Tòa Hình sự Quốc tế từng phát lệnh bắt nhiều chính trị gia cấp cao, trong đó ông Putin là nguyên thủ đương chức thứ hai bị áp biện pháp này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/3 bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt với cáo buộc “di chuyển bất hợp pháp” trẻ em Ukraine sang Nga. Tuy nhiên, ông không phải là chính trị gia duy nhất trở thành mục tiêu trong lệnh bắt của ICC, cơ quan có 123 thành viên nhưng không được nhiều nước lớn công nhận, trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ.
ICC được thành lập năm 2002 theo Quy chế Rome, nhằm buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm trước “tội ác với nhân loại”, từ đó giúp ngăn chặn loại tội phạm này trong tương lai. Trong hơn 20 năm qua, ICC đã đưa ra nhiều quyết định pháp lý chống lại các cá nhân bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và chống lại loài người.
Omar al-Bashir
Năm 2009, tổng thống Sudan Omar al-Bashir trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị ICC nhắm đến vì tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở khu vực phía tây Darfur.
Al-Bashir sinh năm 1944, lên nắm quyền sau cuộc đảo chính của quân đội Sudan năm 1989 và liên tục giữ ghế tổng thống đến năm 2019. Ông là người chỉ đạo quân đội Sudan tiến hành cuộc chiến chống lại phiến quân người dân tộc thiểu số ở Dafur.
Cuộc chiến nổ ra từ năm 2003, được cho là đã khiến 200.000-400.000 người thiệt mạng. ICC cáo buộc al-Bashir đã ra lệnh cho binh sĩ thực hiện các hành động giết người hàng loạt, cưỡng hiếp, cướp bóc dân thường ở Dafur.
Al-Bashir bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2019. Năm 2021, Sudan tuyên bố sẽ giao nộp ông cho ICC, song cam kết không được thực hiện. Bashir bị giam tại nhà tù Kober ở thủ đô Khartoum kể từ khi bị lật đổ.
Seif al-Islam Gaddafi
Seif al-Islam Gaddafi, sinh năm 1972, con trai cố lãnh đạo Libya Muammar al-Gaddafi, bị ICC phát lệnh bắt năm 2011 với cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người trong quá trình đàn áp lực lượng nổi dậy.
Khi Muammar al-Gaddafi nắm quyền, Seif al-Islam Gaddafi được coi là người có thế lực thứ hai ở Libya, đóng vai trò như thủ tướng và được coi là người kế nhiệm cha, nhưng không giữ vị trí chính thức nào.
Sau cuộc nội chiến Libya khiến Muammar al-Gaddafi bị lật đổ, Seif al-Islam Gaddafi bị nhóm dân quân Zintan bắt vào ngày 19/11/2011 và được đưa tới vùng lãnh thổ tự trị của họ. Do chính phủ Libya khi đó không biết Seif al-Islam Gaddafi bị giam ở địa điểm cụ thể nào, ông này vẫn bị coi là đang chạy trốn lệnh bắt của ICC.
Dân quân Zintan phóng thích ông này vào tháng 6/2017, dù lệnh bắt của ICC vẫn còn hiệu lực. Năm 2021, ông bất ngờ đăng ký tranh cử tổng thống nhưng bị ủy ban bầu cử quốc gia từ chối.
Laurent Gbagbo
Cựu tổng thống Bờ biển Ngà Laurent Gbagbo, 77 tuổi, là cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị ICC xét xử năm 2016.
Ông bị cáo buộc đẩy quốc gia Tây Phi lâm cảnh nội chiến khi từ chối công nhận đối thủ Alassane Ouattara đã thắng trong cuộc bầu cử năm 2010, buộc Liên Hợp Quốc phải can thiệp để ngăn khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.
ICC phát lệnh bắt ông Gbagbo năm 2011, sau khi khoảng 3.000 người Bờ biển Ngà thiệt mạng vì bạo lực trong giai đoạn tranh chấp quyền lực giữa Gbagbo và Ouattara.
Với sự hậu thuẫn của quân đội Pháp, lực lượng trung thành với Ouattara sau đó bắt được Gbagbo và chuyển ông này đến một trung tâm giam giữ ở Hague. Tuy nhiên, sau phiên tòa kéo dài ba năm, ông được tuyên bố trắng án và được trả tự do năm 2019.
Jean-Pierre Bemba
Jean-Pierre Bemba, sinh năm 1962, từng là phó tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo giai đoạn 2003-2006. Năm 2007, ông được bầu vào Thượng viện Congo.
Năm 2008, trong một chuyến thăm tới châu Âu, Bemba bị bắt theo lệnh của ICC, với cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh do quân nổi dậy dưới sự chỉ huy của ông gây ra ở Cộng hòa Trung Phi năm 2002-2003.
Trong 10 năm sau đó, Bemba ngồi tù tại The Hague, Hà Lan, gồm 8 năm chờ đợi xét xử và tuyên án, cùng 2 năm thụ án tính từ 2016. Năm 2018, Bemba kháng cáo và ICC đảo ngược phán quyết.
ICC cho rằng do Quy chế Rome không quy định thời gian tạm giam tối đa chờ xét xử, Bemba không được bồi thường. ICC kêu gọi các thành viên nhanh chóng xem xét lại các điều khoản trong quy chế, nhưng chưa hành động nào được thực hiện. Bemba trở lại Cộng hòa Dân chủ Congo năm 2018 và tiếp tục tham gia chính trị.
Uhuru Kenyatta
ICC từng hứng chịu thất bại lớn năm 2014, khi không thể truy tố thành công cựu tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, 61 tuổi, với cáo buộc liên quan tới bạo lực sắc tộc hậu bầu cử.
Kenyatta bị ICC truy tố sau khi Kenya trải qua làn sóng bạo lực khiến hơn 1.000 người chết sau cuộc bầu cử năm 2007. Ông Kenyatta sau đó tới The Hague, trở thành nguyên thủ quốc gia đương nhiệm đầu tiên xuất hiện tại ICC, song công tố viên buộc phải rút cáo buộc, cho rằng chính phủ Kenya đã “đe dọa, quấy rối” các nhân chứng.
Đức Trung (Theo AFP)