‘Chiến mã làng cascadeur’ Phi Ngọc Ánh chia sẻ ‘Khoảnh khắc cuộc đời’ | |
Bóng đá có Quang Hải, làng cascadeur có Bùi Văn Hải đa tài đa nghệ |
Thể loại phim hành động đang phát triển khá “thịnh” ở miền Nam, có thể thấy dù là phim điện ảnh, truyền hình hay web drama, ít nhiều đều có đất thể hiện cho diễn viên hành động, biên đạo võ thuật, hay cascadeur. Tuy nhiên tại miền Bắc, khi gần như chỉ có phim truyền hình phát triển mạnh, điều đó lại khiến cho các diễn viên theo đuổi thể loại hành động gần như không có cơ hội tỏa sáng. Mà nếu có, cũng phải đứng trươc nhiều rủi ro nguy hiểm về thể chất, khiến nhiều người trở nên dè dặt với thể loại này.
TGĐA đã có cuộc trò chuyện với Quốc Toàn – chàng trai trẻ có định hướng theo đuổi đam mê trở thành diễn viên hành động về thị trường phim hành động tại miền Bắc, cũng như rủi ro về nghề nghiệp.
Diễn viên Quốc Toàn |
Xin chào Quốc Toàn, đam mê trở thành diễn viên phim hành động của bạn xuất phát từ thời điểm nào?
Thời điểm còn đi học, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành diễn viên, cho tới thời điểm được xem bộ phim Huyền thoại Lý Tiểu Long, tôi mới được tiếp thêm nguồn cảm hứng về thể loại hành động, nên tự tập võ và thể lực. Khi trưởng thành, tôi đăng ký thi vào Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, sau đó năm 2016, tôi may mắn được tham gia một phim hành động ngắn, khiến đam mê ngày càng cháy bỏng.
Quốc Toàn xuất hiện trong phim điện ảnh Nhà tiên tri (2015) |
Thời điểm bạn mới theo đuổi đam mê trở thành diễn viên hành động, có trường lớp nào chuyên dạy diễn viên về thể loại này hay chưa?
Trong Nam có rất nhiều, nhưng ở ngoài Bắc chỉ có các lớp học theo từng bộ môn võ. Còn đào tạo chuyên nghiệp về diễn viên hành động, hay cascadeur gần như rất hiếm, rất ít.
Quốc Toàn từng cùng với bạn bè mở sàn CLB hành động điện ảnh tại Hà Nội, quy tụ được nhiều người đam mê võ thuật màn ảnh |
Khi mới diễn xuất trên màn ảnh, bạn cho rằng cái khó nhất của diễn viên hành động là gì?
Trên phim, chúng ta tưởng chỉ có vài cú đấm, cú đá là xong nhưng thực tế không phải vậy. Nếu “đánh nhau” theo bản năng, thì sẽ gây tổn thương cho mình và bạn diễn, chưa kể còn có đạo cụ như là gậy, dao hay có những cảnh ngã từ trên cao xuống. Nhưng khi bắt đầu luyện tập, mọi thứ đều phải được chia theo “bài” và theo đường dây, không được tùy ý muốn làm gì thì làm.
Có nhiều võ sư cho rằng, tập võ thuật ở ngoài và võ trên phim hành động là khác nhau hoàn toàn, thậm chí còn khiến nhiều người tập võ lâu năm phải kinh ngạc vì trên màn ảnh thực sự rất khác. Giả dụ như nếu nhân vật là dân văn phòng đi học võ, sẽ đánh võ theo một kiểu riêng. Còn nếu nhân vật là người lăn lộn bươn trải với cuộc sống, sẽ thực chiến theo kiểu rất đỗi bản năng, gọi là võ đường phố.
Quốc Toàn tự tập luyện thể chất và võ thuật để đóng phim hành động |
Thị trường miền Nam đang rất “nhộn nhịp” với thể loại hành động và trái ngược hẳn với miền Bắc khá ảm đạm. Bạn có cho rằng như vậy?
Đúng là như vậy, thị trường phim hành động trong Nam đang rất phát triển, nhưng ở ngoài Bắc thì khác. Tôi cho rằng đa phần diễn viên đều khá ngại đóng cảnh hành động, từ diễn viên trẻ đến trung niên. Khi nhắc đến hành động thì gần như mọi người đều không tự tin để làm vì sợ chấn thương.
Ở ngoài Bắc chủ yếu phát triển ở phim truyền hình thường làm với tiến độ nhanh. Mà nếu đưa vào một cảnh hành động có yếu tố chất lượng cao, thì có khi phải mất cả 1 ngày để quay. Thế nên vì vấn đề kinh phí và thời gian, tôi cho rằng nhiều ê-kíp khó thể đưa cảnh hành động vào trong phim của mình. Bạn bè của tôi, từng theo đuổi đam mê làm diễn viên hành động hay cascadeur gần như đều phải chuyển qua lĩnh vực khác, có người gắng vào trong Nam để tìm kiểm cơ hội.
Hiện giờ có phải bạn đã tạm dừng đam mê làm diễn viên hành động? Thời điểm nào bạn nghĩ mình phải làm vậy?
