Mới đây, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành – Hội Da liễu Việt Nam tiếp nhận điều trị cho em N.P.T (15 tuổi, trú tại Hà Nội) bị biến chứng sau xăm môi.
T. theo chị gái đến xăm môi tại cơ sở thẩm mỹ ở Hoàng Mai, Hà Nội. Sau 2 ngày, môi bắt đầu có biểu hiện ngứa, sưng, đau nhức, xuất hiện nhiều mụn mủ, đóng vảy tiết dịch vàng… Tổn thương ngày càng nặng hơn, đỉnh điểm là những nốt mụn vỡ, chảy dịch, máu khiến T. đau nhức vô cùng. Gia đình vội đưa em đến gặp bác sĩ da liễu.
Sau khi thăm khám, bác sĩ Thành chẩn đoán bệnh nhân bị dị ứng mực xăm, nhiễm Herpes, bội nhiễm do xăm môi, nguy cơ bị sẹo vĩnh viễn. Khách hàng cần được chăm sóc vết thương ở môi hằng ngày, uống kháng sinh, kháng virus và bôi các thuốc dưỡng để giảm nguy cơ bị sẹo.
Bác sĩ Thành cho biết, việc xăm môi không phù hợp với trẻ em. Phun môi hay xăm môi cho trẻ có thể để lại nhiều hệ lụy, thậm chí có những tác hại mà bạn không thể lường trước được.
Ngoài ra, nguy cơ từ mực xăm kém chất lượng rất nhiều. Mực phun xăm có hai loại là mực hữu cơ (Organic) chiết xuất từ các sản phẩm thiên nhiên và mực vô cơ chứa các oxit kim loại để giữ màu như oxit sắt hoặc chì, hàm lượng oxit kim loại càng cao, mực càng độc. Khi cơ thể bị nhiễm lượng oxit kim loại nhỏ thì có thể tự đào thải nhưng nếu quá liều chì, thủy ngân có thể gây nhiễm độc gan, thận, đặc biệt là ở trẻ em.
Khi xăm ở những cơ sở không đảm bảo còn có nguy cơ dị ứng mực xăm, nhiễm trùng (sưng, tấy đỏ kéo dài, chảy máu), nhiễm virus (Herpes môi, HIV, viêm gan…) do không đầy đủ trang thiết bị, người thực hiện không có chuyên môn… dẫn đến các biến chứng sẹo lồi, sẹo quá phát, sẹo co kéo, làm biến dạng hình dáng của môi.
Bác sĩ Thành nhấn mạnh, trẻ em là đối tượng dễ xảy ra biến chứng, hậu quả thường nặng nề và lâu dài hơn. Trẻ dưới 18 tuổi không nên phẫu thuật thẩm mỹ, can thiệp thẩm mỹ chuyên sâu vì đang trong giai đoạn phát triển thể chất, những thay đổi của cơ thể sau đó có thể không phù hơp các thủ thuật thẩm mỹ đã làm.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)