Phim Việt muốn vươn tầm quốc tế: Cần ‘đậm đà’ yếu tố bản địa?

Miu Lê tái xuất bí hiểm trong ‘Chiếm đoạt’ – Phim Việt đầu tiên được đài KBS Hàn Quốc đầu tư
‘Mặt trời mùa đông’: Địa điểm cầu hôn chưa từng thấy trong phim Việt, Trình Mỹ Duyên đẹp đôi bên Steven Nguyễn

Tại sao yếu tố bản địa lại quan trọng trong công nghiệp điện ảnh?

Nhắc đến Trung Quốc và Hàn Quốc – chúng ta đều nghĩ đến hai nền điện ảnh lớn bậc nhất châu Á. Tuy vậy ở khía cạnh nào đó, tiềm lực của Trung Quốc vẫn “nhỉnh” hơn bởi họ từng làm ra những bộ phim có doanh thu ngang tầm với phim Hollywood. Tuy nhiên, tại sao Hàn Quốc vẫn luôn được gọi là “Hollywood phương Đông” mà không phải Trung Quốc?

Trả lời về điều này, ông Park Ki Young – Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) đã từng chia sẻ như sau: “Khoảng 20 năm trước, trong giai đoạn mới phát triển điện ảnh, chúng tôi hết sức băn khoăn, không biết làm thế nào để có những phim hay như Hollywood, nhưng dù có cố gắng ra sao chúng tôi cũng khó thể theo kịp họ. Chi phí làm phim Mỹ gấp Hàn Quốc từ 10 – 100 lần nên kể cả có cố gắng ‘bắt chước’, cũng là bất khả thi. Chính vì vậy, chúng tôi nhấn mạnh vào nét đặc trưng của nước mình. Trên thực tế, những bộ phim như Ký sinh trùng không hề mang tính toàn cầu mà chủ yếu là những hình ảnh, câu thoại mà chưa chắc người nước ngoài đã hiểu. Thế nhưng bộ phim lại đạt được những thành tựu rất đáng mong đợi. Chúng tôi mới nhận ra có lẽ không quá phải ‘toàn cầu hóa’, hay có bất kỳ sự bắt chước hay gồng mình nào. Khi làm nghệ thuật, nên chú trọng vào tính độc đáo. Để phát triển những nền điện ảnh như Việt Nam, hãy tìm lấy thứ mà chỉ có Việt Nam mới sở hữu, đề từ đó lan tỏa ra thế giới”.

Phim Việt muốn vươn tầm quốc tế: Cần ‘đậm đà’ yếu tố bản địa?
Ký sinh trùng thành công nhờ yếu tố bản địa và không “sính ngoại”

Khi mà Việt Nam còn đang băn khoăn với điều này, thì các nền điện ảnh khu vực Đông Nam Á như Thái Lan đã làm được đáng kể. Mới đây thôi, Tà chú cấm – bộ phim kinh dị đến từ Thái Lan khi đem trình chiếu ở Việt Nam, đã ngay lập tức bán được 30 ngàn vé trong 2 ngày. Điều đáng nói là Tà chú cấm còn ra mắt trong thời điểm nhiều bom tấn Hollywood đang đổ bộ, nhưng phim vẫn gặt hái được thành công cho riêng mình. Cách đây một thời gian khá lâu, từng có một phim khác đậm đà màu sắc dân gian của Thái Lan đó là Tình người duyên ma (2013), đem lại thành công vang dội trong và ngoài nước với doanh thu lên tới hơn 1 tỷ Bath (36,5 triệu USD). Nhìn vào thành tựu của điện ảnh Thái Lan, hầu như các phim đem lại doanh thu cao trong nước và quốc tế đều mang yếu tố bản địa đậm nét.

Tình người duyên ma mang đậm chất dân gian Thái Lan

Thế nên, điện ảnh Việt cần có cái nhìn sâu sắc hơn về điều này, từ đó đưa ra các giải pháp làm sao để phim Việt có sự đón nhận nhiều hơn trên trường quốc tế.

Cần có nhìn nhận khác về yếu tố bản địa

Chúng ta thường hiểu yếu tố bản địa trong phim chính là văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh, ẩm thực, trang phục… nhưng nếu một bộ phim chỉ khai thác những thứ đó một cách đơn thuần, chắc chắn sẽ không khác nào những thước phim quảng cáo về du lịch mà không phải tinh thần điện ảnh.

A Tourist’s Guide To Love – bộ phim của Netflix quay tại Việt Nam là một ví dụ điển hình. Tuy phim giới thiệu nhiều cảnh đẹp Việt Nam, nhưng lại bị giới chuyên môn đánh giá thấp bởi thiếu đi chiều sâu và ấn tượng trong cách thể hiện câu chuyện.

