Đại gia liên tục hứa
Một tin không mấy vui với những cổ đông của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà – Sudico (SJS), khiến họ lại phải thêm một lần đợi chờ.
Trong thông báo công bố mới đây, Sudico cho biết sẽ lùi thời gian thanh toán cổ tức bằng tiền các năm 2016 – 2017 từ 30/6/2023 sang 31/12/2024 với lý do chưa thu xếp được nguồn tiền. Trong trường hợp thu xếp được nguồn vốn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty sẽ thực hiện thanh toán cổ tức cho cổ đông sớm hơn.
Lần thay đổi gần nhất, Sudico thông báo thay đổi thời gian chi trả cổ tức năm 2016 từ 30/12/2022 sang 30/6/2023. Thời gian thanh toán cổ tức năm 2017 từ 30/12/2022 sang 30/6/2023.
Nếu tính cả lần thay đổi này, tổng cộng Sudico đã thay đổi thời gian trả cổ tức năm 2016 lần thứ 9 và cổ tức năm 2017 lần thứ 5.
Một số cổ đông chua chát nói rằng, mua cổ phiếu để chờ tới đời con đi nhận cổ tức.
Sudico là một trong những đại gia lớn trên thị trường bất động sản với dự án Nam An Khánh. Điều đáng nói là dù nợ cổ tức nhưng doanh nghiệp vẫn luôn báo lãi. Từ năm 2014 trở lại đây, Sudico luôn duy trì mức lợi nhuận sau thuế trên 100 tỷ đồng/năm, trong đó năm 2016 và 2017 lần lượt báo lãi 228 tỷ và 179 tỷ đồng.
Năm 2022, tổng doanh thu công ty mẹ đạt 511 tỷ đồng, tăng trưởng 39% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 172 tỷ đồng, tăng trưởng 237% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế của toàn tổ hợp đạt 176 tỷ đồng.
Năm nay, Sudico vẫn tự tin trình kế hoạch mục tiêu năm 2023 tăng trưởng 10 – 15% so với kế hoạch đề ra trong năm 2022. Tổng doanh thu hợp nhất 1.145 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 10%.
Cũng liên tiếp thất hứa không kém Sudico là CTCP Sông Đà 4 (SD4). Doanh nghiệp này mới có thông báo hoãn thời gian chi trả cổ tức bằng tiền năm 2016 đến ngày 28/6/2024. Theo kế hoạch lần đầu, công ty sẽ chi trả vào ngày 26/2/2018 với tỷ lệ 15%.
Ngày 28/6/2022, Sông Đà 4 thông báo lùi lịch trả cổ tức 2016 sang ngày 30/6/2023. Theo Sông Đà 4, do công tác thu hồi công nợ từ các chủ đầu tư chưa đạt kết quả nên chưa thể cân đối được tài chính. Với thông báo này, SD4 đã có 12 lần gia hạn trả cổ tức năm 2016 chỉ trong 5 năm trở lại đây.
SD4 cho biết, doanh nghiệp này đang nỗ lực làm việc với các chủ đầu tư nhằm thu hồi công nợ tồn đọng nhưng kết quả đạt được còn thấp. Do đó, kiểm toán tiếp tục nêu ý kiến ngoại trừ trong báo cáo tài chính được lập vào ngày 31/12/2022 với khoản công nợ này.
Theo đó, khoản công nợ phải thu gấp 2,5 lần công nợ phải trả khách hàng và đã quá thời hạn thanh toán với số tiền hơn 168 tỷ đồng (dự phòng trích lập gần 4 tỷ đồng). Hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu của công ty thấp, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 thua lỗ. Công tác thu hồi công nợ từ các chủ đầu tư chưa đạt kết quả.
Cuối tháng 12/2022, CTCP Lilama 45.4 (L44) cũng đưa ra thông báo thay đổi ngày trả cổ tức lần thứ 8 cho đợt thanh toán cổ tức năm 2012, 2013 bằng tiền, thời gian được dời từ ngày 30/12/2022 sang 29/12/2023.
