Quảng BìnhCá trắm nuôi trên sông Son, chuyên ăn rong cỏ, lá sắn, sau 5 năm mới xuất bán, trở thành đặc sản ở vùng đất Phong Nha – Kẻ Bàng.
Sáng sớm, ông Nguyễn Văn Thứ, 58 tuổi, trú thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, đi bộ ra lồng cá giữa sông Son, cách nhà hơn 100 m, để chuẩn bị xuất bán cá trắm cho các nhà hàng. Hôm nay, ông chọn 10 con lớn nhất, từ 5 đến 7 kg mỗi con. Cá trên 7 kg bán 130.000 đồng/kg, nhẹ hơn 100.000 đồng/kg.
Sau khi giao hàng, ông Thứ và vợ chèo thuyền dọc sông Son vớt rong ở mực nước 0,7-1,5 m. Rong trên sông Son mọc tự nhiên, xuất hiện từ sau Tết cho đến đầu mùa lũ. Hai người mất hai tiếng để vớt đầy thuyền, đủ cho cá ăn trong ngày. Những tháng mưa lũ rong bị cuốn trôi, ông Thứ xin lá, củ sắn, cắt cỏ, chuối cho cá ăn.
Ông Thứ cho hay nghề nuôi cá trắm lồng giữa sông Son có từ 70 năm trước, riêng gia đình ông nuôi 25 năm. Trải qua nhiều thập kỷ, nghề có lúc thăng trầm, nhưng gần đây ngày càng thịnh vượng nhờ sự phát triển du lịch ở di sản thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng.
Nhà ông Thứ có hai lồng nuôi, kích thước 2,5x7x1,8 m mỗi lồng, thả 200 con gối vụ. Ban đầu lồng làm bằng tre, quây lưới xung quanh, bên ngoài có thùng phi nhựa để lồng nổi trên mặt nước. Sau nhiều năm lồng bị vỡ, thùng phi bể, ông Thứ cải tiến làm lồng bằng sắt, đặt thùng phi bên trong lồng. Kết thúc một vụ nuôi, các lồng được đưa lên bờ gia cố.
“Nuôi cá lồng trên sông nên mùa lũ về, chúng tôi phải thức trắng đêm canh nước. Nước lên chừng nào, kéo lồng vào bờ chừng đó để tránh bị lũ cuốn”, ông Thứ nói. Dù cẩn trọng, năm 2020 ông cũng bị thiệt hại một lồng nuôi. Gió mạnh làm lồng va đập, phi neo bị vỡ, lồng chìm xuống sông khiến cá trôi hết.
Sau ít nhất 5 năm nuôi, cá đạt cân nặng khoảng 5 kg mới xuất bán. Các hộ nuôi có thể kéo dài thời vụ thêm 1-2 năm, khi cá nặng trên 7 kg để bán giá cao hơn.
Ông Phan Thanh Luận, Phó chủ tịch thị trấn Phong Nha, cho hay địa phương có 390 hộ dân nuôi với 700 lồng cá. Hộ nhiều nhất nuôi 5 lồng. Hàng năm, làng nghề xuất bán hơn 100 tấn cá trắm. Thời gian nuôi lâu, giá bán vừa phải nên lợi nhuận người dân thu được cho một lồng nuôi suốt 5 năm không cao, khoảng 70 triệu đồng. Người dân xem đây là thu nhập thụ động, công việc lúc nhàn rỗi.
Sau năm 2003, khi Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành di sản thiên nhiên thế giới, cá trắm trở thành đặc sản của địa phương nên người dân nuôi nhiều hơn. Cá trắm có thể chế biến thành cháo, món xào, hấp, gỏi, nướng. Gần đây, thị trấn Phong Nha thành lập Hợp tác xã chả cá trắm, chế biến cá thành chả, đạt chất lượng sản phẩm OCOP bốn sao.
“Cá trắm nuôi tự nhiên, lâu năm nên thịt săn chắc, thơm, trở thành đặc sản để thết đãi khách du lịch. Tết Nguyên đán hàng năm, gia đình nào cũng có món cá trắm cúng ông bà và đãi khách”, ông Luận nói. Tất cả nhà hàng dùng cá trắm sông Son như món đặc sản, tạo thành thương hiệu du lịch cho địa phương.
Kỳ nghỉ lễ 30/4 trong bốn năm trở lại đây, thị trấn Phong Nha tổ chức lễ hội cá trắm, thi bắt cá nhanh, cá to đẹp, chế biến các món cá như một điểm nhấn, thu hút 3.000 lượt khách tham quan trong dịp này.