Trùng Khánh giữ vai trò quan trọng trong thương mại với Đông Nam Á và châu Âu, nhờ có mạng lưới vận tải rộng lớn kết nối nhiều địa điểm.
Ngày 21/3, một đoàn tàu chở đầy ôtô và các sản phẩm điện tử bắt đầu khởi hành từ ga Đoàn Kết Thôn, thành phố Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc, để khởi hành đến thành phố Duisburg, miền tây Đức. Đây là tuyến đường sắt Trung Quốc – châu Âu hướng tây, còn có tên gọi khác là “Du-Tân-Âu thiết lộ”.
Điều khiến chuyến tàu khi đó trở nên đặc biệt là sự hiện diện của hàng loạt đại diện ngoại giao, trong đó có 13 đại sứ, từ nhiều quốc gia châu Âu, châu Phi và châu Á khi họ thăm Trùng Khánh ngày 20-22/3 theo lời mời từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Với địa hình nhiều đồi núi, Trùng Khánh được mệnh danh là “sơn thành” của Trung Quốc. Dù vậy, thành phố lại gây ấn tượng với khách mời về công nghệ sản xuất tiên tiến, vận tải và nhiều khía cạnh khác, biến nơi đây thành cửa ngõ thương mại quan trọng của thế giới, theo Xinhua.
“Chúng tôi đã biết đến Trùng Khánh qua sách báo, nhưng cảm giác vẫn rất khác khi chứng kiến tận mắt”, Duarte Pinto Da Rocha, quan chức tại đại sứ quán Bồ Đào Nha ở Trung Quốc, nói trong chuyến thăm. Theo ông, điều thú vị nhất là được thấy kế hoạch phát triển của thành phố được kết nối rất tốt với thế giới.
Đường sắt Trung Quốc – châu Âu bắt đầu được khai thác từ năm 2011 với chiều dài hơn 11.100 km, di chuyển từ Trùng Khánh, qua vùng tự trị Tân Cương và lãnh thổ các nước Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan trước khi đến Đức.
Tuyến đường giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng sang châu Âu còn khoảng 15 ngày, thay vì 36 ngày nếu sử dụng đường biển, qua các cảng ở Thượng Hải và Quảng Châu. Vận chuyển đường sắt còn có ưu thế an toàn hơn và tiết kiệm hơn. Trong khi đó, thành phố Duisburg là nơi có hai con sông Rhine và Ruhr chảy qua, đóng vai trò là cửa ngõ để tiếp tục đưa hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt đến các khu vực khác ở châu Âu.
Ngoài châu Âu, Trùng Khánh còn có các tuyến đường sắt hướng nam kết nối với khu vực Đông Nam Á, như Hành lang thương mại đường bộ – đường biển quốc tế mới và đường sắt Trung Quốc – Lào.
Đường sắt Trung Quốc – Lào bắt đầu hoạt động từ tháng 12/2021, với Trùng Khánh là một trong những thành phố đầu tiên triển khai vận tải quốc tế trên tuyến đường. Khouanchay Iemsouthi, cố vấn tại đại sứ quán Lào ở Trung Quốc, cho biết tuyến đường không chỉ mang lại lợi ích cho kinh tế nước này mà còn giúp các quốc gia ASEAN khác hưởng lợi.
Khi tròn một năm hoạt động, đường sắt Trung Quốc – Lào đã vận chuyển khoảng 11,2 triệu tấn hàng hóa và khoảng 8,5 triệu hành khách, theo China Daily.
Trùng Khánh còn phát triển kênh vận tải hướng bắc, với tên gọi đường sắt quốc tế Trùng Khánh – Mãn Châu Lý – Nga, tuyến vận tải hướng đông qua tuyến đường biển sông Dương Tử và mạng lưới hàng không quốc tế. Những kênh này đã giúp Trùng Khánh tiếp cận hơn 300 thành phố tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trùng Khánh còn phát triển mạng lưới đường cao tốc và dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường cao tốc xuyên biên giới để thúc đẩy thương mại giữa miền tây Trung Quốc với khu vực ASEAN. 11 tuyến dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường cao tốc xuyên biên giới đã được triển khai, nối Trùng Khánh với hơn 30 thành phố ở Đông Nam Á và một số khu vực ở Nam và Trung Á.
Với dịch vụ này, một xe tải chở hàng khởi hành từ Trùng Khánh sẽ mất khoảng 4 ngày, vượt quãng đường 2.800 km để đến Vientiane, Lào. Cơ sở hậu cần đường cao tốc ở Trùng Khánh còn cung cấp kho hậu cần ngoại quan và trung tâm bán buôn các sản phẩm từ ASEAN.
Nhà bán lẻ hàng đầu Trung Quốc JD.com đã tận dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường cao tốc đang bùng nổ ở Trùng Khánh để quảng bá dịch vụ giao hàng trong ngày với hàng nghìn mặt hàng nhập khẩu cho người tiêu dùng Trung Quốc.
Wang Jing, quản lý kho hàng phía tây nam của JD Worldwide, nền tảng trực tuyến của công ty dành cho các sản phẩm nhập khẩu, cho biết cơ sở hậu cần của công ty ở quận Banan, Trùng Khánh, đã ghi nhận trung bình 7.000 đơn đặt hàng hàng ngày kể từ đầu năm nay, hầu hết trong số đó là các sản phẩm chăm sóc mẹ và bé, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.
Trong quý I năm nay, hơn 1.300 chuyến xe tải đã sử dụng mạng lưới đường cao tốc qua Trùng Khánh để vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 991 triệu nhân dân tệ, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Sự kết nối của Trùng Khánh theo tất cả các hướng tạo ra nhiều lựa chọn và cơ hội cho các dự án hợp tác”, Đại sứ Albania tại Trung Quốc Selim Belortaja nói. “Trùng Khánh thật sự ấn tượng, xứng đáng là viên ngọc của Trung Quốc trong nhiều khía cạnh”.
Như Tâm (Theo China Daily, Xinhua)