Trao đổi với VietNamNet, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay: “Đối với vụ việc nữ sinh quỳ khóc tại Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội), cơ quan công an sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ có hành vi vi phạm pháp luật hay không.
googletag.cmd.push(function() { googletag.display(“div-gpt-ad-1695800950411-0”); });
Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ làm rõ vì sao học sinh lại bị đuổi ra khỏi lớp, học sinh quỳ gối là tự quỳ hay bị ép buộc? Thời gian học sinh quỳ gối ở ngoài lớp bao lâu? Giáo viên có biết không, tại sao không xử lý ngay? Đặc biệt, hành vi thái độ của giáo viên trong clip là không phù hợp, cần phải làm rõ để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật”.
Theo ông Cường, trong trường hợp kết quả xác minh có căn cứ cho thấy đã có hành vi làm nhục hoặc hành hạ người khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý, sức khỏe của học sinh, gây ra dư luận xấu cho xã hội, giáo viên có thể bị xem xét xử lý bằng chế tài hành chính hoặc hình sự tùy vào tính chất của vụ việc và hậu quả xảy ra.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy không có hành vi làm nhục, hành hạ người khác, hành vi chưa đến mức xử phạt vi phạm hành chính cũng có thể xem xét xử lý kỷ luật về tác phong, lời nói, ứng xử không phù hợp của giáo viên này gây ra dư luận xấu trong xã hội.
“Nếu câu chuyện chỉ là học sinh mua bánh không đúng cửa hàng mà cô giáo yêu cầu dẫn đến việc cô đuổi học sinh ra khỏi lớp và có những lời lẽ không phù hợp, có tính chất đe dọa là hành vi rất đáng trách. Hình thức kỷ luật như vậy với học sinh là không phù hợp với quy định pháp luật. Thái độ ứng xử của cô giáo thiếu chuẩn mực và gây tâm lý tiêu cực cho học sinh.
Bởi vậy, trong tình huống này nếu cơ quan chức năng không xem xét xử lý bằng các chế tài của pháp luật, nhà trường cũng cần xem xét trách nhiệm của cô giáo này để tiến hành xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Điều đáng chú ý trong vụ việc này là cô giáo lại dạy môn Giáo dục công dân và là giáo viên chủ nhiệm của lớp.
Với diễn biến sự việc như vậy, trường có thể tạm đình chỉ công tác đối với giáo viên này và phân công nhiệm vụ công việc mới cho phù hợp với năng lực trình độ, khả năng chuyên môn và văn hóa giao tiếp”, Luật sư Cường nói.
Theo ông Cường, cơ quan chức năng sẽ làm rõ giáo viên này là viên chức hay là cán bộ hợp đồng để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp xác định hành vi có vi phạm kỷ luật và cô giáo này là viên chức sẽ xem xét xử lý kỷ luật theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về kỷ luật viên chức.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy giáo viên này đã vi phạm kỷ luật, vi phạm tác phong và có hành vi xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm uy tín của học sinh cần phải xem xét xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đồng thời cần tuyên truyền, quán triệt để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra, ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở giáo dục, gây tâm lý bất bình trong xã hội.
Còn Thạc sĩ luật Nguyễn Văn Hiếu cho rằng hành vi của cô giáo có dấu hiệu làm nhục người khác.
“Đối với vụ việc xảy ra tại Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), tôi cho rằng cả giáo viên và cơ sở giáo dục này đều đang cố ý né tránh và đơn giản hóa sự việc. Nếu không nghiêm túc xem xét giải quyết, mọi nỗ lực phòng ngừa bạo lực học đường sẽ thất bại”.
Theo ông Hiếu, nữ sinh không tự nhiên quỳ xin cô ở cửa lớp và khóc đến 2 giờ đồng hồ. Tâm lý học giải thích trường hợp trên phải có sự sợ hãi, hoảng loạn ghê gớm, con người mới có phản ứng “nhũn” ra như vậy. Điều này chứng tỏ nữ sinh đã rất lo lắng khi làm trái ý cô.
Dưới góc độ pháp lý, theo ông Hiếu, hành vi của giáo viên này có dấu hiệu làm nhục người khác. Cụ thể, tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định Tội làm nhục người khác với các hành vi khách quan như sau: Các hành vi có thể thể hiện bằng lời nói hoặc hành động nhằm hạ thấp nhân cách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Chẳng hạn thể hiện bằng lời nói như: sỉ nhục, chửi bới, quát nạt một cách thô bỉ, tục tĩu trước đông người…
Ông Hiếu cho hay: “Đuổi học sinh ra khỏi lớp không được quy định trong quy chế Bộ GD-ĐT ban hành. Lỗi của nữ sinh hoàn toàn không đến mức phải cư xử như vậy. Không biết cô P. có lợi ích riêng nào trong việc chỉ định cửa hàng đặt bánh sinh nhật hay không? Nếu có, lợi ích bé nhỏ ấy cũng không đến mức phải đuổi học sinh mình chủ nhiệm (lại là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn thanh niên hỗ trợ cô trong công tác quản lý và phong trào) ra ngoài như vậy. Đây rõ ràng không chỉ là hành vi vi phạm quy định của ngành giáo dục mà nhằm mục đích nhục mạ học sinh này, xâm hại đến danh dự nhân phẩm của người học”.
“Không dừng lại ở đây, khi học sinh quỳ gối, xin cô tha thứ, khóc đến 2 giờ đồng hồ ngoài cửa, cô cũng không có động thái ngăn cản. Đến khi học sinh ngất lả, cô còn có hành vi giằng giật làm xô lệch quần áo, quát mắng, đe dọa nữ sinh thậm tệ. Đây là hành vi xâm hại đến người học nghiêm trọng. Bản thân cô P. là giáo viên chủ nhiệm, là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, cô P thực hiện hành vi trên với lỗi cố ý trực tiếp”, ông Hiếu phân tích thêm.
Theo ông Hiếu, Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Nếu phụ huynh của nữ sinh có đơn yêu cầu cơ quan CSĐT, Công an huyện Sóc Sơn điều tra làm rõ thì vụ việc phải xử lý theo quy trình tố tụng hình sự.
“Ở vụ việc nghiêm trọng này, cần nghiêm túc xử lý để làm gương ngăn chặn hành vi bạo lực học đường nhức nhối hiện nay”, thạc sĩ luật cho biết.
Theo Thanh Hùng (VietNamNet)
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});