Tiếp tục hành trình làm những “nong dân tập sự”, ở tập 2 series ‘nong-dân’, Thùy Tiên và Misthy đã tới nhà cô Mai – người có hơn 30 năm làm bánh phồng để học và làm với tiền công là 20 ngàn đồng/giờ. Làng nghề bánh phồng ở Tiền Giang đã tồn tại hơn 70 năm, từ vài hộ đến cả trăm hộ chuyên làm và sống chính bằng nghề này. Bánh phồng Cái Bè – Tiền Giang vẫn rất có danh tiếng, là nông sản đặc trưng được cả nước biết đến và xuất khẩu tới nhiều quốc gia. Tuy nhiên ít ai biết, để ra được những chiếc bánh thành phẩm chất lượng cuối cùng là cả một quá trình làm thủ công.
Lần đầu tiên học và làm bánh phồng, Thùy Tiên và Misthy hăng hái tham gia từng công đoạn một: từ củ khoai mì, gọt vỏ và mang đi hấp trong 3 tiếng; cắt nhỏ khoai mì đã hấp, loại bỏ xơ và mang đi xay thành bột. Kế tiếp, dùng bột này để ngào chung với mạch nha, đường, nước cốt dừa… thành bột mịn và dẻo. Sau đó, tráng mỏng và phơi cho bánh dẻo. Cuối cùng là đóng gói. Mỗi công đoạn đều mới mẻ nên cả hai đều khá lúng túng để làm quen tay dần.
Khi ngồi cắt những thau khoai mì, cô Mai chia sẻ gần gũi: “Một ngày phải làm hơn 5.000 bánh để giao cho lò, bắt đầu làm từ 1 giờ sáng để kịp nắng phơi bánh, phơi khoảng 3 tiếng đồng hồ thì bánh sẽ khô. Những ngày mưa, nếu chạy không kịp là bánh ướt, rã ra là phải bỏ hết. Tới mùa mưa là phải canh liên tục để chạy che bánh kịp thời, còn mà không phơi được thì dùng máy hong. Làm không được bao nhiêu mà lỗ cũng nhiều lắm. Một bịch 50 cái, bán 50.000 đồng”. Sau những tâm tình của cô Mai, Thùy Tiên và Misthy đều khá bất ngờ khi biết những rủi ro người nông dân phải đối mặt khi làm nghề làm bánh phồng.
Ở mỗi công đoạn, cả Thùy Tiên và Misthy đều khá chăm chú, tỉ mỉ để thực hiện mà không có sai sót gì. Khi đã hoàn thành tới công đoạn cuối cùng, Thùy Tiên chia sẻ: “Công việc này phải vừa thức khuya mà còn bị ảnh hưởng thời tiết nhiều quá. Đây là cả một quá trình rất dài hơi, qua được các công đoạn khác nhau để có được sản phẩm chất lượng. Nhìn thành phẩm cuối cùng thật sự rất cảm động”.
Để cảm ơn cô Mai đã nhận hai “nong dân tập sự” vào làm, Thùy Tiên và Misthy tích cực đạp xe đến tiệm bánh ngọt để tìm mua gì đó. Tuy cả hai chỉ có 90.000 đồng – lương từ công việc gặt cỏ bàng ban sáng, nhưng cái nàng hậu khao khát mua lại là một chiếc bánh kem 200.000 đồng. Sau một hồi đắn đo đấu tranh với nhau, Thùy Tiên và Misthy cũng “xuống nước” mượn ekip để đủ tiền mua bánh kem. Misthy còn đùa: “Tối nay nếu khó khăn quá thì mình ăn bánh tráng, xin thêm miếng nước mắm để chấm” khiến Thùy Tiên “muốn khóc”. Điều bất ngờ đó là cô chủ tiệm bánh không muốn lấy tiền khiến cả hai vỡ òa hạnh phúc. Nhưng Thùy Tiên vẫn kiên quyết trả một phần để cảm ơn tình cảm của cô. Mang chiếc bánh về nhà, cả hai nhiệt tình rủ bà con hàng xóm cùng “nhập tiệc”, phút chốc căn nhà nhỏ của cô Mai rộn ràng hơn hẳn.
Cuối chương trình, khi được Thùy Tiên hỏi cảm nhận về hai “nong dân tập sự”, cô Mai khá xúc động. Điều này cũng đủ thấy, dù chỉ mới gặp nhưng cô Mai đã dành những tình cảm gần gũi với hai “nông dân tập sự”. Trước khi rời nhà cô Mai để tiếp tục những thử thách để trở thành “nong dân chính hiệu”, Thùy Tiên và Misthy tích cực kêu gọi mọi người dù đi đâu cũng nhớ ủng hộ những sản phẩm nông sản chất lượng của bà con mình đã vất vả làm ra.
Nàng hậu chia sẻ: “Ngày đầu tiên đi quay ‘nong-dân’, Thùy Tiên đã có rất nhiều hứng khởi, mong chờ, mồ hôi và cả những nụ cười. Không thể tin nổi bản thân có thể hoàn thành thử thách cắt cỏ bàng, đan giỏ bằng cỏ bàng và làm bánh phồng đều trong một ngày. Thùy Tiên và Misthy – hai con người ở thành phố lần đầu tiên xuống miền Tây và gặp gỡ được các cô chú rất dễ thương, hiếu khách, thân thiện. Cảm ơn cô chú rất nhiều đã cho mình trải nghiệm, dù hơi ‘phá’ một chút nhưng vẫn công nhận công sức của cả hai”.
‘nong-dân’ và Thùy Tiên sẽ tiếp tục cùng khán giả đi trải nghiệm, cảm nhận sự trù phú của nông sản quê hương, những nét đẹp lao động, những văn hóa nghề nông, vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam. Chương trình ‘nong-dân’ gồm 6 tập, lên sóng vào 20h00 thứ năm hàng tuần từ ngày 27/7 trên kênh YouTube Nong Tiên Official.
‘nong-dân’ là sự chơi chữ hóm hỉnh kết hợp giữa từ “nông dân” và biệt danh “Nong Tiên” – cách fan Thái gọi Hoa hậu Thùy Tiên. “Nong” còn có nghĩa là em nhỏ. Khi “nong” ghép cùng với “dân” ý chỉ những người mới trong việc làm nông hay gọi gần gũi là những “nong dân tập sự”.
‘nong-dân’ ra đời như một lời cảm ơn thể hiện sự trân quý, cũng như là “cầu nối” để đưa các bạn thuộc thế hệ trẻ có sự gắn kết gần hơn với những giá trị truyền thống; và lan tỏa những giá trị đẹp và tích cực nhất tới người xem về giá trị nông sản, văn hóa bản sắc Việt Nam.
Tập 2 ‘nong-dân’: