Một thí sinh tuy điểm học tập không cao, nhưng lại được hội đồng xét tuyển lựa chọn. Nhiều thí sinh khác đã cảm thấy rất khó hiểu về kết quả này.
Nhân vật chính trong câu chuyện này là một cậu học sinh, người đã rất hào hứng bày tỏ mong muốn trở thành bác sĩ phẫu thuật trong kỳ thi tuyển sinh vào một trường y danh tiếng.
Khi các giám khảo hỏi lý do tại sao có nguyện vọng này, cậu ấy trả lời: “Em nhớ rằng khi em học môn sinh học, em thích nhất là tiết học mổ ếch.”
Sau đó, các giám khảo hỏi: “Bạn có thể vui lòng cho chúng tôi biết bạn đã học được gì từ lớp học đó không?”
Cậu học sinh hào hứng cho biết: “Em rất hứng thú với chủ đề này nên đã nhanh chóng mổ ếch. Thời gian còn lại, em thấy nhiều thành viên của các nhóm khác vì sợ máu nên không dám làm, khi ấy em liền qua trợ giúp họ, và trong quá trình giúp đỡ này em lại học thêm được rất nhiều điều.”
Các giám khảo khi này đã xem điểm môn sinh học của cậu rồi hỏi: “Bạn nói thật sao? Chúng tôi đã xem qua điểm môn sinh học của bạn, và tiết mổ ếch của bạn gần như thấp nhất trong lớp! Bạn giải thích thế nào?”
Cậu cởi mở nói: “Vì em hay giúp đỡ các nhóm khác, càng giúp nhiều thì càng có nhiều kinh nghiệm và làm càng tốt. Nhưng nhóm của em mổ ếch lần đầu nên còn non kinh nghiệm. Vì vậy, điểm của những nhóm mà em đã giúp đều cao, còn điểm của nhóm em lại trở thành thấp nhất.”
Cuối cùng, kết quả của kỳ tuyển sinh đã được công bố và cậu ấy đã trúng tuyển! Vài năm sau, cậu thực sự trở thành một bác sĩ phẫu thuật xuất sắc. Điều này cũng chứng minh rằng sự lựa chọn của hội đồng xét duyệt là đúng đắn.
Hội đồng xét tuyển đã nhìn ra một điều, rằng người này tuy điểm học tập cao, nhưng có tấm lòng giúp đỡ người khác. Hơn nữa, khi thấy điểm của những người từng được cậu giúp đỡ lại cao hơn mình, cậu đã không hề cảm thấy bất mãn mà ngược lại còn mừng thay cho họ. Sự chân thành này quả là hiếm có, vậy nên nên việc cậu có thể đạt được thành công trong tương lai chỉ là chuyện sớm muộn.
Khi một người gặt hái thành công hoặc đang trên đà phát triển, nhiều người sẽ hỏi:
“Tại sao lại là anh ta?”
“Tại sao anh ta được cấp trên đánh giá cao?”
“Tại sao anh ta lại may mắn như vậy?”
Thường xuyên cảm thấy tức giận trước thành công của những người tưởng chừng như kém cỏi hơn mình, rồi ấm ức hỏi: “Rõ ràng tôi có trình độ tốt hơn, nhưng tại sao anh ta lại là người thành công?” Đây chính là “căn bệnh” của rất nhiều người trong xã hội.
Giống như cậu học sinh mổ ếch kia, thành tích mổ ếch của cậu gần như thấp nhất trong lớp, nhưng cậu đã được nhận vào một ngôi trường danh giá. Chắc hẳn nhiều bạn học của cậu khi nhìn vào điểm số “khiêm tốn” này đã hoài nghi hỏi: “Tại sao lại là cậu ta? Điểm của tôi rõ ràng cao hơn cậu ta, tại sao người được chọn lại không phải là tôi?”
Tuy nhiên mọi người không biết rằng, cậu ứng viên đó còn có rất nhiều giá trị và nét tính cách vượt trội khác ngoài điểm số, điều mà các ứng viên khác không có, đây chính là điều kiện khác biệt để một người thành công.
Nhiều khi, sự thành công của một người thường không phải do một số yếu tố bề ngoài có thể nhìn thấy được. Lý do cuộc sống của họ tràn đầy phước lành là vì bản thân họ có hàm hưỡng và nhân cách tốt, đây là điều không phải ai cũng có thể làm được.
Tuy nhiên trên thực tế, trong xã hội hiện đại ngày nay, hỏi mấy ai đủ tỉnh táo để nhìn nhận những thứ tốt đẹp bên trong một người? Những thứ được gọi là các “tiêu chuẩn” đánh giá trong xã hội này dường như đã vô cùng lệch lạc, đến mức nhiều người không còn nhận ra được nữa. Mọi thứ một người đạt được có thể không phải từ những nỗi lực thực sự mà nó được khẳng định dựa vào các kết quả thành tích trên giấy, hay thông qua các mối quan hệ.
Thế nhưng bạn không nên thấy đó mà nản lòng, bởi vì chỉ cần bạn luôn tự tin vào tương lai, luôn sống hết mình mà luôn bồi dưỡng một trái tim lương thiện, thì mọi điều may mắn cũng sẽ sớm đến với bạn.
Trúc Nhi/ Theo Giang Nhất