Sáng 4/1, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng VHNT năm 2023.
Dự lễ trao giải có: đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ Trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Về phía Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam…
Trong 69 tác phẩm được trao giải, cuốn sách chuyên khảo Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình của PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam là một trong những tác phẩm đã vinh dự nhận về Giải A – Giải thưởng cho tác phẩm xuất sắc của các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú (thứ 3 từ trái qua) được trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2023 |
Cuốn sách dài 640 trang, được ấp ủ và thực hiện trong 6 năm, tích lũy kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm của PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú ở nhiều lĩnh vực mỹ thuật, truyền hình, điện ảnh cùng nhiều nguồn khác. Cuốn sách có 6 chương, trong đó chương đầu tiên nói về sự ra đời – phát triển của truyền hình, phim truyền hình và làm rõ các khái niệm; chương hai là nhận diện các đặc trưng của phim truyền hình, vị thế của phim truyền hình trong truyền thông; chương ba là về hành trình sáng tác một kịch bản phim truyện truyền hình trong đó đề cập các kinh nghiệm làm việc với đạo diễn, nhà văn; chương 4 về nghệ thuật của lời thoại trong kịch bản phim truyện truyền hình. Từ chương 5, cuốn sách mang đến các bài tập ứng dụng và chương 6 tập trung vào giải đáp nhiều thắc mắc thường gặp của học viên trong suốt quá trình giảng dạy của PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú.
Theo NBK Trịnh Thị Thanh Nhã từng đánh giá, nghề biên kịch truyền hình Việt Nam đang phát triển một cách rất tự nhiên mà chưa được khái quát, lý luận, tổng kết lại, vì vậy cuốn sách là một sự động viên rất lớn bởi đây được coi như cuốn chuyên khảo đầu tiên tại Việt Nam về nghề truyền hình và làm phim truyền hình, đặc biệt ở góc độ viết kịch bản.