Ai cũng muốn bản thân mình giữ được vẻ trẻ trung, khỏe đẹp lâu dài, đặc biệt là chị em phụ nữ. Việc bổ sung dinh dưỡng và chất chống oxy hóa vào chế độ ăn uống hàng ngày là biện pháp nhanh chóng nhất. Có rất nhiều thực phẩm chứa chất chống oxy hóa, không chỉ giúp da dẻ khỏe mạnh mà còn ngăn ngừa ung thư hiệu quả. Chẳng hạn như khoai tây.
Ăn khoai tây có những lợi ích đáng kinh ngạc nào?
Giảm cân
Hàm lượng calo của khoai tây thấp hơn các loại ngũ cốc, được nhiều người chọn làm thực phẩm giảm cân. Chúng cũng chứa lượng chất béo thấp, ăn khoai tây không chỉ giúp no bụng lâu mà còn giảm được lượng chất béo nhất định. Bởi hàm lượng nước của nó cao tới 76% nhưng hàm lượng tinh bột lại thấp hơn 20%, đồng thời chứa “chất xơ ăn kiêng” có thể tạo ra “cảm giác no”, nên dùng nó thay thế lương thực chính sẽ có hiệu quả giảm cân.
Theo Sohu, khoai tây có nhiều tinh bột nên chúng có lượng calo cao nhất trong các loại rau. Tuy nhiên, chúng lại có lượng calo thấp nhất trong các loại thực phẩm thiết yếu.
Chống lão hóa
Khoai tây giàu vitamin, chẳng hạn vitamin C, vitamin B1, vitamin B2, vitamin E. Đồng thời, chúng cũng dồi dào các nguyên tố vi lượng và cellulose chất lượng cao. Nhờ đó, ăn khoai tây có thể chống lão hóa.
Hỗ trợ tiêu hóa
Cellulose chất lượng cao trong khoai tây có thể làm giảm tiết dịch axit. Bởi vậy, ăn khoai tây có thể thúc đẩy chức năng tiêu hóa của lá lách và dạ dày. Với hàm lượng chất xơ cao như vậy, bổ sung khoai tây vào chế độ ăn cũng giúp ngăn ngừa táo bón.
Chăm sóc làn da
Khoai tây không chỉ chế biến được nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng mà chúng còn được sử dụng bên ngoài da để chăm sóc sắc đẹp. Khi muốn đôi mắt sưng húp hoặc thâm quầng của mình giảm bớt, bạn có thể cắt lát khoai tây đắp lên. Chúng không chỉ có tác dụng làm mờ thâm mà còn có thể giảm nếp nhăn.
Nước ép khoai tây dùng đắp mặt còn giúp trắng da. Vào mùa hè, bạn có thể dùng nước ép khoai tây để trị sạm da hoặc cháy nắng.
Ngăn ngừa ung thư ruột kết và ổn định huyết áp
Hàm lượng lớn chất xơ trong khoai tây không chỉ giúp ổn định lượng đường trong máu mà còn giúp hạ thấp mức cholesterol, kịp thời loại bỏ độc tố trong quá trình trao đổi chất. Thường xuyên ăn khoai tây có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư ruột kết một cách hiệu quả.
Những người có lượng đường trong máu cao có thể thay thế một phần lương thực chính bằng khoai tây. Hàm lượng carbohydrate trong khoai tây là khoảng 17%, thấp hơn so với gạo (26%) hoặc bánh mì hấp (50%).
Khoai tây chứa nhiều khoáng chất, vitamin B và kali rất tốt cho việc kiểm soát và hạ huyết áp, duy trì tính đàn hồi của mạch máu, ngăn ngừa sự xuất hiện của xơ vữa động mạch. Đây là những đảm bảo đáng tin cậy cho việc kiểm soát huyết áp.
Vỏ khoai tây có ăn được không?
Theo Webmd, muốn tận dụng tối đa khoai tây, hãy để nguyên vỏ và chọn những loại có màu sắc sặc sỡ như khoai tây tím. Khoai tây càng có nhiều màu sắc thì càng chứa nhiều chất chống oxy hóa. Ngoài ra, lớp vỏ của khoai tây có thể chứa lượng chất chống oxy hóa cao gấp 12 lần so với phần thịt. Vì vậy, đừng ngại ăn vỏ khoai tây.
Khoai tây có vỏ xanh hoặc mọc mầm có ăn được không?
