Qua ngòi bút tài hoa của Mika Toimi Waltari, “Người Ai Cập – Quyền lực và Tình yêu” trở thành cuốn tiểu thuyết lịch sử kinh điển đậm tính triết lý, kết hợp hài hòa lịch sử huyền bí và cuộc sống đời thường của người Ai Cập cổ đại.
Cuộc đời sóng gió của vị danh y tài hoa
“Người Ai Cập – Quyền lực và Tình yêu” là bộ tiểu thuyết lịch sử gồm hai tập với mười lăm sách (chương) kể về cuộc đời danh y Sinuhe những năm 1390 – 1335 trước Công lịch, cũng là mười lăm chương kể về xã hội Ai Cập cổ đại thời bấy giờ qua hồi ức của nhân vật chính Sinuhe.
Sinuhe – người kể chuyện – là một đứa trẻ bị thả trôi sông, được vợ chồng thầy thuốc nghèo không có con mang về nuôi. Nhờ sự hướng nghiệp của cha nuôi, Sinuhe đã theo học nghề y để nối nghiệp cha chữa bệnh cho người nghèo. Với đôi tay khéo léo và tài chữa bệnh, Sinuhe trở thành một danh y nổi tiếng, đồng thời là bạn của Pharaon Ekhnaton và Tể tướng Horemheb – người sau này cũng trở thành Pharaon.
Là ngự y của triều đình, Sinuhe bị xô đẩy vào những biến động sâu sắc của xã hội Ai Cập. Sau khi mất hết tất cả vì tình yêu mù quáng, ông phải rời bỏ quê nhà cùng người đầy tớ Kaptah ranh mãnh đi đến nhiều miền đất và cuối cùng bị pharaon đày đi biệt xứ. Trong những năm tháng bị lưu đày nơi xứ người, Sinuhe đã viết lại nỗi đắng cay, oan nghiệt cũng như những hạnh phúc hiếm hoi trong cuộc đời mình như một cách để nhìn lại, gột rửa lỗi lầm của quá khứ.
Với tài năng kể chuyện tuyệt vời, tác giả Mika Toimi Waltari đã biến “Người Ai Cập – Quyền lực và Tình yêu” trở thành cuốn tiểu thuyết đầy cuốn hút, chứa đựng kho tàng kiến thức về các vị thần, tín ngưỡng tôn giáo, chính trị và văn hóa của một trong những nền văn minh vĩ đại nhất của loài người. Từ đây, tác giả đã vẽ ra một bức tranh lớn về các vùng đất xinh đẹp ít ai biết đến như xứ Hatti rực rỡ, thành cổ Babylon, hòn đảo xinh đẹp Crete, Thebes náo nhiệt và nhiều xứ sở đặc biệt khác.
Kiệt tác “Người Ai Cập – Quyền lực và Tình yêu” được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1945 và chỉ sau một năm, cuốn tiểu thuyết này đã được tái bản bốn lần với tổng số bán ra hơn 70.000 bản. Cho đến nay, tác phẩm đã được dịch sang 40 thứ tiếng và được phát hành rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sự thành công của tác phẩm kinh điển này đã giúp tác giả Mika Toimi Waltari trở thành một trong những nhà văn Phần Lan nổi tiếng nhất thế kỷ 20.
Cuộc chiến vương quyền và thần quyền
“Người Ai Cập – Quyền lực và Tình yêu” xoay quanh câu chuyện tình bạn giữa Sinuhe với hai vị Pharaon Ai Cập, Quốc vương tiểu quốc Amori, những cuộc tranh giành quyền lực trong vương triều và cả chiến tranh dã man, tàn bạo giữa các vương quốc.
Sau khi lên ngôi, Pharaon Ekhnaton đã lật đổ Amon – vị thần tối cao của Ai Cập, và tôn thờ thần Mặt Trời Aton làm vị thần duy nhất của vương quốc. Tôn giáo mới của Ekhnaton đề cao hòa bình, bác ái và sự bình đẳng giữa mọi người, mọi dân tộc. Nhưng “cuộc cải cách” đó đã dẫn đến bạo loạn, khiến Ekhnaton phải dời thủ đô từ Thebes lên Akhetaton. Là ngự y của pharaon, Sinuhe tháp tùng ngài đến thủ đô mới.
Lúc đầu, Sinuhe hết sức ngưỡng mộ triết thuyết của Pharaon Ekhnaton, nhưng tôn giáo mới của Ekhenaton đã đẩy cả vương quốc Ai Cập đến bờ vực thẳm. Lúc này, những cuộc chiến do Tể tướng Horemheb chỉ huy đã phần nào khôi phục lại sự huy hoàng của vương quốc. Dù bị xem là người có xuất thân thấp hèn, nhưng thực tế, trong lịch sử Ai Cập, Horemheb được coi là một trong những pharaon vĩ đại nhất của vương quốc.