Chờ đến bao giờ?
Tới thời hạn trả cổ tức như đã hứa có bị thay đổi lần nữa hay không, vẫn chưa có gì chắc chắn. Kịch bản hứa rồi thất hứa được lặp đi lặp lại khiến cổ đông chẳng còn niềm tin vào doanh nghiệp bất động sản này.
Nhiều nhà đầu tư và cổ đông lớn đã phải nói lời chia tay. Tại Sudico, CTCP SAM Holdings vừa bán ra toàn bộ 377.600 cổ phiếu SJS để giảm sở hữu từ 0,33% về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 12/6.
Trước đó, CTCP Chứng khoán Quốc Gia, tổ chức liên quan của ông Bùi Quang Bách, thành viên HĐQT tại Sudico vừa bán ra 1,6 triệu cổ phiếu trong tổng đăng ký 2,113 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 1,84% về còn 0,44% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 24/4 đến ngày 19/5.
Hồi cuối tháng 4/2022, CTCP Thương mại Dịch vụ Đầu tư An Phát (Đầu tư An Phát) đã trúng đấu giá mua toàn bộ 41,7 triệu cổ phiếu SJS từ Tổng Công ty Sông Đà (SJG). An Phát đã phải trả mức giá 102.000 đồng/cp, tương ứng số tiền bỏ ra là 4.258 tỷ đồng. Như vậy, An Phát tạm lỗ 58%, tương ứng gần 2.500 tỷ đồng.
Trên thị trường, nhà đầu tư không mấy mặn mà. Lượng giao dịch cổ phiếu SJC ở mức thấp, chỉ hơn 31.000 đơn vị mỗi phiên. Chốt phiên 29/6, SJS có giá 41.900 đồng/cp.
Cần chế tài cụ thể, đủ mạnh
Trao đổi với báo VietNamNet, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty luật Thiên Thanh cho hay, theo quy định tại Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Hội đồng quản trị lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức.
Theo ông Truyền, đối với doanh nghiệp chậm chi trả cổ tức quá thời gian quy định, chế tài cho việc này chưa có quy định cụ thể, bởi đây là việc nội bộ của mỗi doanh nghiệp, pháp luật không can thiệp quá sâu.
Tuy nhiên, ông Truyền kiến nghị, cần phải thêm chế tài để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông mà cụ thể ở đây là những cổ đông nhỏ, bởi vì trên thực tế có nhiều doanh nghiệp 4-5 năm trời không trả cổ tức cho cổ đông.
Trong đó, thiết lập một mức phạt tài chính đủ lớn để đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ chịu hậu quả nếu không thực hiện cam kết trả cổ tức. Mức phạt có thể được tính dựa trên tỷ lệ hoặc số tiền cổ tức cam kết và nó phải đủ cứng rắn để gây áp lực đối với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, áp dụng chế tài bằng hình thức cấm kinh doanh và cấm tham gia thị trường đối với doanh nghiệp không trả cổ tức theo cam kết. Điều này có thể gây áp lực mạnh đối với doanh nghiệp và tạo ra hậu quả nghiêm trọng nếu họ không thực hiện đúng theo cam kết của mình.
Về phía cổ đông, ông Truyền cho rằng, nếu doanh nghiệp không trả cổ tức theo cam kết, cổ đông có quyền yêu cầu bồi thường hoặc khôi phục quyền lợi của mình thông qua quá trình kiện tụng.
Điều này có thể tạo ra một thông điệp cho các doanh nghiệp khác về tầm quan trọng của việc tuân thủ cam kết nếu không sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Ông Truyền cho hay, nhà đầu tư cần lưu ý rằng, trong quá trình kiện tụng có thể tốn thời gian và tiền bạc, do đó cổ đông cần phải xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định khởi kiện.
Theo Ngọc Cương (VietNamNet)