Luận Ngữ giảng rằng: “Nói năng ít sai trái, làm việc ít hối hận, thì phúc lộc tự nhiên nằm trong đó rồi”. Trong cuộc sống, người trầm tĩnh, im lặng có sức mạnh và chiều sâu hơn nhiều những ai “thao thao bất tuyệt”. Nhà văn Hemingway cũng nói: “Chúng ta mất hai năm để học nói, nhưng lại mất hơn 60 năm cuộc đời còn lại để học cách im lặng. Về sau này, khi càng nói nhiều, khoảng cách giữa con người lại càng xa cách hơn, mâu thuẫn cũng nhiều hơn.”
Im lặng rất nhiều khi có sức mạnh vô cùng lớn, sức mạnh ấy giống như có thể tụ hợp được hết thảy màu sắc của ánh sáng vậy. Từ xưa đến nay, rất ít người bởi vì trầm tĩnh mà phải hối hận nhưng lại có rất nhiều người bởi vì nói nhiều mà không thể bù đắp nổi sai lầm. Đó là bởi vì “lời ác” chưa nói ra thì sẽ chưa gây hại, chưa có tính sát thương. Bởi vậy im lặng chính là một cách mang đến sự bình an cho bản thân và cho người khác.
Người chân thành thì ít nói, nhưng lời nói của họ là xuất phát từ thiên tính, nên có sức cuốn hút riêng, mang đến sự tin tưởng cho người khác. Một nhà thơ nổi tiếng của Đức từng có câu danh ngôn rằng: “Sinh mệnh chẳng thể nở ra những đoá hoa tươi rực rỡ từ những lời dối trá.” Chỉ khi mỗi người đều có một trái tim thành thực, mới có thể thiện đãi cha mẹ, thiện đãi bạn bè, từ đó khiến xã hội trở nên hài hoà hơn. Những người nói như gió cuốn, nói mà không giữ lời, dẫu có thể lừa gạt người khác thậm chí nhất thời đắc ý, nhưng tuyệt đối chẳng thể bền lâu.
Trong cuộc sống, còn một kiểu người ít nói nữa là người “mưu sâu kế hiểm”. Nhưng thà rằng vì ít lời mà bị người khác chê trách còn hơn bị chê trách vì nhiều lời. Trượt chân còn có thể đứng dậy đi tiếp, chứ lời nói lỡ thì rất khó vãn hồi. Nói lời không phù hợp, không nên nói, thì không bằng im lặng.
Có một câu chuyện kể về nhà văn người Mỹ Mark Twain như thế này. Một lần Mark Twain tới nhà thờ, nghe bài thuyết giảng của mục sư. Ban đầu, ông rất cảm động trước bài diễn văn, còn dự định sẽ lấy một khoản tiền lớn để quyên tặng nhà thờ. Nhưng sau khá lâu, vị mục sư vẫn tiếp tục nói, còn Mark Twain đã bắt đầu nhàm chán, và quyết định giảm số tiền này xuống một nửa. Đến khi vị mục sư trên bục vẫn huyên thuyên không ngừng, Mark Twain cảm thấy không chịu nổi, ông quyết định sẽ không quyên tặng tiền nữa.
Rất nhiều lúc, trầm lặng là cảnh giới cao nhất của nói chuyện. Người diễn thuyết không đủ chiều sâu thường sẽ bù đắp bằng chiều dài. Người bình thường luôn mải nói ra điều mình biết, nhưng người trí tuệ lại luôn mải lắng nghe người khác nói. Bởi vậy, người có trí tuệ cao nhất cũng chính là người biết lắng nghe nhiều nhất, bởi nói nhiều không bằng biết nhiều. Cổ nhân có câu, việc chưa tới không nên nói nhiều, việc tới rồi không cần động thanh sắc, việc đã xong không cần khoa trương tài năng.
Triết gia Socrates từng giảng về đạo lý “ba cái sàng”. Socrates nói: “Khi bạn muốn nói với ai đó một chuyện, ít nhất hãy dùng ba cái sàng để lọc. Cái thứ nhất gọi là sàng chân thực, cái thứ hai là sàng thiện ý và cái thứ ba là hữu ích.” Ba cái sàng này chính là để xem điều chúng ta muốn nói có quan trọng hay không. Nếu điều ấy không chân thật, không thiện mỹ, lại cũng không hữu ích, thì quả là không cần phải nói đến. Trong cuộc sống này, nếu chịu khó dùng ba cái sàng của Socrates, có lẽ chúng ta sẽ quẳng đi được bao nhiêu gánh lo.
Đối với một sự việc, người mà có thể hiểu rõ nhất, biết nhiều nhất thông thường không phải người nói “thao thao bất tuyệt” mà là người không dễ để lộ lời nói và nét mặt. Bậc trí giả xưa nay thường không muốn để lộ tài năng của mình, họ hiểu nhiều mà nói ít, suy nghĩ kỹ lưỡng rồi mới nói. Đó cũng là đức tính khiêm cung, không phô trương bản thân mình.
Bảo trì sự trầm tĩnh, trầm mặc cũng là sách lược của người thông minh. Người xưa có câu, trí tuệ từ nghe mà có được, hối hận từ lời nói mà sinh ra. Người trí tuệ rất nhiều khi lấy im lặng để lên tiếng, lấy trầm mặc để nắm thế chủ động.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: