Bất chấp các quy định nghiêm ngặt trong lĩnh vực khám chữa bệnh, nhiều cơ sở thẩm mỹ đã tìm cách thu hút khách hàng bằng các quảng cáo hấp dẫn, sử dụng tên gọi “công nghệ mới” với các gói khuyến mãi, ưu đãi. Để rồi, nhiều người phải “tiền mất tật mang” khi chấp nhận đánh cược sức khỏe của mình vào tay những bác sĩ dỏm.
Mỗi ngày, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh tiếp nhận từ 3-5 trường hợp biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ. TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú, Trưởng Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi nhớ có một ca bị mù mắt rất đau lòng vì còn quá trẻ. Đánh đổi một con mắt để làm đẹp thì không nên. Phải nắm vững được cấu trúc mạch máu vùng mặt. Đây là một vấn đề rất quan trọng trong việc chúng ta tiêm chất làm đầy”.
Một kỹ thuật khó và đã gây ra nhiều biến chứng, thế nhưng nhu cầu làm đẹp của nhiều người chính là mảnh đất màu mỡ để các cơ sở thẩm mỹ trái phép ra sức tận thu. Có nơi còn quảng cáo với cái tên mĩ miều khác là “tái sinh đa tầng” để tạo cảm giác an tâm cho khách hàng. Những quảng cáo sai sự thật của cơ sở thẩm mỹ này đã và đang là một chiếc bẫy.
Vô số những mất mát đã đến với những nạn nhân, họ đã mất mát tiền của, sức khỏe và cả sự tự tin khi trót tin vào những lời mời làm đẹp. Những hồi chuông cảnh báo đã được gióng lên, thế nhưng vẫn còn nhiều người tự biến mình trở thành mồi ngon của những cơ sở “bác sĩ dỏm, thẩm mỹ chui” bởi sự nhẹ dạ, cả tin. Còn kinh doanh làm đẹp trá hình đang thật sự là một món hời.
Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thường xuyên kiểm tra, giám sát để xử phạt các hoạt động thẩm mỹ sai phạm. Thế nhưng, các cơ sở thẩm mỹ chui vẫn đang mọc lên như nấm sau mưa. Nhiều nơi, sau khi bị buộc ngừng hoạt động thì ngay lập tức đổi tên và tiếp tục nhộn nhịp.
Chỉ cần có vài chục triệu và một mặt bằng là có thể được cấp phép kinh doanh spa, thẩm mỹ với các dịch vụ chăm sóc da, làm móng, cắt tóc. Nhưng trên thực tế đã có rất nhiều cơ sở không chỉ chăm sóc da hay làm móng mà còn thực hiện các dịch vụ xâm lấn như hút mỡ bụng, tiêm filler. Việc quản lý các cơ sở này vô cùng khó khăn và số tiền xử phạt thấp nên họ sẵn sàng nộp phạt để rồi quay lại hoạt động với cái tên khác.
Theo quy định hiện hành, mỗi bác sĩ chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề cho một chuyên ngành. Đặc biệt, phẫu thuật thẩm mỹ rất chuyên sâu, mang tính đặc thù và phải đào tạo trung bình từ 11 đến 15 năm, đồng thời bắt buộc hàng năm phải tham dự giờ giảng để cập nhật kiến thức mới. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý chuyên môn những cơ sở hành nghề này lại đang bị buông lỏng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!