Thực ra tôi chưa bao giờ dừng đam mê, chỉ là đang “lấy ngắn nuôi dài”. Đúng là phim miền Bắc gần như không có cơ hội cho diễn viên hành động, nhưng chúng tôi vẫn tự làm phim để thỏa đam mê thể loại này. Tôi đã tự mình làm một phim ngắn đăng lên Youtube và thu được 52 triệu lượt xem.
Trích đoạn trong phim ngắn Your Lover với sự tham gia của Quốc Toàn, đạt 52 triệu lượt xem trên Youtube:
Bạn có thể chia sẻ một diễn viên hành động hay cascadeur khi tham gia một cảnh quay hành động sẽ phải chịu rủi ro gì?
Đầu tiên, chắc chắn chấn thương là có. Tôi từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình ngã từ trên cao xuống bị gãy chân, phải đi phẫu thuật, thậm chí là chảy máu đầu. Tôi từng quay một cảnh đút dao vào vỏ bao, nhưng để diễn cho ngầu nên mình đã không nhìn con dao, thành ra dao dâm vào tay và bị chảy máu.
Có phải vì chấn thương quá nhiều nên đa số họ đều muốn “bỏ” nghề?
Tôi cho rằng không phải như vậy, nếu ai đã xác định theo nghiệp này thì đều sẽ chấp nhận những rủi ro đó, chỉ là đến lúc nào đấy mọi chuyện xảy ra không như ý mình muốn, họ mới phải tạm dừng công việc này lại.
Quốc Toàn từng đá sân qua lĩnh vực đóng thế để nuôi đam mê trong bộ phim Truyền thuyết về Quán Tiên (2020) |
Thị trường trong Nam nhộn nhịp như vậy, theo bạn có chỗ để cho những gương mặt mới khẳng định được bản thân hay không?
Dù khó nhưng sẽ luôn có cơ hội nếu bạn chứng minh được bản thân mình đặc biệt. Bởi là một diễn viên hành động, không chỉ có thể diễn những màn đánh đấm trên màn ảnh, mà nếu bạn thể hiện rõ được nội tâm và tính cách nhân vật, nhiều khả năng bạn sẽ tạo ra được sự khác biệt lớn.
Có nhiều người hay nhầm diễn viên hành động và cascadeur, bạn có thể nói rõ về sự khác biệt này?
Cascadeur chỉ là đóng thế, còn diễn viên hành động là người chuyên diễn thể loại hành động và có thể diễn được đa màu sắc. Ví dụ như Jason Statham – ngôi sao hành động của Hollywood, chúng ta thấy anh ấy xuất hiện trong những bộ phim thuần túy hành động, nhưng đôi khi anh ấy cũng đóng phim hài có hành động.
Nhưng cascadeur là một công việc hết sức vất vả. Nếu diễn viên không đủ khả năng đóng hành động, thì cascadeur sẽ là người chịu những tổn thương về thể chất, những sự đau đớn chẳng may xảy ra thay cho diễn viên đó.
Quốc Toàn gần đây chọn cho mình hình ảnh mới để dễ tiếp cận với đa số khán giả |
Cascadeur theo bạn có phải là một công việc có thu nhập tốt?
Nói riêng về phía Bắc, tôi cho rằng không có thị trường cascadeur, chỉ có những người tự đi tập, khi có dự án thì được gọi đi đóng. Nhưng thu nhập không cao, không đủ nuôi sống họ vì có khi vài tháng mới chỉ có một cảnh quay, chưa kể rủi ro về chi phí phát sinh nếu bị chấn thương. Gần đây, tôi biết một diễn viên bị gãy chân khi đóng cảnh quay nhảy từ trên cao xuống và dĩ nhiên là người đó phải tạm dừng công việc thời gian dài.
Ở nước ngoài sẽ có bảo hiểm cho diễn viên hành động hay cascadeur nhưng theo trải nghiệm cá nhân tôi khi tham gia và quan sát một số dự án ở Việt Nam, sẽ không có những điều đó, thế nên rủi ro dành cho những ai theo đuổi đam mê này là rất cao, nếu giả dụ bị chấn thương thì sẽ bị mất hết. Mất thời gian điều trị, không được đi đóng phim, mất đi mối quan hệ, tên tuổi sẽ bị quên đi rồi sau đó một vào năm khi tuổi tác đã cao thì không đủ thể chất để đóng.
Có nhiều bộ phim phải đi thuê đạo diễn hành động/biên đạo hành động ở nước ngoài mà không phải ở Việt Nam, theo bạn tại sao lại như vậy?
Tôi nghĩ tùy theo từng quan điểm và yêu cầu của mỗi đạo diễn. Nhiều nền điện ảnh nước ngoài có biên đạo hành động giỏi và phong cách làm việc chuyên nghiệp. Nhưng theo tôi ở Việt Nam vẫn có rất nhiều người giỏi không kém, chỉ là chưa có một cộng đồng đủ mạnh để tìm thấy một tiếng nói chung. Tôi mong rằng, nên có nhiều khuyến khích hơn cho họ, về thù lao hay bảo hiểm về thể chất, như vậy mới khiến thể loại này phát triển nhiều hơn ở Việt Nam.
Cảm ơn bạn vì những chia sẻ.