Netflix chiều ý Oda Eiichiro hết lòng
One Piece được coi là manga huyền thoại, là biểu tượng của ngành công nghiệp manga/anime và động thái thực hiện live-action của Netflix quả thực đã khiến công chúng lo ngại rất nhiều. Nhưng may mắn, Netflix đã đi đến một quyết định sáng suốt, nếu không đứa con của “gã khổng lồ trực tuyến” rất dễ trở thành thảm họa.
Trong một bài phỏng vấn gần đây, Oda Eiichiro – tác giả của One Piece đã chia sẻ như sau: “Trước đây, có nhiều bộ manga đã được chuyển thể thành live-action mà đều gặp thất bại. Khi hỏi khán giả Nhật, họ sẽ chẳng thể nói được bộ phim Mỹ nào chuyển thể từ manga có chất lượng tốt. Dự án này đứng trước nhiều thách thức bởi để khán giả chấp nhận, nhất là những fan ‘ruột’ của One Piece là một điều chẳng hề dễ dàng. Rất may, Netflix đã chủ động đề nghị họ sẵn sàng sửa lại mọi thứ cho đến khi tôi hài lòng. Tôi liên tục đọc kịch bản và bày tỏ ý kiến của mình cho đến khi mọi thứ đúng nhất với ý tôi”.
Bộ phim làm khổ bộ phận thiết kế
Thế giới trong One Piece thực sự rất rộng lớn bởi mỗi vùng đất mà băng Mũ Rơm đặt chân tới lại có một đặc điểm khác nhau, không hề có sự lẫn lộn hay tương đồng nào.
Nhà thiết kế sản xuất Richard Bridgland đã “kể khổ” với tờ Collider như sau: “Series gì mà hoành tráng dã man, một set quay được làm rất công phu. Cảm giác như đang làm cho 4 bộ phim điện ảnh vì cứ mỗi 2 tập là lại chuyển một cảnh hoàn toàn mới. Chúng tôi hầu như chẳng tái chế được một chút nào từ cảnh quay cũ, mỗi cảnh quay đều khác biệt”. Gần như toàn bộ phim đều quay bằng cảnh thật và địa điểm quay được chọn ở Nam Phi. Được biết, mỗi tập phim có kinh phí vài khoảng 17 triệu USD.
Nam chính quyết tâm sống trọn với vai diễn
Inaki Godoy – người thủ vai Luffy trong đã tự tạo cho mình một chuyến phiêu lưu ngoài đời thực ở vùng biển Caribe để chuẩn bị cho vai diễn. Để hoàn toàn đắm mình vào vai diễn, Inaki đã thực hiện chuyến hành trình dài trên biển, anh lên một con tàu đi vòng quanh vùng biển Caribe, một vùng biển thuộc Đại Tây Dương giáp Mexico và Trung Mỹ.
Tuy nhiên, đây không phải chuyến du lịch để giải trí vì thay vào đó, anh trở thành thành viên của thủy thủ đoàn trên tàu, làm những công việc của một thủy thủ. Chuyến đi này kéo dài 80 ngày.
Được biết Inaki Godoy cũng đã vượt qua hàng ngàn ứng viên để vào vai Luffy. Tác giả Oda Eiichiro đã bị thuyết phục bởi nụ cười đặc trưng của anh và khẳng định rằng: “Cậu ấy đúng là nhân vật mà tôi đã vẽ!”.
Emily Rudd “nghĩ kế” để giành vai Nami
Trong phim, Nami là một trong những thành viên đầu tham gia vào băng hải tặc Mũ Rơm. Dưới sự lãnh đạo của Luffy, cô đảm nhận vai trò hoa tiêu của thủy thủ đoàn và có kỹ năng vẽ, lập bản đồ, đọc được sắc thái của biển để đi đến Đại Hải Trình nguy hiểm.
Để nhận đươc vai này, Emily Rudd đã mất đến 3 năm “ủ mưu” để có thể chiến thắng tuyệt đối. Ngay khi nghe tin Netflix sắp sửa sản xuất One Piece bản người đóng, Rudd đã ngay lập tức đi nhuộm tóc đỏ, sau đó đăng tải một loạt video của cô thời trẻ, làm nhiều động tác mạo hiểm như nhào lộn lên Instagram. Nhờ vậy, cô đã được chú ý khi gợi nhớ Nami từ ngoại hình đến cá tính năng động, sau đó dễ dàng trúng tuyển.
