Người ta thường nói người hiểu mình thì mình không cần giải thích, người không hiểu mình thì giải thích cũng vô dụng. Nhưng lại có người nói: Không giải thích mới là điều làm người khác tổn thương nhất.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể gặp đủ loại vấn đề, một số quyết định và một số ý tưởng chúng ta đưa ra có thể bị người khác phản đối nghi ngờ.
Suy cho cùng, mỗi người đều có chính kiến và giá trị quan riêng của bản thân, họ suy nghĩ về cùng một sự việc từ những góc độ khác nhau và đưa ra những quyết định khác nhau. Vì vậy, chúng ta cần giải thích quan điểm và ý tưởng của mình cho người khác trong quá trình làm việc nhóm.
Giữa người với người không có ai đúng ai sai, chỉ khác nhau là bởi quan điểm bất đồng mà thôi.
Không giải thích là khởi đầu của sự ngăn cách
Trong cuộc sống, bạn sẽ gặp đủ loại người, mỗi người đều có những suy nghĩ và hoàn cảnh sống riêng.
Giả sử bạn nảy ra một ý tưởng mới trong khi làm việc nhóm, thì có người ủng hộ, có người phản đối và muốn bạn giải thích về ý tưởng.
Lúc này, nếu bạn kiên nhẫn giải thích ý kiến, quan điểm của mình cho họ hiểu thì sau một thời gian, những người ban đầu phản đối bạn có thể sẽ ủng hộ quan điểm của bạn, bởi vì họ đã hiểu sâu rõ hơn về ý tưởng mà bạn có.
Vậy điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp bạn cứ im lặng, không giải thích cũng như không thay đổi quyết định?
Nếu bạn không giải thích, người khác sẽ không biết ý định thực sự của bạn là gì, và họ sẽ không thể hiểu những gì bạn muốn bày tỏ, vì vậy họ cũng sẽ tự nhiên không thay đổi quan điểm của mình.
Đối với bản thân bạn, nếu những đề xuất và ý tưởng bạn đưa ra không được mọi người chấp nhận, điều đó đồng nghĩa với việc ý tưởng này có thể sẽ không được thực hiện và thậm chí là nó sẽ mang lại những rắc rối cho cuộc sống của bạn.
Không giải thích, không nêu rõ, không phản ứng gì cả, cũng khiến người khác nghĩ rằng bạn đang khá tự hào và đắc ý khi phớt lờ ý kiến phản đối của họ.
Nó thậm chí có thể khiến một vấn đề nhỏ trong công việc trở thành một vấn đề lớn xung đột giữa mọi người. Đó là vì ban đầu bạn đã không giải thích nó, và nó sẽ phát triển từ một bất đồng nhỏ thành những vấn đề lớn đến mức không thể gỡ gạc.
Vì vậy, trong khi làm việc nhóm hay bất kể trong môi trường làm việc nào, việc từ chối giải thích không những không có lợi trong giải quyết mâu thuẫn mà sẽ khiến tình cảm đôi bên ngày càng gay gắt, xung đột và thậm chí có thể xảy ra xô xát, gây khó chịu cho cả hai bên.
Không giải thích là giọt nước tràn ly cuối cùng khiến mối quan hệ tan vỡ
Sau 5 năm hẹn hò và đã trải qua bao gập ghềnh sóng gió, đôi bạn trẻ đều mong muốn tình cảm thăng hoa lên một nâng thang mới và hân hoan chuẩn bị cho đám cưới.
Thế nhưng sau đó vì lý do công việc, cặp đôi chuyển đến hai nơi khác nhau, khoảng cách tình cảm giữa hai người cũng ngày càng xa. Khi công việc bận rộn và ít liên lạc hơn, cả hai bắt đầu có cảm giác không an toàn.
Một ngày nọ, khi gọi video cho bạn trai, đột nhiên cô gái nhìn thấy chiếc khăn lụa của ai đó để trên ghế trong phòng trọ của anh, sự nhạy cảm khiến cô lập tức lo lắng và bắt đầu cuộc chất vấn. Điều này đã khiến cô trằn trọc suy nghĩ trong nhiều ngày.
Tuy nhiên, vì bận rộn công việc, bạn trai của cô cũng không giải thích nhiều. Anh không ngờ vì điều này mà bạn gái bị trầm cảm trong một thời gian dài. Cuối cùng, khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, sau một lần cãi vã, họ đã chia tay.
Vốn dĩ chỉ là một hiểu lầm đơn giản, nếu giải thích rõ hơn thì đã không đến nỗi dẫn đến kết cục đáng tiếc như vậy.
Trong một mối quan hệ, mỗi người đều cần cảm giác an toàn từ đối phương. Có thể một điều sơ ý nhỏ sẽ gây nên tổn thương. Những nghi ngờ không được giải thích sẽ tích tụ lại và bùng phát, gây ra những hậu quả khôn lường.
Trên đời này, ít người có thể thực sự hiểu bạn ngoại trừ chính bạn. Mỗi khi gặp sự việc đều không giải thích, dần dần sẽ như xây thêm một viên gạch cho bức tường xa cách. Không nói gì, vì nghĩ rằng người kia sẽ hiểu, đến cuối cùng mối quan hệ dần tan vỡ.
Giải thích là một thái độ trưởng thành đối với cuộc sống.
Nếu bạn giải thích, thì ít nhất người kia sẽ hiểu rằng bạn vẫn còn quan tâm, bạn vẫn sẵn sàng dành thời gian và sức lực chỉ vì mong họ có thể hiểu. Nói sâu xa hơn là sẽ để lại trong lòng đối phương cảm giác rằng bạn đang nỗ lực vì mối quan hệ này.
Còn khi bạn ngừng giải thích, người kia có thể sẽ nghĩ rằng bạn không còn muốn quan tâm nữa. Có thể chỉ là bạn đang mệt mỏi và không muốn giải thích vào lúc này. Nhưng nếu người ấy phải chờ đợi quá lâu thì họ sẽ buồn biết bao.
Ngay cả cha mẹ sinh ra bạn, luôn bên bạn từ khi bạn là một đứa trẻ cho đến khi bạn đã trưởng thành, họ cũng không hẳn là có thể hiểu bạn, trong cuộc sống cũng sẽ có lúc hiểu lầm bạn. Do đó làm sao bạn có thể mong đợi những người khác hoàn toàn hiểu được mình?
Chỉ bằng cách giải thích và nói chuyện, ý tưởng của bạn mới có thể được người khác hiểu, mới có cơ hội để người khác chấp nhận quan điểm của bạn, đồng thời có được nhiều sự hợp tác hơn.
Giải thích không chỉ là phương tiện hữu hiệu để giao tiếp với nhau khi có xung đột, hiểu lầm mà còn là khi chúng ta có ý kiến, quan điểm khác nhau.
Tuy nhiên, nếu bạn là người đang mong chờ một lời giải thích, thì hãy nhớ rằng không giải thích không phải là một loại lạnh nhạt hay xa cách. Ngược lại, nếu bạn không muốn giải thích, cũng đừng dùng câu “người hiểu tôi, thì tôi không cần giải thích, người không hiểu tôi thì có giải thích cũng vô dụng” như một cái cớ. Cuộc sống sẽ tốt hơn rất nhiều khi bạn luôn sẵn lòng giải thích cho người khác.