi. Mình chỉ cần hoàn thành công việc trước thời hạn mà người ta đưa ra là được. Nói chung thì mình cảm thấy khá tự do.”

Công việc tự do giúp nhiều bạn trẻ làm việc phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. (Ảnh: Freepik)

Tuy nhiên, chị Ngọc Tú cho biết thêm, chị cũng gặp một số khó khăn trong thời gian làm việc tự do. “Mình phải thú nhận rằng công việc tự do vô tình tạo cho mình một thói quen sinh hoạt tùy tiện và không khoa học. Tức là mình không hề có thời gian biểu cụ thể cho các hoạt động sẽ hoàn thành trong một ngày. Mình làm việc khá ngẫu hứng. Bên cạnh đó, mình dần cảm thấy buồn. Vì cuộc sống của mình thường chỉ quanh quẩn trong phòng, mình làm việc ở đó, học tập cũng ở đó. Mình nhận thấy bản thân đang thiếu giao tiếp trầm trọng.”

Khi được hỏi liệu sẽ tiếp tục công việc tự do trong tương lai gần hay không, chị Ngọc Tú đã ngay lập tức trả lời: “Có lẽ là không. Vì mình đã trải nghiệm đủ. Mình thực sự mong muốn được tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ hơn, đặc biệt là được kết bạn và trò chuyện với mọi người. Mình không chắc 100% sẽ không làm việc tự do nữa, biết đâu sau khi đi làm nhiều hơn, mình lại thấy công việc 8 tiếng một ngày không còn phù hợp.”

Công việc tự do: Hướng đi mới trong giai đoạn khủng hoảng nhất

Chị Đặng Mỹ Linh (26 tuổi, Hà Nội), một nhân sự đến từ ngành Marketing, khẳng định việc chuyển sang làm công việc tự do là quyết định sáng suốt trong thời điểm bản thân rơi vào khủng hoảng và lạc lối của sự nghiệp. “Khi đó, mình hay bị căng thẳng, thường xuyên đau đầu và mất ngủ liên miên dẫn tới sức khỏe suy giảm nặng nề. Chính vì vậy, mình quyết định nghỉ việc ở công ty cũ và hoàn toàn chuyển sang làm công việc tự do để bản thân có khoảng thời gian nghỉ ngơi cũng như định hướng lại con đường sự nghiệp”. 

Nhớ lại khoảng thời gian chật vật ấy, chị Mỹ Linh xúc động chia sẻ “Công việc tự do đã trở thành hướng đi mới giúp mình thoát khỏi giai đoạn mệt mỏi nhất. Mình dường như được hồi phục lại hoàn toàn”.

Không ít bạn trẻ quyết định chuyển sang làm công việc tự do để nghỉ ngơi và định hướng sự nghiệp. (Nguồn ảnh: Freepik)

Không chỉ giúp vượt qua khủng hoảng, chị Mỹ Linh cảm thấy công việc tự do còn đem đến lợi ích về mặt thu nhập cá nhân: “Với khoản thu khá tốt từ các dự án khác nhau, mình vừa có thể chi trả được sinh hoạt phí hàng tháng cùng các khoản chi tiêu khác vừa dành dụm được khoản tiền tiết kiệm”. Đồng thời, chị Linh cũng nhấn mạnh công việc này đã cho chị cơ hội thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau như F&B, Thời trang, Wedding… Ở mỗi lĩnh vực, chị đã học hỏi thêm nhiều kiến thức và phát triển kỹ năng chuyên môn của bản thân.

Ngoài ra, chị Mỹ Linh cũng chia sẻ với phóng viên Dân Việt một số sai lầm mà nhiều freelancer dễ mắc phải trong quá trình làm việc. Thứ nhất, nếu không biết kiểm soát kỷ luật của bản thân, chất lượng và năng suất công việc sẽ tụt dốc, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân trước các công ty, doanh nghiệp. Thứ hai, nếu quá ôm đồm công việc và không biết cân bằng, sức khỏe tinh thần lẫn thể chất dễ suy giảm.

