Hậu trường phim ‘The Creator – Kẻ kiến tạo’: Khi hình ảnh, văn hóa Việt Nam và các nước Đông Nam Á trở thành cảm hứng của phim Hollywood

Khi châu Á trở thành trung tâm cuộc chiến giữa con người và A.I

The Creator ra mắt trong thời điểm nhạy cảm khi A.I bùng nổ mạnh mẽ và đang trở thành đề tài gây tranh cãi giữa giới sáng tạo, nghệ thuật với các công ty công nghệ. Phim lấy bối cảnh tương lai gần khi A.I đã phát triển một cách bùng nổ. Một thảm họa ập đến bởi A.I đã kích hoạt quả bom hạt nhân ở Los Angeles (Mỹ) khiến hàng triệu người bỏ mạng.

Hậu trường phim 'The Creator - Kẻ kiến tạo': Khi hình ảnh, văn hóa Việt Nam và các nước Đông Nam Á trở thành cảm hứng của phim Hollywood

Trong khi các chính phủ phương Tây chọn cách cấm A.I thì nhiều quốc gia châu Á lại đoàn kết và phát triển đến mức người máy không khác gì con người và có những quyền bình đẳng. Từ đây, cuộc chiến giữa Mỹ và châu Á mới bùng nổ. Nhân vật chính của The Creator là Joshua (John David Washington) – một người lính Mỹ hoạt động bí mật ở châu Á.

Anh bị chia cách khỏi cô vợ Maya (Gemma Chan) trong một cuộc tấn công. Nghĩ rằng cô đã chết, Joshua quay trở lại Mỹ và suy sụp tinh thần. Nhưng 5 năm sau, anh được quân đội yêu cầu quay trở lại vì biết tin A.I đã tạo ra một vũ khí có thể đảo chiều cuộc chiến. Joshua được lệnh tiêu diệt món vũ khí và được tiết lộ tin Maya vẫn còn sống.

Chàng quân nhân còn phát hiện ra vũ khí này là một bé gái 6 tuổi tên Alphie (Madeleine Yuna Voyles). Từ đây, Joshua bắt đầu đặt câu hỏi về A.I, nhân tính hay ranh giới giữa đúng và sai. Với bối cảnh chính diễn ra ở châu Á, phim quy tụ nhiều gương mặt diễn viên quen thuộc như Ken Watanabe, Gemma Chan, Ngô Thanh Vân… Đồng thời, đạo diễn Gareth Edwards cũng đã đưa rất nhiều hình ảnh, văn hóa phương Đông lên màn ảnh rộng.

Hành trình tìm đến châu Á của The Creator

Đạo diễn Gareth Edwards – người từng thực hiện Rogue one: A star wars story (2016) và Godzilla (2014) – coi tiểu thuyết The Hero with a Thousand Faces của Joseph Campbell và bộ phim kinh điển về chiến tranh Việt Nam Apocalypse Now của Francis Ford Coppola là nguồn cảm hứng xây dựng thế giới của The Creator.

Để đưa tầm nhìn của Edwards lên màn ảnh, nhà sản xuất Jim Spencer đã tập hợp một đội ngũ gồm những tài năng xuất chúng, bao gồm các đạo diễn hình ảnh Greig Fraser (thắng giải Oscar với Dune, Part One) và Oren Soffer (Action Royale), thiết kế sản xuất James Clyne (AvatarStar Wars: The Rise of Skywalker), dựng phim Hank Corwin (Tree of LifeJFK), Joe Walker (thắng giải Oscar cho Dune, Part One và dựng phim Blade Runner 2049) và Scott Morris (The Lost City of Z); nhà soạn nhạc Hans Zimmer (thắng giải Oscar cho Dune, Part One), thiết kế âm thanh Erik Aadahl (A Quiet Place Part II, Tree of Life) và Ethan Van Der Ryn (thắng Oscar cho King KongLord of the Rings: The Two Towers), và Jay Cooper (giám sát hiệu ứng hình ảnh của AvatarStar Wars: The Force Awakens).

Edwards nói: “Tuổi thơ tôi gắn liền với vô số bom tấn kinh điển ở rạp, nhiều bộ phim trong số đó khiến đứa bé năm nào choáng ngợp. Nên tôi luôn muốn đi khắp nơi và ghi lại trải nghiệm tương tự đó cho người khác. Và trong bộ phim này, chúng tôi thực sự đã chơi tới bến. Chúng tôi thực sự đã đến dãy Himalaya. Chúng tôi thực sự đã đến Indonesia, Nhật Bản, Campuchia và Thái Lan và thực hiện những cảnh quay hoành tráng điên rồ này kết hợp với một hành trình giàu cảm xúc mà các nhân vật phải trải qua”.

