Nhân sinh không thể nhàn nhã, ăn tiêu không thể phung phí

Sách “Vi lô dạ thoại” viết: “Nhân sinh bất khả an nhàn, nhật dụng tất tu giản tỉnh”, nghĩa là con người sống trên đời, không thể sống qua ngày đoạn tháng một cách nhàn rỗi, không làm việc gì cả, chỉ có chăm chỉ làm việc mới có thể khiến tâm được an ổn; việc ăn tiêu hàng ngày cũng phải tiết kiệm, giản dị, tránh thói xa hoa lãng phí mới thể hiện và tu dưỡng được đức tính cần kiệm cho bản thân mình.

Nhân sinh không thể nhàn nhã, ăn tiêu không thể phung phí
(Ảnh minh họa: Gyn9037, Shutterstock)

Nhân sinh của một người không thể chỉ cầu an nhàn rảnh rỗi mà phải chuyên tâm chăm chỉ với sự nghiệp, công việc của mình. Bởi vì một người chỉ có không ham hưởng lạc mới có thể buông bỏ được những tư tưởng lười biếng và tạp niệm xấu của bản thân. Nếu một người quá nhàn hạ lại buông thả phóng túng bản thân, không thể ước thúc được bản thân thì sẽ sống một cuộc sống tầm thường, vô vị, thậm chí làm ra những việc xằng bậy, xấu xa.

Mạnh Tử từng giảng: “Học vấn chi đạo vô tha, cầu kì phóng tâm nhi dĩ hĩ”, ý nói mục đích chính yếu của nghiên cứu học vấn chính là con đường dẫn dắt chúng ta đi tìm cái bản tâm thiện lương đã bị đánh mất mà thôi. Mạnh Tử còn giảng: “Vô hằng sản nhi hữu hằng tâm giả, duy sĩ vi năng”, nghĩa là không có của cải để sinh sống bình thường mà có lòng thiện lâu bền thì chỉ có kẻ sĩ mới làm được vậy. Theo Mạnh Tử, người đọc sách truy cầu học vấn, không nhất định phải có sản nghiệp làm ăn lâu dài nhưng nhất định phải bền lòng theo đuổi học vấn đạo đức.

Tất nhiên dân chúng bình thường đương nhiên phải có của cải, nhà cửa ruộng vườn… Điều này chủ yếu là thông qua lao động mà có. Con người không thể sống mà không chịu làm việc gì cả, ngày qua ngày đều ăn không ngồi rồi. Một người nếu an dật suốt một thời gian dài thì tâm chí tự nhiên cũng bị mê lạc, thậm chí đánh mất. Khi ấy, cái tâm của họ giống như con ngựa hoang bị đứt dây cương, chạy loạn lung tung.

Thơ cổ có câu: “Tự cổ hùng tài đa ma nạn, tòng lai hoàn khố thiểu vĩ nam”, tức là từ xưa đến nay nam nhân hùng tài đại lược đều phải là người đã trải qua nhiều ma nạn rồi mới thành tựu, còn người sống trong nhung lụa, sung sướng, an nhàn, hưởng thụ thì ít khi trở thành người vĩ đại. Bởi vậy, bậc thánh hiền, người có chí khí thời xưa đều không nguyện ý sống nhàn hạ, đối với họ có thể làm việc, học tập mới là điều may mắn và hạnh phúc trong đời.

“Nhật dụng tất tu giản tỉnh”, việc chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày càng đơn giản càng tốt. Bởi vì, dục vọng của con người là vĩnh viễn không thể thỏa mãn. Một khi đã sa vào việc thỏa mãn dục vọng thì sẽ rất khó tự kiềm chế được mình.

Tục ngữ có câu “Thủ trung hữu lương, tâm trung bất hoảng”, ý nói trong tay mà có lương thực rồi thì trong tâm sẽ không lo lắng. Nếu mỗi ngày chúng ta chi tiêu đều có kiểm soát, tiết kiệm một chút, đơn giản một chút thì sẽ luôn có một khoản tiền để phòng bị cho những lúc khó khăn hoạn nạn. Khi trong tay đã có sự chuẩn bị thì khi gặp bất trắc, trong tâm sẽ không hoảng loạn.

Kỷ Hiểu Lam từng nói với Hoàng đế Càn Long rằng: “Thần cho rằng người giàu nhất thiên hạ là người cần kiệm, còn người nghèo nhất thiên hạ là người tham lam. Chỉ cần cần kiệm thì cho dù nhà có bốn bức tường không cũng sẽ dần dần mà giàu có. Còn nếu như đã tham mà lại thèm thì cho dù có gia tài bạc triệu rồi cũng sẽ tiêu xài sạch.”

Rất nhiều người hiểu biết thời xưa cho dù làm quan lớn, gia đình khá giả cũng nhất định uống trà thô, mặc quần áo vải bố. Đó là vì ăn mặc đơn sơ giản dị chẳng những không làm tổn hại đến nhân cách con người mà còn khiến họ dần dần thoát khỏi sự trói buộc của tâm chấp trước vào hưởng thụ. Khi cái tâm họ không bị vật chất thao túng khống chế thì tự nhiên sẽ an tĩnh và tự do.

Từ xưa đến nay, tiết kiệm giản dị còn là mỹ đức được người đời khen ngợi. Xã hội ngày nay, một số người dù kinh tế chưa đủ nhưng lại không chấp nhận cuộc sống giản dị, ăn mặc đơn giản, ăn uống đạm bạc, họ e sợ cái nhìn từ người khác, sợ bị chê cười. Dù phải vay mượn họ vẫn gồng mình để sống xa hoa. Trên thực tế, xét về mức sống hiện nay, hiếm khi chúng ta nhìn thấy mọi người mặc trang phục rách rưới chắp vá nhưng càng ngày người ta lại càng rách rưới trong tâm hồn. Người ta không muốn chân thành tán dương khen ngợi người khác khi thấy việc tốt, người ta miễn cưỡng hy sinh một chút cho người khác. Loại nội tâm “tiết kiệm” này mới thật đáng để suy ngẫm.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video:



Nguồn bài viết