Hào hứng khi nói đến kế hoạch tương lai gần, chị Linh cho biết bản thân vẫn tiếp tục công việc tự do cho đến lúc sức khỏe hoàn toàn khôi phục và phát triển tốt một số kỹ năng cần thiết cho công việc. Sau đó, có thể chị sẽ cân nhắc thêm về công việc 8 tiếng/ngày.

“Chúng ta chỉ sống một lần”

Chị Phạm Ngọc Ánh (24 tuổi, Hà Nội) hiện đang làm mảng digital marketing (Tiếp thị số) cho biết bản thân khá phù hợp với công việc 8 tiếng một ngày. “Với những ai trong ngành marketing sẽ hiểu, tính chất công việc không chỉ là 8 tiếng mà thậm chí là 10 tiếng, tức là công việc ở công ty chưa hẳn đã kết thúc. Mình nghĩ công việc 8 tiếng một ngày là vô cùng lý tưởng.”

Tuy nhiên, chị Ánh chia sẻ bạn bè xung quanh cũng khá nhiều người làm công việc tự do. Chị Ánh cũng thẳng thắn thừa nhận công việc này đem lại cho mọi người một lợi thế rất lớn là không bị giới hạn bởi địa điểm và thời gian làm việc: “Nhiều người có thể đến bất kỳ nơi nào mình muốn thay vì văn phòng mà mọi người cảm thấy ngột ngạt và buồn chán. Có lẽ dịch bệnh đã thay đổi hình thức làm việc của nhiều doanh nghiệp nên họ sẵn sàng tuyển nhiều vị trí làm việc từ xa. Bởi vậy mà cơ hội nghề nghiệp cũng khá hấp dẫn và nhiều bạn trẻ như mình có nhiều sự lựa chọn về công việc hơn.”

Chị Ngọc Ánh cũng cho biết trong tương lai gần, chị vẫn sẽ tiếp tục công việc văn phòng 8 tiếng một ngày cho đến khi kỹ năng chuyên môn và tài chính tích lũy ở mức ổn định. Khi ấy, chị sẽ cân nhắc đến công việc tự do để bước ra khỏi vùng an toàn của mình và trải nghiệm điều mới mẻ hơn. “Mình nghĩ thế hệ trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi quan điểm sống “Chúng ta chỉ sống một lần”. Chúng mình luôn muốn được làm những điều mà bản thân mơ ước, chắc chắn là có chút liều lĩnh nhưng mình nghĩ tuổi trẻ chính là thời điểm phù hợp nhất để làm những điều táo bạo như thế.”

Không ít bạn trẻ đã thành công khi bước ra khỏi “vùng an toàn” với kỹ năng chuyên môn và tài chính ổn định. (Nguồn ảnh: Freepik)

“Mình thấy chỉ công việc tự do mới tạo cơ hội lớn cho giới trẻ được sống hết mình, không bị gò bó bởi một nơi chốn hay dưới quyền quản lý của bất cứ ai. Chúng mình có thể linh hoạt trải nghiệm và cũng linh hoạt làm việc kiếm tiền để được trải nghiệm.” 

Mỗi người đều có lối đi riêng cho những dự định sắp tới. Người dự định sẽ đi làm 8 tiếng một ngày, người vẫn sẽ tiếp tục công việc tự do. Tuy nhiên, cụm từ “việc làm tự do” đã từng hiện diện trong các kế hoạch của họ. Khác với những thế hệ khác, cho rằng “việc làm tự do” khiến cho con người trở nên lười biếng, các bạn trẻ đã thẳng thắn chia sẻ sự cố gắng, thay đổi của bản thân. Với họ, công việc tự do đã mang lại nhiều lợi ích về thu nhập và phát triển các kỹ năng mới. Dù còn tồn tại những khó khăn do tính chất công việc, họ vẫn nỗ lực thích nghi và vượt qua. Thế hệ trẻ hiện nay dường như không hề “lông bông”, “lười nhác” như cách mà nhiều người vẫn nghĩ. 



Nguồn bài viết

Exit mobile version