Người mẹ này đã làm gì để con gái học lực “trung bình” thi đậu đại học?

Con gái cô Dương là một đứa trẻ bình thường với học lực trung bình, khiến cô nhiều khi cảm thấy lo lắng và muốn than vãn. Nhưng khi cô thay đổi tâm thái, con gái cũng đã thay đổi.

đậu đại học
Cuối cùng thì con bé cũng đã vượt qua kỳ thi đại học, khi biết được điểm số, ai nấy đều ngạc nhiên, kể cả cô Dương. (Ảnh: panitanphoto/ Shutterstock)

Cô Dương vốn là giáo viên cấp II, đã tham gia công tác giáo dục nhiều năm, nhưng khi dạy dỗ con gái của mình, cô đã gặp nhiều va vấp, thăng trầm và đau khổ. Làm mẹ thực sự không dễ dàng chút nào, cần phải không ngừng học hỏi và thực hành.

Con gái cô cũng như bao đứa trẻ khi còn nhỏ luôn vô tư, hồn nhiên và vui vẻ, những rắc rối của nó bắt đầu từ những lớp trên của trường tiểu học. Vì hầu hết trẻ em trong lớp đều học thêm bên ngoài, nên những đứa trẻ chỉ dựa vào lớp chính khoá trên trường như con gái cô dần cảm thấy vất vả và không theo kịp với các bạn trong lớp. Thậm chí, vào đêm trước ngày tốt nghiệp tiểu học, cô bé đã lo lắng hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con thể học tiếp được không?”

Trong thời kỳ nổi loạn những năm cấp II, thành tích học tập của con gái cô rớt thảm hại. Cuối cùng cô bé đã được nhận vào trường cấp III thuộc nguyện vọng thứ 8. Nếu như lựa chọn nguyện vọng hơi cao một chút, có lẽ con bé đã không được nhận vào trường. Ngày nhận điểm, con bé đã khóc rất nhiều, nói thật là lúc đó cô cũng vô cùng hụt hẫng và thất vọng, cứ nghĩ 3 năm nữa con mình liệu có thể lên đại học được không?

Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra. Trong một buổi họp phụ huynh của năm cuối cấp III, khi cô Dương đang mải miết suy nghĩ về hiện trạng học tập kém cỏi của con mình, thì cô giáo bắt đầu khen ngợi sự tiến bộ nhanh chóng của một học trò trong lớp, và cho đến khi định thần lại, cô chợt nhận ra rằng học trò ngoan đó chính là con gái cô. 

Sau đó thì con bé cũng đã vượt qua kỳ thi đại học, khi biết được điểm số, ai nấy đều ngạc nhiên, kể cả cô. Bởi vì con bé vốn là một đứa trẻ luôn có học lực hết sức bình thường, ngoại trừ việc tham gia Olympic tiếng Anh và Toán, nhưng đã bỏ dở giữa chừng, con bé cũng không tham gia buổi học thêm bên ngoài nào nghiêm túc. 

Thế nhưng thực tế là con bé đã trúng tuyển vào ngôi trường có hơn 7.000 học sinh đăng ký thi vào, mà chỉ có hơn 100 em được nhận. Vậy làm sao đứa con vốn bình thường của cô có thể làm được điều này? Phải chăng đứa trẻ luôn bị người khác cười nhạo là “học kém” này chỉ trong một đêm đã trở thành thần đồng? 

Kỳ thực, thành công của con gái xuất phát từ nỗ lực của người mẹ. Cô Dương đã áp dụng 3 điều: Đầu tiên là tâm lý của cha mẹ quyết định trạng thái của đứa trẻ. Điều thứ 2 là phàn nàn thực sự là một lời nguyền. Và điều cuối cùng là khi cha mẹ thay đổi tâm thái của họ thì đứa trẻ cũng sẽ bắt đầu thay đổi. 

Bây giờ nhìn lại, những năm con gái cô học cấp II là khoảng thời gian cô gặp rắc rối nhiều nhất và cũng đau khổ nhiều nhất. Trong những năm này, cảm xúc cơ bản của cô là lo lắng, phàn nàn và vội vã. Khi chúng ta không hài lòng với thành tích và điểm số của con mình, rất khó để không lo lắng, phàn nàn hay tức giận, và những đứa trẻ có thể cảm nhận được thái độ tiêu cực này.

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ không cần phải quá lo lắng việc con mình có thành tích học tập không tốt có tương lai rộng mở hay không? Vì không ai có thể cộng thêm vào điểm số của một đứa trẻ bằng cách lo lắng. 

Kỳ thực, đứa trẻ là tấm gương phản chiếu tâm thái của cha mẹ trong cuộc sống. Nếu chúng ta nuôi dạy con bằng tâm thái lo lắng, phàn nàn và giận dữ, làm sao đứa trẻ có thể tự tin, vui vẻ và hạnh phúc để trưởng thành?

Có lẽ hầu hết các bậc cha mẹ đều mong ước cho con mình khỏe mạnh, bình an và tự tin, được làm điều mình thích và trở thành người mà mình mong muốn… Trong danh sách điều ước của những bậc cha mẹ có lẽ đều sẽ không xuất hiện điểm thi, không có thành tích, cũng không có bằng cấp, phải vậy không?

Tâm thái tốt nhất khi làm cha mẹ chính là: Chấp nhận, tin tưởng và chúc phúc cho đứa trẻ, để trẻ tự chịu trách nhiệm về cuộc đời của chính mình.

