Nắm vững 10 nguyên tắc vàng để sống hòa hợp với mọi người

“Chén trong sóng còn khua” huống chi là người với người. Việc có thể hòa hợp với những người xung quanh luôn là thử thách lớn của mỗi người. Có người thậm chí đến cuối đời vẫn không tìm ra chìa khóa của sự hòa hợp. Tuy nhiên dù bạn là ai và đang sống trong hoàn cảnh nào, thì với 10 nguyên tắc vàng này, bạn hoàn toàn có thể sống hòa hợp với người khác một cách dễ dàng.

Yêu thương và tôn trọng chính là chìa khóa để kết nối tinh cảm tốt đẹp giữa mọi người. (Ảnh: Dragon Images/ Shutterstock)

Có phải chỉ cần bạn muốn sống hòa thuận với mọi người và được lòng mọi người, thì bạn chắc chắn sẽ đạt được mong muốn của mình hay không? Tất nhiên là không, bởi vì con người vốn phức tạp. Việc hòa hợp với người khác cũng có một số nguyên tắc nhất định. Biết và tuân theo những nguyên tắc, lời nói và hành vi chuẩn mực sẽ làm cho người ta thuận mắt, thuận tai, vừa lòng. Điều này sẽ khiến cho mọi người thấy thật thoải mái và ấm áp khi tiếp xúc với bạn. 

Ngược lại, nếu bạn vi phạm các nguyên tắc khi hòa hợp với người khác, mọi người sẽ cảm thấy rằng lời nói và hành động của bạn là thô lỗ, ngứa mắt hoặc cảm thấy bị tổn thương. Dĩ nhiên sẽ không ai muốn đến gần bạn. 

Cho nên nếu bạn muốn trở thành một người thân thiện trong mắt mọi người, thì chỉ cần bạn áp dụng tốt được 10 nguyên tắc sau đây:

 1. Tôn trọng quan điểm của người khác

Phạm trù của việc tôn trọng người khác khá rộng, chúng ta không thể liệt kê chi tiết từng cái một. Tuy nhiên trong phương diện này, chúng ta có thể tập trung vào việc tôn trọng tư tưởng của con người, bởi tư tưởng là nền tảng, còn những khía cạnh khác như (tín ngưỡng, phong tục, tập quán, v.v.) cũng đều do tư tưởng quyết định. Cho nên nếu bạn biết tôn trọng tư tưởng của người khác thì cũng đồng nghĩa với việc bạn đang thể hiện sự tôn trọng đối với tín ngưỡng, phong tục, tập quán và các mặt khác của họ. Tất nhiên kết quả mang lại là bạn sẽ có thể dễ dàng chung sống hòa thuận và được lòng người. 

Tư tưởng của con người là muôn màu muôn vẻ (ngoại trừ tư tưởng của người theo Satan giáo và các tà giáo khác) thì nó đều phản ánh ra mặt nhận thức của con người về vũ trụ và sinh mệnh. Đồng thời cũng bộc lộ rõ chân tướng của thế giới khách quan và một mặt nào đó của tâm lý con người. Đây đều là những bông hoa đẹp trong khu vườn tư tưởng của con người, và chúng đều có những yếu tố hợp lý của nó. 

Cho dù chúng sẽ luôn tồn tại những điểm không hoàn hảo, nhưng trên cơ bản là đều đóng một vai trò tích cực nhất định. Chẳng hạn như thuyết duy tâm, thuyết hoài nghi, thuyết bất khả tri, thuyết ngụy biện, v.v. Tất cả đều có chức năng bù đắp những sai lệch và khắc phục những nhược điểm của các tư tưởng trái ngược. 

Ngay cả sự ngụy biện, cái mà xưa nay chúng ta vẫn luôn coi thường, thế nhưng nó không chỉ có giá trị ngôn ngữ học, logic học mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ những tư duy bị ràng buộc bởi chủ nghĩa duy lý. Ví dụ, các lý thuyết của nhà triết học thời cổ đại Trung Quốc như Huệ Thi hay Công Tôn Long. Đây chính là những tư tưởng tự do, tín ngưỡng tự do có căn cứ.

Vì vậy, chúng ta cần tôn trọng suy nghĩ của người khác, cũng đừng bao giờ phủ nhận suy nghĩ của họ bằng chính kiến ​​của mình. Nếu bạn luôn cho rằng chỉ những suy nghĩ của mình là đúng đắn, rồi có tâm lý bài trừ, phủ định, khinh thường, mỉa mai, hay thậm chí chửi bới, đánh nhau với người chỉ để bảo vệ cái tư tưởng nhỏ bé của bạn thì chắc hẳn sẽ không ai muốn nói chuyện, bày tỏ quan điểm và giao lưu với bạn. 