“Phim được quay bởi ống kính siêu rộng, bởi vì những phong cảnh và địa điểm này phù hợp với màn hình lớn nhất có thể. Đó là một cuộc hành trình giàu hình ảnh và là một cuộc hành trình sẽ không thể thực hiện được trên màn hình TV. Bạn phải đến rạp chiếu phim để xem tác phẩm này”, nhà làm phim 48 tuổi tiết lộ thêm.

Khi Việt Nam và Đông Nam Á bước lên màn ảnh rộng Hollywood

Ê-kíp sản xuất đã di chuyển hơn 16.000 km đến 80 địa điểm khác nhau ở 8 quốc gia, bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Nepal, Nhật Bản, Indonesia, Vương quốc Anh (tại Pinewood Studios bên ngoài London) và Hoa Kỳ (ở Los Angeles). Các nhà làm phim đã cố gắng tưởng tượng một cách trực quan những nơi ấy sẽ ra sao sau 30 hoặc 40 năm nữa và tái hiện điều đó trên màn ảnh.

Edwards nói: “Nếu bạn thực sự đến tương lai và quay phim ở những địa điểm tuyệt vời này, bạn sẽ thấy nhiều thứ mà bạn không thể hiểu được, con người, xe cộ hay các tòa nhà khổng lồ sẽ vô cùng khác lạ. Đó là điều khiến những thế giới này mang đến cảm giác chân thực, giống như khi bạn thực sự du hành đến những vùng đất xa lạ, bạn sẽ không hiểu mọi thứ mình đang nhìn thấy”.

Đoàn phim sử dụng kiến trúc đã sẵn có, tạo ra những công trình mang tính tương lai to lớn lờ mờ ở phía xa và hòa quyện hoàn hảo với những ngôi đền và ngôi làng thực sự ở tiền cảnh. Edwards nói: “Các họa sĩ thực hiện hiệu ứng hình ảnh của chúng tôi đã mang đến những khung hình đáng kinh ngạc. Không thể phân biệt được điểm kết thúc của thế giới thực và điểm bắt đầu của thế giới tương lai là ở đâu”.

Gareth đã giảm thiểu việc sử dụng phông xanh và tìm địa điểm thực cho từng cảnh trong phim. Ê-kíp chọn Nepal vì những ngọn núi và đền thờ tuyệt đẹp, còn Kathmandu vì tính tâm linh và mối liên hệ của nó với câu chuyện. Đoàn phim còn đến Việt Nam để quay những cánh đồng lúa, ruộng bậc thang và chiêm ngưỡng vách núi đá vôi tuyệt đẹp ở Vịnh Hạ Long.

Edwards giải thích: “Một trong những hành trình khó nhất mà chúng tôi phải làm là đi lên dãy Himalaya và quay cảnh John Washington với ngôi chùa có các Phật tử gồm cả con người và robot. Nó nằm ở độ cao đến hơn 3.000 mét và tôi không thể tin được họ chấp nhận cho chúng tôi nghi hình. Thực sự là điên rồ luôn”.

Quá trình sản xuất dành một khoảng thời gian đáng kể ở Thái Lan, quay phim ở hơn 40 địa điểm ở 17 tỉnh khác nhau. Đây là quê hương của nhiều tác phẩm thuộc mọi quy mô, chủ yếu là do cơ sở hạ tầng làm phim và đội ngũ nhân viên dồi dào. Quá trình sản xuất được thực hiện trên các bãi biển Krabi, những con phố nhộn nhịp ở Bangkok và khu rừng rậm ở Chiang Mai…

Spencer cho biết thêm: “Về cơ bản, Gareth đã chọn tất cả những địa điểm đẹp nhất ở Đông Nam Á. Chúng tôi đã dành vài ngày để quay phim ở Kathmandu và điều đó thật kỳ diệu. Đó thực sự là một trong những nơi đẹp nhất trên trái đất. Người dân cũng thân thiện nữa. Có một người phụ nữ không biết tiếng Anh và nấu bữa sáng theo một cách rất Nepal đã mời tất cả chúng tôi vào nhà và chiêu đãi chúng tôi một bữa tiệc thịnh soạn nhất”.

Những hình ảnh tuyệt vời của Đông Nam Á, kết hợp với kỹ xảo và âm thanh xịn sò nhất cùng câu chuyện tiềm năng hứa hẹn sẽ giúp The Creator tạo nên trải nghiệm điện ảnh chất lượng trong dịp cuối năm này.

The Creator – Kẻ kiến tạo khởi chiếu chính thức ngày 29/9/2023 tại các rạp trên toàn quốc.

Exit mobile version