Vậy những năm con gái học cấp III người mẹ đã làm gì?

Trở lại câu chuyện của cô Dương. Khi con gái cô học cấp III, cô đã chuyển nghề mới với tính chất công việc dồn dập và căng thẳng, khiến cô cảm thấy thời gian và sức lực không đủ thể quán xuyến gia đình và chăm sóc con cái. Do vậy, cô không có lựa chọn nào khác là buông bỏ tính thích kiểm soát trước đây và nỗ lực để biến những lo lắng, vướng mắc và phàn nàn hàng ngày của mình thành sự chấp nhận, tin tưởng và chúc phúc cho con gái. 

Khi đó cô đã học cách để chấp nhận con, chấp nhận thành tích học tập của con và coi nhẹ việc người đời đánh giá về con mình. Cô nhận ra một điều rằng, trong thâm tâm đứa trẻ nào cũng muốn học giỏi, muốn trở thành người đứng đầu, là niềm tự hào của cha mẹ. Vì vậy cô tin rằng con gái sẽ cố gắng hết sức. 

Cô cũng hy vọng có thể biến những cảm xúc tiêu cực như lo lắng và phàn nàn của mình thành những cảm xúc tích cực, tin rằng con cái là món quà do ông Trời ban cho, con chỉ đến thế giới này thông qua cha mẹ và chúng không thuộc về họ. Những bậc cha mẹ như cô chỉ có thể làm phần việc của mình với tư cách là người dẫn dắt và giúp đỡ con cái trở thành phiên bản tốt nhất của chính chúng. 

Khi người mẹ bắt đầu thay đổi suy nghĩ, đứa trẻ cũng dần dần thay đổi. Vào năm đầu cấp III, con gái cô đã trở thành chủ nhiệm tạp chí của trường, cả ngày bận rộn biên tập tạp chí, và con bé đã kiên trì cho đến khi các bạn cùng lớp từ bỏ. Đến năm thứ hai cấp III, con bé bận rộn làm phim, chịu trách nhiệm những việc vặt như thu xếp địa điểm quay phim, thiết bị chụp ảnh, đạo cụ, diễn viên… 

Có vẻ những hoạt động con bé tham gia không có liên quan gì đến kỳ thi đại học hay những môn cần học để vượt qua kỳ thi. Nhưng người mẹ đã trút bỏ hoàn toàn tâm lý lo lắng và để đứa trẻ tự chịu trách nhiệm về tương lai của mình. Và kết quả là thông qua trải nghiệm trong những năm cấp III, con bé đã tìm được đam mê và dồn chí theo đuổi ngành học yêu thích của mình. Đây chính là lý do khiến con bé tiến bộ rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn nỗ lực.

Tâm trạng của cha mẹ quyết định trạng thái của con cái 

Thay vì lo lắng và than vãn, cha mẹ hãy là người chắp cánh ước mơ cho con cái, hãy để con tự lựa chọn tương lai của mình. (Ảnh: Yuganov Konstantin/ Shutterstock)

Tương lai và cuộc sống đều là của con cái chúng ta. Trách nhiệm của cha mẹ không phải là thay con quyết định cuộc đời của nó, mà là khuyến khích, ủng hộ và giúp đỡ để đứa trẻ đi theo con đường mà bản thân mình lựa chọn.

Tóm lại, chỉ cần người mẹ quan tâm cuộc sống cơ bản của con cái, còn việc học, vào trường đại học là nhiệm vụ của đứa trẻ. Người làm cha mẹ chỉ có trách nhiệm với việc con cái sẽ trở thành kiểu người như thế nào trong tương lai. Giáo dục gia đình là vạch xuất phát của cuộc sống, mà tình yêu và sự tôn trọng của cha mẹ là vạch xuất phát mà con cái mong muốn nhất.

Cha mẹ hãy thay đổi tâm thái càng sớm càng tốt, bởi vì bây giờ là thời đại thông tin, kiến ​​thức không phải là thứ cạnh tranh, mà sự tò mò, khao khát tri thức và khả năng học hỏi mới là thứ cạnh tranh. Hy vọng rằng các bậc cha mẹ hiện tại sẽ không đợi đến khi con cái họ vào cấp III mới bắt đầu thay đổi tâm thái của mình.

Môi trường nghề nghiệp mà con em chúng ta sẽ đối mặt trong tương lai sẽ có nhiều thay đổi hơn, mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và khó dự đoán hơn. Mong rằng các bậc phụ huynh đừng quá chú trọng vào việc học kiến ​​thức, những người chủ tương lai trước tiên phải có năng lực tư duy nhận thức. Thứ hai là cần có khả năng thích ứng và sáng tạo trong nghề nghiệp. Thứ ba là cần có khả năng làm bản thân mình hạnh phúc, cho dù có thành công hay không. 

Nhà nghiên cứu ngôn ngữ và luật học Daniel Pink cho rằng những chủ nhân tương lai cần có 6 kỹ năng: Khả năng thiết kế, khả năng kể chuyện, khả năng tổng hợp thông tin, khả năng đồng cảm, khả năng chơi đùa và khả năng tìm ra ý nghĩa.

Điều đó có nghĩa là, những người thành công trong tương lai không phải là những người có thể dựa vào sách vở, mà là những người có khiếu thẩm mỹ, có thể kể chuyện, có khả vượt qua giới hạn, có lòng yêu thương, lạc quan và có những mục tiêu nhỏ của riêng mình.

Theo Aboluowang

Ngữ Yên biên tập



Nguồn bài viết