Trong sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Thanh Sơn đã tạo dựng được một vị trí vững chắc trong âm nhạc từ thập niên 60 với những tình khúc bolero nổi tiếng, những ca khúc về tuổi học trò, về những hoài niệm tình yêu, tình người. Kho tàng âm nhạc của nhạc sĩ Thanh Sơn tiếp tục được mở rộng hơn bắt đầu từ thập niên 70 và nở rộ trong những năm tháng sau này khi ông đến với dòng nhạc quê hương. Những bài hát ca ngợi vẻ đẹp quê hương với chất nhạc mang âm hưởng dân ca hồn hậu, chân chất đã đưa tên tuổi nhạc sĩ Thanh Sơn lên một địa vị mới trong dòng nhạc trữ tình.
Nhạc sĩ Thanh Sơn đã để lại những bài hát ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc như: Hành trình trên đất phù sa, Áo mới Cà Mau, Gợi nhớ quê hương, Hình bóng quê nhà…
Ban giám khảo |
Gia tài âm nhạc của ông trong dòng chảy nhạc quê hương còn mở rộng đến nhiều vùng đất khác trên quê hương Việt Nam như miền Trung với Thương về cố đô, hay chất Bắc Bộ độc đáo trong Non nước hữu tình nhắc nhớ chúng ta về nguồn cội, về vẻ đẹp kỳ diệu của quê hương mình từ một tình yêu thiết tha mà người nhạc sĩ ấy dành cho quê hương, xứ sở, cho nơi sinh ra và nuôi dưỡng tâm hồn ông với tình yêu nhạc bao la, đậm đà hồn Việt.
Anh Lê Duy Lâm – con trai cố nhạc sĩ Thanh Sơn chia sẻ: “Những sáng tác dân ca của cha tôi là một chuỗi rất dài. Đầu thập niên 90, ông viết rất nhiều bài hát dân ca về miền Tây Nam Bộ. Khi nghe những sáng tác của cha, tôi như thấy ông đang đứng trước mặt mình. Cha tôi là người rất nhẹ nhàng, hiền lành, chất phác, hài hòa trong công việc cũng như trong các mối quan hệ xã hội”.
Lê Duy Lâm |
Nói về những sáng tác để đời của cố nhạc sĩ Thanh Sơn, anh Lê Duy Lâm cho biết: “Hình bóng quê nhà là bài hát mà cha tôi gửi gắm tất cả cuộc đời của mình vào đó. Từ lúc 12 tuổi, cha theo nội lên Sài Gòn lập nghiệp, tìm kế sinh nhai. Cha làm qua rất nhiều công việc khác nhau. Nhớ lại ký ức của những năm tháng tuổi thơ, ông đã viết: ‘Đâu rồi ngày xưa, ai đón ai đưa nắng đổ chiều mưa’. Hay như trong bài Giấc ngủ đầu nôi, đó là nguồn cảm hứng sáng tác trong một lần cha cùng mẹ về Sóc Trăng giỗ nội. Trên đường đi, nhiều tâm tư, tình cảm trong ông được hình thành và viết nên một ca khúc với giai điệu mộc mạc, gần gũi”.
Nghệ sĩ Thanh Hằng |
Nghệ sĩ Thanh Hằng chia sẻ: “Thời điểm xa quê, mỗi lần nghe được nhạc của nhạc sĩ Thanh Sơn thì tôi đều cảm thấy ‘rụng rời’, chỉ muốn trở về quê hương ngay lập tức. Không những giai điệu mà ca từ trong những sáng tác về quê hương của nhạc sĩ Thanh Sơn cũng rất hay, vô cùng thấm thía. Tôi từng được nhạc sĩ Thanh Sơn mời hát bài Gợi nhớ quê hương và được nhạc sĩ sửa từng chữ, từng nốt. Vài tháng sau, tôi đi hát ở các tụ điểm và hát thêm bài Hình bóng quê nhà. Khi tôi vừa bước ra sân khấu, nhiều khán giả đã hô to lên Hình bóng quê nhà nhiều lần làm tôi cảm thấy rất vui và càng có động lực để hát. Nhưng khi sang nước ngoài sinh sống và biểu diễn, nghe giai điệu của ca khúc Hình bóng quê nhà vang lên thì tôi lại vừa khóc vừa hát. Đó là những kỷ niệm tôi không bao giờ quên khi nhắc về nhạc sĩ Thanh Sơn”.
Với chủ đề nhạc sĩ Thanh Sơn trong tuần này, Hoàng Luân sẽ đưa khán giả về với vùng quê yên bình, có nhịp cầu tre và tiếng chim sáo khi thể hiện ca khúc Hình bóng quê nhà. Những xao xuyến, bồi hồi về miền quê Việt Nam thanh bình, yên ả tiếp tục níu giữ trái tim khán giả với Hoàng Ngân Ánh cùng Giấc ngủ đầu nôi. Trong khi đó, Mạnh Nguyên quyết định lựa chọn ca khúc kinh điển Hoài cổ, nhắc nhớ về Bạc Liêu một thời vàng son.
Xuất hiện trên hàng ghế nóng cùng giám khảo xuyên suốt – danh ca Thái Châu trong tập 7 Người kể chuyện tình 2023 là nghệ sĩ Thanh Hằng và ca sĩ Như Hảo. Bộ ba giám khảo hứa hẹn sẽ mang đến những màn nhận xét đầy chuyên môn. Bên cạnh đó, con trai cố nhạc sĩ Thanh Sơn – anh Lê Duy Lâm cũng góp mặt trong đêm thi và chia sẻ với khán giả những câu chuyện chưa kể, những nguồn cảm hứng, hoàn cảnh sáng tác nên những tác phẩm để đời của người cha đáng kính.
Tập 7 Người kể chuyện tình 2023 với chủ đề nhạc sĩ Thanh Sơn sẽ được phát sóng vào lúc 21h00 thứ năm 27/7/2023 trên THVL1.