Theo Song Xin, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Triều Dương, Bắc Kinh (Trung Quốc), cố gắng không nên ăn nhiều khoai tây rán, khoai tây có vỏ xanh hoặc mọc mầm để đề phòng ngộ độc solanine.
Sau khi khoai tây được đun nóng ở nhiệt độ cao sẽ dễ hình thành chất độc hại “acrylamide”, vì vậy khoai tây chiên là thực phẩm có hàm lượng chất độc này cao nhất. Cho nên, cần hạn chế ăn khoai tây chiên ở nhiệt độ cao, không quá 25g mỗi ngày. Nhưng nhiệt độ nấu tại nhà sẽ không quá 120 độ nên sẽ không sinh ra chất độc hại.
Hàm lượng solanine trong vỏ của khoai tây xanh vượt quá quy định cho phép. Kể cả phần củ vỏ xanh đó sau khi gọt đi vẫn có hàm lượng solanine cao hơn giới hạn ăn được. Điều này cho thấy chỉ có thể ăn được một phần khoai tây nếu tất cả các phần xanh đã được cắt bỏ, nhưng nếu khoai chuyển sang màu xanh nghiêm trọng và đã ăn sâu vào bên trong thì không thể ăn được nữa.
Trong trường hợp bình thường, độc tố solanine cực kỳ thấp và sẽ không gây hại cho cơ thể con người. Tuy nhiên, hàm lượng solanine trong khoai tây nảy mầm sẽ tăng lên rất nhiều, nếu ăn quá 300mg (khoảng 60g khoai tây nảy mầm) sẽ xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như tiêu chảy, buồn nôn, ngứa miệng.
Nếu khoai tây để quá lâu, một số hoặc tất cả chúng sẽ chuyển sang màu xanh, điều này là do khoai tây bị ảnh hưởng bởi ánh sáng trong quá trình bảo quản. Điều này cũng sẽ làm tăng hàm lượng solanine trong khoai tây lên rất nhiều.
Nói chung, đối với khoai tây ít nảy mầm (tức là mới mọc mầm nhỏ) thì vẫn có thể ăn được khi gọt vỏ, loại bỏ mầm đồng thời bỏ phần xung quanh mầm, đồng thời cắt bỏ phần xanh của củ. Ngâm trong nước lạnh một lúc trước khi nấu, thêm một lượng giấm thích hợp để phân hủy các chất độc trong nấu ăn. Tuy nhiên, nếu khoai tây mọc mầm trên diện rộng hoặc phần lớn chuyển sang màu xanh, tốt nhất bạn nên vứt chúng đi và không ăn lại.
Ăn khoai tây chiên nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe, bởi vậy, bạn có thể chọn cách chế biến khác vừa ngon lại an toàn cho cơ thể. Chẳng hạn như món khoai tây thịt bằm tạo hình “núi lửa”.
Hướng dẫn cách thực hiện món khoai tây thịt bằm núi lửa
Nguyên liệu cần thiết
Khoai tây – 500g, rượu nấu ăn, tinh bột bắp, thịt lợn bằm – 200g, hạt tiêu, dầu hào, hành lá cắt nhỏ, nước tương, tỏi bằm, cà chua – 2 quả.
Cách thực hiện
Dùng dụng cụ nạo gọt vỏ khoai tây, rửa sạch và cắt thành từng miếng nhỏ. Cho vào nồi hấp chín. Sau khi khoai tây chín, lấy ra, cho vào bát dầm nhuyễn. Thêm 1/3 thìa muối, 1/3 thìa tiêu và trộn đều. Cà chua bỏ vỏ, thái hạt lựu.
Cho 1/3 thìa tỏi bằm vào phi thơm. Cho cà chua vào xào nhuyễn. Cho tiếp thịt lợn bằm vào xào đến khi chuyển màu trắng.
Cho 1/2 thìa đường, 1 thìa dầu hào, 1/3 thìa nước tương và 1 thìa tinh bột bắp vào. Có thể cho thêm chút nước để phần thịt không bị đặc quá. Đun sôi cho chín, phần hỗn hợp này sánh lại là được.
Phần khoai tây nghiền bày ra đĩa sâu lòng thành hình núi lửa. Rưới phần sốt thịt bằm lên khoai tây nghiền, rắc lên trên cùng chút hành lá thái nhỏ.
Chúc bạn thực hiện món khoai tây thịt bằm núi lửa thành công!