“Khi bạn hài lòng với bản thân và không còn so sánh, không còn ganh đua, mọi thứ sẽ bắt đầu tôn trọng bạn”. – Lão Tử
Bạn có thể cảm thấy quá sức khi phải đè nén và giấu kín điểm yếu của mình, và chuyện này có lý do của nó. Nó thực sự quá sức chịu đựng. Loài người dễ bị tổn thương và có nhiều nhược điểm. Từ ngày mới chào đời cho đến lúc ra đi, chúng ta vẫn luôn phải dằng co giữa việc trở thành một cá nhân độc lập với việc vẫn khao khát được yêu thương, được kết nối và được bảo bọc bởi một điều gì đó to lớn hơn bản thân mình. Chúng ta vừa muốn tách biệt lại vừa muốn được ở cùng người khác, và chúng ta cần đến mọi sự giúp đỡ mà mình có được. Có lẽ đây là lý do loài người tiến hóa và tạo ra ngôn ngữ để chia sẻ những điểm dễ bị tổn thương của mình với các thành viên khác trong cộng đồng.
Hãy thử xem xét giả thuyết “loài vượn người dễ bị tổn thương”: nhiều thiên niên kỷ trước, thay vì những đặc điểm như sức mạnh cơ bắp, quá trình tiến hóa chuyển sang chọn lọc những điểm khác như tính dễ bị tổn thương, lòng trắc ẩn và sự kết nối. Những vị tổ tiên sống sót của chúng ta không phải là những người mạnh khỏe nhất theo tiêu chuẩn truyền thống, mà là những người có khả năng chia sẻ với nhau một cách hiệu quả những điểm yếu của mình, đồng thời biết hợp tác cùng nhau khắc phục những điểm yếu đó. Người ta tin rằng những chú “vượn người dễ bị tổn thương” nàng chính là tiền thân của Người tinh khôn, tức là loài người chúng ta.
Ngày nay, khả năng bày tỏ chia sẻ điểm yếu của bản thân đã trở thành một năng lực bẩm sinh và được biểu hiện ngay tức thời. Chỉ trong vòng một giờ sau khi ra đời, trẻ nhỏ đã biết cử đông đầu mình để giao tiếp bằng mắt với mẹ. Vào ngày thứ hai hoặc ngày thứ ba, bé sẽ bắt đầu đáp lại giọng nói của mẹ. Khi là những đứa trẻ sơ sinh yếu ớt, đây là cách loài người chúng ta bộc lộ tính dễ bị tổn thương và tạo dựng gắn kết với người chăm sóc mình. Đây chính là cách chúng ta sinh tồn.
Khi chúng ta đến tuổi trưởng thành, tính dễ bị tổn thương vẫn giúp chúng ta gắn kết sâu sắc hơn với mọi người, bởi đó chính là thành tố liên kết trong những mối quan hệ thân thiết. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Manheim ở Đức đã tiến hành một chuỗi bảy thí nghiệm, trong đó họ yêu cầu những người trưởng thành tham gia nghiên cứu sẽ chia với nhau về bản thân, bao gồm cả những yếu điểm của mình, ở nhiều mức độ khác nhau. Trong tất cả nhiều trường hợp các nhà nghiên cứu nhận thấy những cá nhân đang chia sẻ về bản thân đều cho rằng tính dễ bị tổn thương của mình là yếu đuối và tiêu cực. Trong khi đó, những người đang lắng nghe thì lại cảm thấy hoàn toàn ngược lại: người chia sẻ càng bộc lộ tính dễ bị tổn thương của mình, người nghe càng thấy họ thật can đảm. Với người nghe, tính dễ bị tổn thương là một đặc điểm tích cực.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Manheim đã viết: “Bày tỏ tình cảm, nhờ người khác giúp đỡ hoặc nhận lỗi là một vài ví dụ về việc biểu lộ tính dễ bị tổn thương của một người và vì sợ hãi mà nhiều cá nhân đã quyết định không làm thế.” Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng, đây là một quyết định sai lầm. “Dù trong một vài trường hợp, biểu lộ tính dễ bị tổn thương có thể khiến người khác cho rằng mình yếu đuối, nhưng những phát hiện của chúng tôi lại chỉ ra rằng đối với người ngoài, hành động này lại thể hiện lòng can đảm nhiều hơn. Nếu xét đến những hiệu quả tích cực khi thể hiện tính dễ bị tổn thương lên chất lượng các mối quan hệ, sức khỏe hay thành tích trong công việc (niềm tin và sự kết nối trở nên sâu sắc hơn, học hỏi được nhiều hơn từ người khác và được tha thứ sau khi mắc sai lầm), có lẽ chúng ta nên cố gắng vượt qua nỗi sợ này và lựa chọn nhìn vào những khía cạnh tốt đẹp những tình huống rối ren làm bộc lộ tính dễ bị tổn thương của mình.” Các nhà nghiên cứu đã chọn một cái tên rất phù hợp cho phát hiện của mình: “hiệu ứng sự hỗn loạn tốt đẹp”.
Sâu thẳm bên trong, hầu hết mọi người đều không thích giả vờ rằng mình lúc nào cũng hoàn toàn ổn. Không ai làm được việc như vậy, và việc cố tỏ vẻ như thế thật sự mệt mỏi vô cùng. Khi bạn hạ lớp mặt nạ phòng bị xuống và bắt đầu thành thật, mọi người sẽ không xem bạn là một kẻ yếu đuối. Ngược lại, họ sẽ bắt đầu cảm thấy nhẹ nhõm với ý nghĩ: cuối cùng thì cũng có người quyết định thôi giả vờ, có người có vẻ giống mình. Họ sẽ cảm thấy tự tin hơn và nhận ra mình cũng có quyền ngừng cố gắng thể hiện bản thân là người hoàn hảo và bắt đầu bộc lộ những khiếm khuyết. Khi chuỗi ảnh hưởng này ngày càng lan rộng và trở nên sâu sắc hơn – sự thẳng thắn của người này dẫn đến sự thẳng thắn của người khác – thì niềm tin khăng khít cũng như sự kết nối giữa người với người sẽ được hình thành. Theo cách này, kh thừa nhận tính dễ bị tổn thương của mình, bạn không chỉ tháo bỏ xiềng xích cho bản thân mà còn cho cả những người xung quanh. Kết quả đạt được là sự tự do và tin tưởng, lành mạnh hơn và chân thành hơn. Mỉa mai thay, chính việc dành thời gian và năng lượng để xây dựng hình tượng cá nhân và lo nghĩ về việc lúc nào cũng phải hoàn hảo lại gay trở ngại cho việc tạo dựng những mối gắn kết chặt chẽ mà chúng ta khao khát có được nhất. Từ rất lâu trước khi ngành khoa học thực nghiệm được ra đời và trước khi chúng ta biết đến khái niệm “hiệu ứng sự hỗn loạn tốt đẹp”, Đạo giáo đã biết đến những lợi ích xã hội của việc biểu lộ tính dễ bị tổn thương. Vào thế kỷ thứ tư trước Công ngyên, Lão Tử đã viết: “khi bạn hài lòng với bản thân và không còn so sánh, không còn ganh đua, mọi thứ sẽ bắt đầu tôn trọng bạn”.
Ảnh: I.H.F