Những điểm nhấn trong kỳ họp lưỡng hội Trung Quốc

Kỳ họp Nhân đại và Chính hiệp Trung Quốc cuối tuần này sẽ chú trọng vào nỗ lực phục hồi kinh tế và kiện toàn bộ máy nhà nước sau Đại hội 20.

Gần 5.000 đại biểu của các cơ quan lập pháp và cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu Trung Quốc sẽ tập trung tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh cuối tuần này, trong kỳ họp lưỡng hội kéo dài hơn 10 ngày nhằm thảo luận những vấn đề trọng đại của đất nước.

Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), hay còn gọi là Chính hiệp, sẽ khai mạc ngày 4/3. Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC), còn gọi là Nhân đại, diễn ra một ngày sau đó. Đây được coi là hai sự kiện chính trị trọng đại của Trung Quốc trong năm 2023.

Trong phiên khai mạc Nhân đại ngày 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ trình bày báo cáo công tác chính phủ, vạch ra các mục tiêu trong năm, trong đó có mục tiêu về GDP. Cuộc họp diễn ra vào thời điểm đầy thách thức với Trung Quốc, khi nước này năm ngoái ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng GDP 3%, mức thấp nhất kể từ những năm 1970 và thấp hơn nhiều mục tiêu 5,5% mà nước này đặt ra trước đó.

Các hoạt động kinh tế Trung Quốc đã đình trệ trong giai đoạn nước này áp các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt, như phong tỏa trung tâm tài chính Thượng Hải trong hai tháng mùa xuân năm ngoái.

Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên chạm mức 20%. Lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn khi chính phủ siết chặt chi tiêu. Trung Quốc năm ngoái cũng ghi nhận lần sụt giảm dân số đầu tiên trong nhiều thập kỷ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên bế mạc đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 ở Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 22/10/2022. Ảnh: AFP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên bế mạc đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 ở Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 22/10/2022. Ảnh: AFP.

Dựa trên số liệu kinh tế mà các địa phương đưa ra, giới quan sát nhận định chính phủ Trung Quốc có thể đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5-5.5% trog năm nay, với các chính sách có khả năng thúc đẩy tiêu dùng nội địa và đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

“Chính phủ có thể bắt đầu các động thái để tái phân bổ trách nhiệm tài chính giữa chính quyền trung ương và địa phương”, Đơn vị Tình báo Kinh tế thuộc Tập đoàn Economist nhận định trong một báo cáo nghiên cứu. “Nguồn thu từ bất động sản giảm, khiến chính quyền các địa phương có thể phải cắt giảm phúc lợi xã hội, chậm trả lương”.

Mối quan hệ ngày càng xấu đi với Mỹ cũng đã bóp nghẹt khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của Trung Quốc. Bắc Kinh dự kiến công bố các chính sách cụ thể hơn nhằm thu hút nhân tài trong và ngoài nước về khoa học, công nghệ.

Về mặt xã hội, kỳ họp lưỡng hội có thể là cơ hội để các đại biểu Trung Quốc thảo luận các quyết sách nhằm tăng tỷ lệ sinh, đối phó với nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, theo tiến sĩ Zhao Litao, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore.

“Nhiều người trẻ Trung Quốc giờ đây có quan điểm rằng họ có thể kết hôn nhưng có ít con hoặc không sinh con”, ông nói. Xu hướng này có thể làm trầm trọng hơn đà giảm dân số của Trung Quốc, gây ra tình trạng già hóa dân số với nhiều hệ lụy.

Tiến sĩ Zhao thêm rằng tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề được đề cập tới từ lâu, nhưng vấp nhiều phản đối trong dư luận Trung Quốc. Kỳ họp Nhân đại lần này có thể thúc đẩy thay đổi trong chính sách tuổi hưu, nhưng “đó có thể chỉ là điều chỉnh nhỏ, thay vì một thông báo mang tính bước ngoặt”.

Giới phân tích cũng nhận định kỳ họp lưỡng hội lần này cũng là dịp để Trung Quốc kiện toàn các vị trí cấp cao trong bộ máy nhà nước. China Daily hồi tháng 1 cho biết phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua dự thảo cải cách thể chế đảng và nhà nước Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 1/3 cho biết Ban Chấp hành Trung ương trong phiên họp toàn thể ngày 28/2 đã xác nhận danh sách các ứng viên cho một số vị trí trong chính phủ. Các chức danh cấp cao như thủ tướng, thống đốc ngân hàng trung ương và cơ quan tài chính dự kiến được công bố tại kỳ họp lần này. Thủ tướng Lý Khắc Cường, 67 tuổi, không tham gia Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc sau Đại hội 20.

“Ngoài các chức danh trong bộ máy nhà nước, một trong những vấn đề được quan tâm nhất từ kỳ họp lưỡng hội này là Trung Quốc sẽ thiết lập mục tiêu tăng trưởng ra sao, cũng như các chính sách liên quan”, Guan Tao, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nhận định. “Các đại biểu nhiều khả năng sẽ thể hiện quan điểm tích cực hơn trong năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế tăng tốc kể từ khi nới hạn chế trong chính sách chống dịch từ cuối 2022”.

Thanh Tâm (Theo Straits Times, al Jazeera)

Nguồn bài viết