Có nhiều người từ lâu đã hình thành lối tư tưởng thiển cận, không biết tôn trọng suy nghĩ của người khác và thể hiện ra sự thiếu hiểu biết. Tuy nhiên họ luôn nói rằng mình tôn trọng mọi người. Trên thực tế thì trong suy nghĩ và cả hành động đều là rất coi thường, thậm chí đánh, chửi và xúc phạm người khác. Kết quả thì có thể ai cũng đã hiểu, những người như vậy hẳn sẽ bị cô lập một cách thật đáng thương. Ngược lại, người có học vấn cao, hiểu biết rộng, có thể tôn trọng mọi người trên nhiều ý tưởng khác nhau, thì họ thường có được các mối quan hệ hòa hợp và nhận được sự hòa thuận, cũng như yêu mến từ người khác.

2. Quan tâm và thấu hiểu

Hãy luôn quan tâm đến mọi người và bạn sẽ thấy rằng nụ cười của họ cũng sẽ quay lại sưởi ấm trái tim bạn. (Ảnh: Chaay_Tee/ Shutterstock)

Mỗi người đều mong muốn nhận được sự quan tâm và thấu hiểu từ người khác. Bởi vì cuộc sống vốn vất vả, ai cũng có góc khuất hoặc tâm sự trong lòng. Hơn nữa, con người vốn mang theo tình cảm. Vì vậy, trong sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày, hãy quan tâm, hỏi han, thấu hiểu, an ủi, động viên đến đời sống vật chất và tinh thần của những người mà mình thường xuyên tiếp xúc. Bạn sẽ thấy rằng nụ cười của họ cũng sẽ quay lại sưởi ấm trái tim bạn.

Ngược lại, việc tỏ ra lạnh nhạt, thờ ơ sẽ chỉ khiến cho môi trường sống của bạn trở nên u ám và tẻ nhạt hơn mà thôi.

3. Biết cảm ơn

Nếu bạn là người rất lễ độ, thường sẽ kịp thời bày tỏ lòng biết ơn khi nhận được sự giúp đỡ hoặc ưu ái về vật chất, tinh thần hay tư tưởng của người khác. Điều này có thể khiến mọi người đánh giá rằng bạn là một người biết điều, họ sẽ rất coi trọng bạn. Một bên là tử tế, một bên là biết ơn, hai bên sẽ tạo thành một chất xúc tác bền bỉ cho một mối quan hệ tuyệt vời.

4. Biết đồng cảm

Chỉ một cái nắm tay của bạn cũng đủ để giúp họ vực dậy khỏi vực sâu tăm tối. (Ảnh: chayanuphol/ Shutterstock)

Cuộc đời mỗi người đều có những lúc thăng trầm, có lúc vấp ngã, có lúc thật không suôn sẻ.

Khi ai đó gặp khó khăn, bất hạnh, nếu bạn có thể ở bên cạnh an ủi và giúp đỡ kịp thời, thì đối với họ điều đó thật đáng quý biết bao. Bởi vì mọi động lực và sức mạnh đều quyết định bởi tinh thần của con người. Chỉ một cái nắm tay của bạn cũng đủ để giúp họ vực dậy khỏi vực sâu tăm tối.

Ngược lại, nếu như lúc họ đang trong khó khăn, bạn lại nhắm mắt làm ngơ và bỏ mặc họ, thì họ sẽ thật thất vọng, có khi còn oán trách bạn. Thậm chí trong tâm bạn có thể cũng cảm thấy áy náy phải không?

5. Khiêm tốn lắng nghe những lời khuyên

Lúc bạn cảm thấy bối rối khi gặp một vấn đề mà bạn không hiểu rõ, bạn nên nhanh chóng và khiêm tốn tìm kiếm lời khuyên từ những người có hiểu biết và có kinh nghiệm. Bằng cách này, không chỉ các vấn đề của riêng bạn sẽ được giải quyết. Mà đồng thời bên kia cũng cảm thấy rất vinh hạnh khi được bạn tôn trọng, tin tưởng. Đồng thời họ cũng sẽ cảm thấy tầm quan trọng và giá trị tồn tại của chính mình. Như vậy thì mối quan hệ giữa hai bên sẽ có sự hòa hợp ấm áp.