Qua ngòi bút tài hoa của tác giả, “Người Ai Cập – Quyền lực và Tình yêu” trở thành cuốn tiểu thuyết lịch sử giàu tính triết lý, kết hợp hết sức hài hòa và hấp dẫn giữa lịch sử huyền bí và cuộc sống đời thường của người Ai Cập cổ đại. Lật giở từng trang sách, độc giả cảm nhận sâu sắc nỗi cô đơn cũng như dòng chảy số phận kỳ lạ của Sinuhe. Cuộc đời của ông gắn với dòng họ Amenhotep như một định mệnh, khi ông là ngự y nhưng cũng có thể là anh em cùng cha khác mẹ với Pharaon Ekhnaton, vừa là người bạn từ thủa hàn vi của Horemheb.
Càng học được nhiều, tôi càng hiểu rõ rằng hiểu biết của mình còn quá ít. Có lẽ người thầy thuốc chỉ sẵn sàng hành nghề khi họ khiêm nhường tự nhìn nhận với bản thân rằng mình thực sự chẳng biết gì.
Trong “Người Ai Cập – Quyền lực và Tình yêu” có chiến tranh quyền lực, có tình yêu lãng mạn, mê đắm lẫn khổ đau. Trong đó, phải kể đến ba mối tình với những cung bậc tình yêu và bi kịch khác nhau của Sinuhe với kỳ nữ Nefernefernefer, với trinh nữ Minea xứ đảo Crete và với Merit, nữ hầu bàn quán rượu ở Thebes. Ngoài ra, độc giả còn bắt gặp tình yêu đơn phương của Horemheb với công chúa Baketaton, ham muốn nhục dục của quản gia hậu cung Mehunefer với Sinuhe, của Thái hậu Teje với Quốc trượng Eje.
Nhưng, bên cạnh tình yêu nam nữ, tác phẩm còn miêu tả tình yêu vô bờ của Sinuhe đối với thành phố Thebes quê hương và đất nước Ai Cập của ông. Câu nói của Sinuhe “Ai đã từng một lần uống nước sông Nile người đó sẽ khát khao trở lại sông Nile. Nước ở bất cứ nơi nào khác không thể làm anh ta nguôi cơn khát” được nhắc lại rất nhiều lần như một “điệp khúc” trong tác phẩm.
Tình yêu Ai Cập trong lòng Sinuhe chưa bao giờ ngừng thổn thức. Trước khi bị đày khỏi Ai Cập, Sinuhe đã nói: “Tôi không hề sợ cô đơn, vì cả đời tôi chỉ có một mình và sinh ra tôi đã cô đơn, nhưng trái tim tôi tan chảy vì buồn khi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ được nhìn lại Thebes, không bao giờ được cảm nhận lớp bùn mềm của đất Kemet dưới chân mình cũng như sẽ không bao giờ được uống nước sông Nile nữa.”
Nếu lấy cái ác chống lại cái ác, ta sẽ chỉ sản sinh ra cái ác, nhưng khi ta lấy cái thiện chống lại cái ác, thì các ác sinh ra từ đó sẽ nhỏ hơn.
Cuộc đời sóng gió của Sinuhe còn gắn liền với người hầu Kaptah. Là một ông già chột mắt được Sinuhe mua về từ chợ nô lệ, nhưng Kaptah không chỉ là người đầy tớ trung thành “đồng cam, cộng khổ” với ông chủ “trẻ người, non dạ” mà còn là người bạn, người quản gia, và trong nhiều trường hợp còn là “nhà cố vấn” thông thái cho ông chủ của mình.
Chính Kaptah đã động viên Sinuhe quên đi tội lỗi tuổi trẻ của mình để rời Ai Cập đến Syria sống và hành nghề, bắt đầu cuộc sống mới. Tại đó, nhờ có sự thông minh và ranh mãnh của Kaptah mà danh tiếng của Sinuhe được vang xa. Sinuhe cùng Minea an toàn trốn được khỏi Babylon. Nhờ từng trải sự đời và đầu óc thực dụng mà Kaptah đã đưa Sinuhe, và sau đó là chính mình, giàu lên nhất nhì Ai Cập. Rồi cũng nhờ Kaptah mà Sinuhe mới biết bé Thoth chính là con trai của mình với Merit, hiểu được những mưu mô xảo quyệt của người bạn Horemheb và cả ước muốn hão huyền, thiếu thực tế của Pharaon Ekhnaton mà Sinuhe từng cổ súy.
Mặc dù tác phẩm lấy bối cảnh ở Ai Cập cổ đại nhưng những thông điệp mà nó truyền tải có giá trị trường tồn với thời gian. Khi miêu tả chiến tranh và những biến động xã hội, tình bạn và tình yêu, Mika Toimi Waltari đã thành công trong việc đúc kết những điều quan trọng nhất của con người với những câu văn đầy tính triết lý. Đây cũng là lý do dù ra mắt đã lâu nhưng “Người Ai Cập – Quyền lực và Tình Yêu” vẫn là một trong số tiểu thuyết kinh điển bán chạy nhất. Những độc giả yêu thích bản phóng tác “Dấu chân trên cát” của học giả Nguyên Phong sẽ cảm thấy vô cùng thú vị khi có cơ hội đọc bản nguyên tác này.