Mackenyu Arata luyện cơ hàm để ngậm kiếm giống Zoro
Mackenyu Arata có ngoại hình đẹp như tạc tượng, nhưng anh không vin vào đó để thể hiện vai Zoro một cách đơn thuần mà cố gắng tập luyện thêm nhiều kỹ năng khác. Nam diễn viên chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Zoro là một nhân vật cực kỳ phức tạp và cần rất nhiều công sức. Từ việc đấu kiếm cho đến việc giữ vẻ ngoài kiêu ngạo, tất cả đều đòi hỏi rất nhiều sự tập trung.
Tôi có kinh nghiệm sử dụng hai thanh kiếm cùng một lúc và đã từng thực hiện các nhân vật sử dụng kiếm trước đây trong Rurouni Kenshin, nhưng khi nói đến ba thanh kiếm thì đó lại là một câu chuyện khác. Tôi phải luyện thêm cơ hàm để ngậm chắc thanh kiếm. Có một cảnh chiến đấu mang tính biểu tượng giữa Zoro và Mihawk. Tôi không thể tiết lộ quá nhiều nhưng trời lạnh và ẩm ướt khi chúng tôi quay cảnh đó nên đó là một cảnh khó khăn đối với tôi”.
Dàn diễn viên tự mình thực hiện cảnh hành động
Để mang đến những cảnh chiến đấu chân thực, các diễn viên đã luyện tập chăm chỉ cho vai diễn, tự thực hiện hầu hết phân đoạn hành động. Hóa thân thành Luffy, Iñaki Godoy phải tham gia nhiều buổi tập huấn, tự gọi bản thân là “thần đóng thế”. Điều phối viên đóng thế Franz Spilhaus cho biết ê-kíp cố gắng truyền tải sự vui nhộn, linh hoạt trong phong cách chiến đấu của nhân vật Luffy. Anh dành nhiều lời khen cho Godoy: “Cậu ấy xử lý vấn đề như cá gặp nước, thậm chí đứa trẻ này có thể bay”.
Trong vai Sanji, Taz Skylar đã tập luyện 8-10 tiếng mỗi ngày gồm Taekwondo, võ thuật tự do với chuyên gia, học nấu ăn từ đầu bếp chuyên nghiệp. Emily Rudd học karate từ nhỏ, bởi vậy êkíp tạo ra nhiều pha mạo hiểm hơn khi diễn viên vào vai Nami. Đóng Usopp, Romero đã học cách sử dụng súng cao su.
Tham vọng lên tới 12 mùa
Trong một bài phỏng vấn cùng tờ Deadline, phía nhà sản xuất của One Piece live-action cho biết series live-action của phim có thể kéo dài tới 12 mùa vì có rất nhiều chất liệu để khai thác. Cụ thể, Becky Clements – Chủ tịch của hãng phim Tomorrow Studios cho biết hiện nay có khoảng 1080 chương truyện, nếu live-action chỉ có 6 mùa thì chỉ truyền tải được 1 nửa so với manga. Trong khi đó, Marty Adelstein – Giám đốc điều hành của studio chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng phim sẽ có 12 mùa, quá nhiều chất liệu để triển khai tiếp”.
Tuy vậy, có vẻ điều này sẽ khó xảy ra, do tuổi tác của diễn viên khi có những gương mặt như Emily Rudd năm nay đã 30 tuổi. Thêm vào đó, quá trình sản xuất ít nhất phải kéo dài 2 năm/1 mùa.
One Piece kể câu chuyện về Monkey D. Luffy, một cướp biển trẻ theo đuổi ước mơ trở thành Vua hải tặc. Để hiện thực hóa ước mơ, cậu đã tập hợp một thủy thủ đoàn gồm những người đặc biệt và ra khơi để tìm kiếm kho báu “One Piece” đáng thèm muốn, một kho báu huyền thoại sẽ mang lại vị trí Vua Hải tặc. Theo Netflix Tudum, trong tuần đầu tiên công chiếu, One Piece đã thu về con số đáng kinh ngạc là 18,5 triệu lượt xem, đứng đầu bảng xếp hạng truyền hình trực tuyến, vượt xa lượng người xem của các tựa phim khác. Đây là một thành tựu đột phá, vì các bộ phim live-action chuyển thể từ anime của Netflix trong lịch sử đều thất bại về mặt phê bình và thương mại, với những ví dụ đáng chú ý là việc Death Note năm 2017 nhận chỉ trích và Cowboy Bebop bị hủy bỏ chỉ sau một thời gian ngắn |