6. Quan tâm và tôn trọng đến mọi người

Cho dù là đối với người yếu thế, người nghèo, người phục vụ, cấp dưới thì cũng hãy dành cho họ tình cảm bình đẳng về nhân cách, mà thể hiện ra bên ngoài chính là những hành động đối xử tử tế với họ. Việc tỏ thái độ trịch thượng, phê phán và xem thường sẽ chỉ là hành động ngốc nghếch khiến bạn tự tách ly ra khỏi tập thể mà thôi. 

Đồng thời, khi người khác bị ức hiếp, bị đối xử bất công thì đừng ngần ngại dũng cảm đứng lên bảo vệ. Có như vậy thì những người bạn quan tâm mới đánh giá cao bạn từ tận đáy lòng của họ.

7. Bày tỏ khen ngợi

Động lực lớn nhất trong bản chất con người là muốn được khẳng định. (Ảnh: PaeGAG/ Shutterstock)

Biểu dương, khen ngợi những đức tính, ưu điểm, sở trường, sự kiện vui và thành tích của người khác một cách kịp thời, phù hợp và chân thành sẽ như là một món quà giá trị mà bạn tặng cho người khác. 

Có câu nói: “Động lực lớn nhất trong bản chất con người là muốn được khẳng định.” Khi người khác được khẳng định, họ sẽ thấy rất hạnh phúc, tự tin và cảm thấy cuộc đời thật tươi đẹp làm sao, đây cũng chính là động lực giúp họ có đầy niềm tin và hy vọng cho tương lai của mình. Thật tốt biết bao khi ai đó có được trạng thái tâm trí tích cực vì lời khen ngợi của bạn. Người đó cũng sẽ luôn tôn trọng và coi bạn là người bạn tâm giao tốt nhất của họ. 

8. Làm người có tấm lòng rộng lượng

Làm người không thể tránh khỏi làm điều sai trái. Khi ai đó nói lời có lỗi với bạn hoặc làm điều gì có lỗi với bạn, hãy hiểu cho họ, tha thứ cho họ thay vì trách móc, so đo và oán giận. Cảm nhận được sự rộng lượng, vị tha từ bạn, họ sẽ luôn tôn trọng bạn.

9. Tha thứ

Có người quả thật đã phạm lỗi lầm rất lớn, nhưng nếu họ có thể thành tâm ăn năn sám hối và có mong muốn quay đầu thì họ cũng nên được tha thứ. Đây chính là cách bạn cho người đó một cơ hội sửa sai và làm lại, trở thành một phiên bản tốt đẹp và có ích hơn trong tương lai.

Nếu quá dứt khoát đoạn tuyệt thì cũng như dồn họ vào ngõ cụt. Hậu quả xấu nhất là lại đẩy người đó vào con đường sai trái một lần nữa. Hãy nhớ rằng chúng ta chỉ có thể cảm hóa người khác bằng tình yêu thương của trái tim chứ không phải bằng bất cứ luật lệ hà khắc nào. Đây chính liệu pháp hòa giải tốt nhất. Bằng cách này, họ sẽ vô cùng biết ơn bạn.

10. Sẵn lòng giúp đỡ mọi người

Đối tốt với người ắt người tốt lại. Tâm luôn thiện lương, trợ giúp người khác vừa hay lại chính là chu toàn chính mình. (Ảnh: Porstocker/ Shutterstock)

Khi ai đó thiếu thốn tiền của và vật chất, nếu có khả năng thì bạn nên giúp đỡ họ đúng lúc. Khi người khác bối rối trong hành trình cuộc sống của họ, bạn nên kịp thời cho họ những định hướng có ích nhất cho họ. Kiểu giúp đỡ chân thành này cũng như gửi than củi trong tuyết và che ô trong mưa, nó sẽ khiến mọi người biết ơn và yêu mến bạn.

Nếu làm được 10 điều này, bạn sẽ chính là người giỏi giao tiếp và giỏi hòa đồng với mọi người. Bạn nhất định sẽ được mọi người hoan nghênh và yêu mến. Cuộc sống của bạn sẽ tự nhiên đầy màu sắc, thuận lợi và may mắn. Nói xa hơn nữa, nếu như tất cả mọi người trong xã hội đều làm được điều này thì sự hài hòa và hạnh phúc của toàn xã hội sẽ đều được bồi đắp và nâng cao.

Trúc Nhi, Vision Times

  • Mời xem video: Người giàu chân chính làm gì với tiền của họ? 



Nguồn bài viết

Exit mobile version