Đến dự có ông Phan Nguyễn Như Khuê – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM, ông Dương Anh Đức – Phó chủ tịch UBND TP. HCM, ông Nguyễn Trường Lưu – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP. HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM cùng đại diện các đồng chí lãnh đạo các ban ngành liên quan và đông đảo anh em nghệ sĩ, giới truyền thông…
Có thể nói phim ngắn là mảnh đất màu mỡ để các bạn trẻ thỏa sức sáng tạo, thỏa mãn những ý tưởng thể nghiệm thú vị nhất. Hiện ở một số giải Cánh diều thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam gần đây có thể thấy sự đa dạng, phá cách trong thể hiện các phim ngắn ngày càng nhiều hơn.
Bà Dương Cẩm Thúy – Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM |
Bà Dương Cẩm Thúy – Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM cho biết: “LHP ngắn TP. HCM lần thứ I năm 2023 đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà làm phim và công chúng yêu điện ảnh. 96 tác phẩm phim được gửi về dự thi, trong đó có 60 phim truyện, 23 phim tài liệu và 13 phim hoạt hình. Hội đồng Nghệ thuật đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, công tâm trong việc chọn ra các tác phẩm để trao giải. Các tác giả có phim dự LHP gửi áp phích, poster giới thiệu phim để triển lãm tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật của TP.HCM, đồng thời vận động nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các hoạt động nhằm tạo thêm sự phong phú, đồng hành với LHP”.
Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP. HCM |
Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP. HCM nhấn mạnh: “Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường lớn về lĩnh vực sản xuất và phát hành phim của cả nước, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh với lực lượng làm phim hùng hậu đa dạng về thể loại. LHP ngắn lần thứ nhất nhằm tìm kiếm, phát hiện tài năng điện ảnh, bổ sung lực lượng làm phim trong tương lai. UBND Thành phố vừa ban hành đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP. HCM đến năm 2030, trong đó xác định ngành công nghiệp điện ảnh là ngành trọng tâm. LHP ngắn được xem là bước cơ bản nền tảng cùng LHP quốc tế TP. HCM lần đầu tiên sẽ được tổ chức vào năm 2024 và đăng cai tổ chức LHP Việt Nam lần thứ 24 năm 2025 đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là những hoạt động liên tiếp mang tính tổng thể nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Thành phố. LHP ngắn lần thứ nhất năm 2023 được định hướng là một sự kiện điện ảnh chuyên nghiệp tổ chức thường kỳ 2 năm 1 lần, hoạt động ý nghĩa này cố gắng hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu LHP ngắn TP. HCM trong thời gian tới”.
PGS.TS Trần Luân Kim |
PGS.TS Trần Luân Kim – Trưởng ban sơ khảo cho biết: “Chủ trương của UBND TP. HCM về LHP ngắn lần thứ nhất năm 2023 có ý nghĩa đem lại lợi ích rất thiết thực và kịp thời. Trước mắt là tạo sân chơi bình đẳng, rộng rãi cho các bạn trẻ chuyên nghiệp, không chuyên, các bạn làm phim độc lập thực hiện những ý đồ của mình. Đây cũng là môi trường đào tạo cho điện ảnh tương lai của nước nhà”.
Đạo diễn Xuân Phượng |
Đạo diễn Xuân Phượng – nghệ sĩ đại biểu cao tuổi nhất tại buổi lễ xúc động chia sẻ hai câu chuyện làm phim thời chiến tranh đã xảy ra hơn nửa thế kỷ. “Đó là bộ phim tài liệu Lũy thép Vĩnh Linh do NSND – đạo diễn Nguyễn Ngọc Quỳnh và quay phim Ma Cường (Hãng phim Tài liệu – Khoa học Trung ương) thực hiện. Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, mảnh đất Vĩnh Linh khi đó được coi là vị trí tiền tiêu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của miền Nam. Đế quốc Mỹ đã sử dụng đủ loại vũ khí hiện đại hòng hủy diệt Vĩnh Linh nhưng quân dân Vĩnh Linh đã xây dựng địa đạo, tổ chức cuộc chiến đấu lâu dài. Địch càng đánh phá điên cuồng bao nhiêu, người dân Vĩnh Linh càng kiên cường, anh dũng bấy nhiêu. Vĩnh Linh đã trở thành lũy thép – mảnh đất anh hùng. Bộ phim đã được quay dưới làn bom đạn rất khốc liệt của đế quốc Mỹ, để có những thước phim chân thực nhất, đã có 3 thành viên đoàn làm phim hy sinh cùng hơn 1.000 mét phim bị phá hủy…
Câu chuyện thứ 2 về nhà làm phim Khương Mễ, một quay phim lão thành tham dự LHP quốc tế Amiens năm 1997. Năm ấy, Việt Nam gửi đến Pháp những phim ngắn ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ. Chủ để các phim cũng rất tế nhị: 5 phim ngắn đem theo đều là những phim du kích Việt Nam đánh Pháp.
Từ những năm 40 của thế kỷ trước, trong bưng điền Đồng Tháp, ông Khương Mễ cùng với các đồng nghiệp đã làm ra được những thước phim trong những hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo: quân Pháp bao vây bốn bề, vùng đất phèn mặn, không có nước sạch, không có điện. Vậy mà một nhóm người đã làm ra điều kỳ diệu: không có điện mà vẫn làm ra được những thước phim.
Đêm bế mạc LHP quốc tế Amiens, ông Khương Mễ được mời lên sân khấu, Chủ tịch LHP trao giải Kỳ Lân Vàng danh dự với lời chúc: “Thưa ông Khương Mễ, tôi vinh dự được trao giải lớn nhất của LHP đến ông, một con người đã đem lại niềm tự hào cho những người làm điện ảnh chúng ta. Đây chính là ông Lumière của Đồng Tháp Mười Việt Nam”.
Tôi muốn kể 2 nhà làm phim đại diện thời chiến tranh cho các bạn trẻ hiểu, để làm được những thước phim tài liệu, phim ngắn, họ đã phải đổi cả xương máu của mình để có những thước phim lịch sử vô cùng ý nghĩa…Các bạn làm phim trẻ hãy tự hào và mãi mãi phát huy truyền thống anh hùng ấy của cha ông chúng ta”…