Làm phim cổ trang Việt Nam: Khó hay không?

Thanh Hằng: Khán giả sẽ thích thú với ‘Quỳnh hoa nhất dạ’!
Hòa Hiệp: Sẽ có nhiều mới lạ với phim cổ trang ‘Duyên tiên tiền định’
Phim cổ trang Hàn đối mặt với nhiều thách thức: Xuyên tạc lịch sử, lạm dụng động vật…

Rồi cũng phải làm?

Dạo gần đây, khi thể loại phim hài, tình cảm không còn chiếm được quá nhiều tình cảm của khán giả Việt, thì các nhà làm phim cũng phải nghĩ tới dư vị mới cho người xem và đào sâu ở những thể loại khác, trong đó có phim cổ trang. Màu sắc về văn hóa lịch sử Việt Nam đúng là một kho tàng vô cùng rộng lớn nhưng dĩ nhiên, để thể hiện những nét đẹp đó trên màn ảnh, quả thực là một điều không dễ.

Làm phim cổ trang Việt Nam: Khó hay không?
Khán giả dần chán phim hài?

Nhưng suy cho cùng, đây được coi là thời điểm khá thích hợp để các nhà làm phim bắt đầu nghĩ tới nhiều hơn về phim cổ trang, nhất là khi quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới là một nhiệm vụ lâu dài, được Đảng và nhà nước ta rất quan tâm. Tại các Liên hoan phim trong nước, nhiều quan điểm được đưa ra ở các hội thảo, khuyến khích các nhà làm phim trong nước phát huy và tìm tòi bản sắc dân tộc trong tác phẩm của mình. Các địa phương có bề dày văn hóa lịch sử lâu đời, cũng đang dần cởi mở hơn và hoan nghênh các đoàn làm phim tới khảo sát bối cảnh.

Theo ý kiến của nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, chị cho rằng: “Thị trường phim cũng khác rồi, số lượng rạp tăng lên nhiều so với 10 năm trước đây, quy mô thị trường lớn lên thì nhà sản xuất có niềm tin hơn. Khó khăn nhất với dòng phim lịch sử, cổ trang là chúng ta chưa có trường quay chuyên nghiệp, đội ngũ chuyên gia nhân sự có tay nghề cao còn ít, chưa có nhiều sự lựa chọn. Tôi quan sát thấy là dòng phim lịch sử, cổ trang tốn kém đầu tư nên cần thị trường đủ lớn, tạo an toàn cho nhà sản xuất thì nhà sản xuất mới dám mạo hiểm. Thực tế, thị trường hiện nay cũng đạt đến ngưỡng cho phép các nhà sản xuất dám thử sức ở những thể loại tốn kém đầu tư hơn trước kia”.

Nếu cứ nhìn vào thực tế, có thể thấy phim hài, tình cảm hầu như thực sự không mang lại lợi nhuận quá cao như ngày trước. Nếu có kịch bản hay thì dù ở thể loại khác, nhà sản xuất sẵn sàng chi ra số tiền lớn để đầu tư.

Cuộc chơi không hề dễ

Giới hạn cho biên độ sáng tạo nghệ thuật trong phim lịch sử hay phim cổ trang đúng là nỗi trăn trở khá lớn cho người làm nghệ thuật, bởi không khác bước lên đoạn đầu đài, làm xong thì chuẩn bị hứng “hàng nghìn mũi tên” bắn vào mình.

Đạo điễn Victor Vũ khi làm phim Người vợ cuối cùng, cũng đã nghiên cứu rất kỹ về phần trang phục. Ghia Ci Fam – giám đốc mỹ thuật của phim rất chỉn chu và cầu toàn trong từng chi tiết. Một bộ trang phục thời xưa thường có từ 3 đến 4 lớp và dù cho những lớp bên trong không được nhìn thấy đi chăng nữa thì Ghia Ci Fam vẫn yêu cầu diễn viên mặc đầy đủ để cảm nhận được hết giá trị mà bộ quần áo này mang đến.

Người vợ cuối cùng với bối cảnh cổ trang khá đầu tư

Bên cạnh đó, tạo hình phụ nữ xưa trong phim luôn có tóc búi bánh lái hoặc tóc vắn, áo ngũ thân tay chẽn hoặc tay thụng, chuỗi hạt đeo cổ, kiềng cổ… Ấy thế mà Người vợ cuối cùng vẫn gặp khá nhiều tranh cãi về chuyện trang phục. Nhưng dù có đưa ý kiến ra sao, cũng thật khó để phủ nhận công sức của vị đạo diễn Việt kiều và chính vì sự đầu tư nghiêm chỉnh cho bối cảnh cổ trang, điểm trừ về nội dung của Người vợ cuối cũng bị át đi phần nào, nhận về sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả và thu về nguồn lợi lớn.