A Tourist’s Guide To Love có bối cảnh đẹp nhưng vô hồn về xúc cảm

Hoặc phim Mùi đu đủ xanh (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng, là phim nói tiếng Việt tranh tài tại Oscar ở hạng Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Từ đó cho đến nay, chưa một phim điện ảnh nói tiếng Việt nào khác làm được điều này. Sở dĩ Mùi đu đủ xanh có được thành tích này, vì đã truyền tải một cách tinh tế tinh thần đời sống, phẩm chất, tính cách của con người Việt Nam, nhất là hình ảnh phụ nữ ở thời điểm, giai đoạn đó.

Cây đu đủ xanh trong phim mọc ở góc vườn, dường như là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa khiêm tốn, bị đủ thứ gò bó, chỉ quanh quẩn trong xó bếp. Tại sao lại là “đu đủ xanh” mà không phải “đu đủ chín”, bởi đu đủ xanh có vị vừa phải, tượng trưng cho sự tinh tế, khiêm nhường của người con gái Việt. Chưa kể, Trần Anh Hùng cũng mô tả về tình dục trong phim vừa tế nhị nhưng lại có sức gợi cảm rất lớn, đậm tính văn học. Như khi nữ nhân vật chính đến tuổi dậy thì có sự khát khao về tình dục, thay vì phô bày thẳng thừng, Trần Anh Hùng lại cho nhân vật bổ đôi quả đu đủ xanh, khám phá bên trong nó có những gì – đây là cách thể hiện được giới chuyên môn Việt Nam vô cùng ấn tượng lúc bấy giờ.

Mùi đu đủ xanh có cách thể hiện tinh tế về người phụ nữ

Điều đáng nói là, Trần Anh Hùng có cuộc đời trưởng thành tại Pháp và định cư tại đó suốt một thời gian dài, nhưng sự nghiệp của anh hầu hết làm ra những bộ phim đậm đà tính Việt. Và mới đây thôi, Trần Anh Hùng cũng đã được vinh danh tại LHP Cannes với giải Đạo diễn xuất sắc nhất qua bộ phim The Pot au Feu. Trả lời phỏng vấn, Trần Anh Hùng cho biết sở dĩ anh lấy cái tên này vì nó có cách phát âm gần giống món “Phở” của Việt Nam.

Tất nhiên đó chỉ là ví dụ về một khía cạnh. Bản sắc văn hóa nên được thể hiện theo nhiều cách khác nhau, thay vì gò bó vào những khuôn khổ thông thường, chúng ta nên xem xét và để cho các nhà làm phim thoải mái thể hiện theo tư duy mình muốn, miễn không trái với thuần phong mỹ tục hay có tư tưởng lệch lạc về văn hóa xã hội. Trong các cuộc thi sáng tác kịch bản hiện nay do Cục Điện ảnh tổ chức, vẫn thấy có những tiêu chí như: mang nội dung tư tưởng sâu sắc, truyền tải được những thông điệp mang tính lịch sử, thời đại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhân văn, hướng thiện… nhưng chưa cho người tham gia cảm thấy được khuyến khích bởi những cách thể hiện mới mẻ.

Thay đổi hoặc quá muộn!

Tro tàn rực rỡ – bộ phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được nhận xét đậm đà yếu tố bản địa, có tiếng vang ở quốc tế. Với bối cảnh ở miền Tây, Bùi Thạc Chuyên đã dùng hình ảnh sông nước để mô tả phận đời trôi nổi của người phụ nữ, cũng như vô vàn hình ảnh ẩn dụ độc đáo về tâm lý và tính cách của người Việt.

Tuy nhiên, để Tro tàn rực rỡ ra mắt được khán giả, đó là cả một hành trình dài xin tài trợ từ các quỹ quốc tế. Tương tự với câu chuyện của Tro tàn rực rỡ chính là Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm (lọt vào top 15 của Oscar 2023) mà TGĐA đã đề cập rất nhiều ở các bài viết trước.

Phim Tro tàn rực rỡ

Thay đổi hoặc quá muộn, đó là điều mà người viết muốn nhấn mạnh, bởi trong khi các nước bạn đang hướng tới việc lan tỏa văn hóa bản địa ra ngoài khu vực, chúng ta vẫn còn loay hoay bỏ tiền ra làm phim nhưng chưa có định hướng cụ thể và lâu dài. Cách tốt nhất ở đây, có chăng nên tập trung nhìn nhận lại việc định hướng và khuyến khích cho giới làm phim những cách thể hiện nâng tầm sự sáng tạo. Mà yếu tố này sẽ phụ thuộc vào rất nhiều khía cạnh khác như: kiểm duyệt, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ (như trường hợp của Mùi đu đủ xanh, buộc phải quay ở Pháp vì thủ tục giấy tờ phức tạp hồi đó) hay đổi mới phương pháp đào tạo gắn với thực tiễn hiện nay…

Exit mobile version