Quan điểm “đã mắc ung thư phổi là nhận bản án tử”: Đúng hay sai?



Nhiều người đặt câu hỏi: Quan điểm ung thư phổi là bệnh có tiên lượng không tốt, điều trị không khả quan là đúng hay sai?


Nguyên nhân do đâu mà ung thư phổi là bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh ung thư thường gặp, đã mắc ung thư phổi là nhận “bán tử”, điều này đúng hay sai?

Theo TS.BS Đỗ Hùng Kiên- Trưởng khoa Nội đầu cổ, phổi – Bệnh viện K Trung ương, ung thư phổi thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, do tạng phổi của chúng ta có sự bù trừ và lại ở sâu, hai là triệu chứng của bệnh thường lẫn với các bệnh khác như viêm phổi hay các bệnh đường hô hấp khác, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 cũng có các triệu chứng trùng nhau, vì thế người bệnh thường đến khám ở giai đoạn muộn.


(Ảnh minh họa).

Hơn nữa, tình trạng bệnh cũng phụ thuộc rất nhiều vào việc chẩn đoán đúng, chẩn đoán sớm, phụ thuộc vào năng lực chẩn đoán của bác sĩ… Ở các giai đoạn bệnh khác nhau, khả năng điều trị cũng sẽ khác nhau.

Đối với nhiều người, việc phát hiện ung thư phổi khiến tâm lý suy sụp và nghĩ rằng “án tử” đang tới rất gần.

Theo bác sĩ, thực tế không phải như vậy, đối với ung thư phổi giai đoạn sớm, tỉ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn IA, IB, IIA, IIB lần lượt là 85%, 72%, 65% và 56%.

Ngay cả đối với bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn IV, với những tiến bộ gần đây, có nhiều bệnh nhân vẫn đạt được sống thêm lâu dài và có chất lượng cuộc sống tốt, ít độc tính mắc phải do điều trị. 

Như vậy, ung thư phổi không phải là “bản án tử” dành cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cũng không nên có thái độ bất cần, coi thường bệnh ung thư; bởi lẽ càng phát hiện sớm, điều trị sớm càng giúp tăng hiệu quả của điều trị.

Ung thư phổi có hai loại chính: Ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm khoảng 10%; Ung thư phổi không tế bào nhỏ, chiếm khoảng 90%.

Ở giai đoạn đầu, hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác, dẫn đến việc điều trị không đúng phương pháp. Cho tới khi một số triệu chứng bộc lộ rõ rệt như ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực… thì phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Phát hiện sớm ung thư phổi sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa. Vì vậy việc phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư phổi luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được phẫu thuật để kéo dài sự sống, tỉ lệ sống trên 5 năm xấp xỉ 44,5%.

Với người bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối tiên lượng sẽ kém hơn nhiều. Hiện nay tại Việt Nam bệnh ung thư phổi đang được điều trị theo các phương pháp hiện đại và hiệu quả như phương pháp phẫu thuật, hóa xạ trị, phương pháp nhắm trúng đích. Tùy vào giai đoạn của bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Để phòng tránh ung thư phổi, các chuyên gia khuyến cáo, cách tốt nhất là ăn uống điều độ và ăn đủ loại thực phẩm vì mỗi loại thức ăn có những yếu tố dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho cơ thể. Ngưng hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi rất nhiều.

Ngoài ra, mọi người cần thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư chuyên sâu ít nhất mỗi năm một lần. Có nhiều trường hợp đến viện khám sức khỏe được các bác sĩ giúp phát hiện bệnh kịp thời nên đã có thể kéo dài sự sống…

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/quan-iem-a-mac-ung-thu-phoi-la-nhan-ban-an-tu-ung-hay-sai-a601258.htm…Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/quan-iem-a-mac-ung-thu-phoi-la-nhan-ban-an-tu-ung-hay-sai-a601258.html

Cùng lắng nghe Ths.BS CKII Vũ Xuân Huy, Phó Trưởng Khoa Xạ tổng hợp Tân Triều, Bệnh viện K giải đáp mắc tại sao không hút thuốc lá vẫn có thể mắc ung thư phổi.


Theo DIỆU THU (Người đưa tin)

Nguồn bài viết

Exit mobile version