Phần trang phục cũng là một điểm cộng của phim

Cũng trong bộ phim này, Đức Nguyên, sản xuất sáng tạo của Người vợ cuối cùng cho rằng, làm phim cổ trang phải cố gắng đến tận cùng, không thể bày ra những đại cảnh chỉ để thể hiện sự hoành tráng, mà còn phải liên quan tới câu chuyện. Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ đã phải thuê tới 200 diễn viên quần chúng trong cảnh nhân vật Linh đi chợ huyện và mỗi người đều được chuẩn bị trang phục và tạo hình của mình.

Thêm một thành công nữa của phim cổ trang Việt, đó là series Tết ở làng Địa Ngục của đạo diễn Trần Hữu Tấn. Với phần phục phục trang trong bộ phim kinh dị này, đạo diễn yêu cầu phải thuần Việt về kiểu dáng, chất liệu những hoa văn thêu thùa phải mang ý đồ khắc họa rõ chân dung từng nhân vật. Khi lên concept trang phục, ê-kíp sử dụng các thiết kế cơ bản như áo tứ thân, giao lĩnh để mô tả đúng đặc trưng nhân vật, đồng thời biến tấu, đảm bảo cân đối yếu tố truyền thống và xu hướng đương đại.

Người trên núi và đồng bằng có sự khác biệt về chất liệu, như ông Thập trưởng làng có chiếc nón bọc vải, khác với thông thường, phù hợp hành trình phiêu bạt thường ngày. Thập Nương là nhân vật hư cấu, không rõ dân tộc hay vùng miền, nên đội thiết kế mặc sức sáng tạo, kết hợp nhiều phong cách lên đồ, họa mặt của phụ nữ miền Bắc các thời kỳ.

Cảnh trong phim Tết ở làng Địa Ngục

Nhưng thêm một vấn đề nữa cũng cần phải lưu ý, đó là không phải bộ phim nào cũng dễ dàng tìm được bối cảnh để quay cổ trang. Hiểu được điều này, nhà sản xuất phim Lê Thị Kiều Nhi và đạo diễn Văn Công Viễn đã xây dựng phim trường CineV Studio, rộng khoảng 6 hecta để khai thác tối đa ngoại cảnh. CineV Studio từng dựng thành công bối cảnh xưa các phim Em và Trịnh, Chị chị em em 2 hay Đất rừng phương Nam.

Chỉ có điều do chưa có có nhiều sự hỗ trợ từ nhà nước, nên giá thuê vẫn bắt buộc phải tăng cao, ảnh hưởng tới ngân sách của các dự án phim. Tuy nhiên trong Luật điện ảnh, Điều 5 có ghi: nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật. Thế nên các nhà làm phim có quyền hi vọng về một phim trường quay được mọi bối cảnh, kể cả cổ trang có giá vừa phải.

Đừng để có những “thảm họa” phim cổ trang

Đã làm phim cổ trang thì nên có sự đào sâu tới tận cùng, đừng để làm nửa vời để rồi tạo ra những “thảm họa”. Nói đến đây, chắc chắn chúng ta đều nghĩ ngay tới bộ phim Huyền sử vua Đinh ra rạp cách đây không lâu, thu về 45 triệu đồng.

Bộ phim này nhận về nhiều lời trách móc thiếu chuyên nghiệp trong việc xây dựng hình ảnh, kỹ thuật, diễn xuất và bối cảnh. Người xem không khó để bắt gặp các đồ vật thuộc về thời hiện đại như trụ điện, bóng đèn, ngôi nhà cấp 4…, ngay cả hình ảnh thích khách với mái tóc ngắn nhuộm vàng, nâu đỏ cũng được phơi bày trước ống kính.

“Thảm họa” Huyền sử vua Đinh

Ngoài ra chình vì chỉ bám víu cột mốc lịch sử mà không tạo dựng số phận con người, sự mâu thuẫn và mối liên hệ giữa các nhân vật nên câu chuyện nhanh chóng trở nên nhàm chán, có phần giống với bộ phim tài liệu minh họa lịch sử, thay vì một tác phẩm điện ảnh có tính nghệ thuật. Điểm trừ cộng duy nhất của phim, chỉ là mạnh dạn theo đuổi đề tài lịch sử, còn mọi thứ khác đều gần như “xúc phạm” đồng tiền mà khán giả bỏ ra mua vé.

Làm phim cổ trang, hay đâu đó là phim có bối cảnh lịch sử ở Việt Nam giờ là dễ hay khó? Câu hỏi không dễ trả lời, nhưng có lẽ dễ hoặc khó hay không là do tham vọng và tầm nhìn của người đạo diễn, nhà sản xuất. Một sản phẩm hay phải đòi hỏi sự tỉ mỉ lẫn chỉn chu, còn nếu làm dễ dãi, qua loa thì e rằng, chỉ có những thảm họa như Huyền sử vua Đinh ra đời mà thôi!
Exit mobile version