Muộn còn hơn không! – Báo Người lao động

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, dự kiến khai mạc ngày 22-5. Trước đó, Chính phủ đã đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%; giảm 20% mức tỉ lệ phần trăm để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh khi xuất hóa đơn hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.

Đề xuất này có ý nghĩa tích cực với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thể hiện rõ nhất qua tăng trưởng GDP quý I/2023 có dấu hiệu chậm lại – chỉ đạt 3,32%, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01 của Chính phủ là 5,6%.

Thuế suất một số hàng hóa, dịch vụ khi được giảm xuống 8% sẽ có tác dụng kích cầu tiêu dùng, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất – kinh doanh và tăng đóng góp vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, việc giảm thuế GTGT cũng giúp tăng sức cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nếu chính sách này được duy trì đủ lâu.

Năm 2022, nhờ chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đã được tiếp sức để vượt qua khó khăn, tái hoạt động. Lần này, nghị quyết về giảm thuế GTGT của Quốc hội nếu được sớm thông qua cũng sẽ mang lại hiệu quả tương tự. Giảm thuế GTGT giúp giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và vật tư sản xuất giảm theo. Qua đó, người dân được tiếp cận sản phẩm, dịch vụ giá rẻ hơn; doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn trong khi chi phí sản xuất thấp hơn. Do đó, việc sớm trình và thông qua đề xuất giảm thuế GTGT có ý nghĩa rất lớn với nền kinh tế trong bối cảnh cần tăng tốc để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,5% mà Chính phủ đã đề ra.

Tuy vậy, đã bước sang quý II/2023, dự án nghị quyết giảm thuế GTGT của Quốc hội mới được đưa ra xem xét, thông qua là chậm. Việc dự báo thị trường, dự báo diễn biến của nền kinh tế cần được chủ động thực hiện sớm hơn, có thể trước thời điểm chính sách giảm thuế GTGT hết hiệu lực (ngày 31-12-2022), để bảo đảm đề xuất chính sách liền kề kịp thời, tránh ngắt quãng làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ nói chung. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho những đợt xây dựng chính sách tiếp theo, đó là không để “nước đến chân mới nhảy”.

Dù vậy, trong bối cảnh dòng tiền khó khăn, bất cứ sự hỗ trợ nào đối với doanh nghiệp cũng có ý nghĩa quan trọng. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, doanh nghiệp đang mong chờ sớm thông qua nghị quyết về giảm thuế GTGT để có thêm trợ lực bên cạnh các gói hỗ trợ trong Chương trình hồi phục, phát triển kinh tế – xã hội được triển khai trong 2 năm 2022-2023.

Về phía nhà nước, việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT khiến thu ngân sách nhà nước dự kiến giảm khoảng 5.800 tỉ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì giảm thu khoảng 35.000 tỉ đồng. Bù lại, nếu chính sách này được triển khai sớm và hiệu quả, có thể kéo được một trụ cột quan trọng trong “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế, gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, từ đó triển vọng kinh tế cả năm sẽ tốt lên. 



Nguồn bài viết