(Review) ‘Địa đàng sụp đổ’: Khi con người dẫm đạp nhau vì ‘ngày tận thế’

‘Địa đàng sụp đổ’: Seoul trở thành cứ địa cuối cùng của Hàn Quốc trong bom tấn về thảm họa địa chấn
Top 8 phim điện ảnh hài Hàn Quốc: Điểm chung ‘Bỗng dưng trúng số’ và ‘Cảnh sát tập sự’ của Park Seo Joon

Địa đàng sụp đổ (2023)

(Review) 'Địa đàng sụp đổ': Khi con người dẫm đạp nhau vì ‘ngày tận thế’

Đạo diễn: Um Tae Hwa

Diễn viên:

Lee Byung Hun

Park Seo Joo

ark Bo Young

TGĐA chấm điểm: 8/10

Sau đống đổ nát

Nói về đề tài tận thế, rất nhiều phim Hollywood đã làm “chán chê” nên nếu cứ mãi trưng ra những cảnh kỹ xảo để làm rõ yếu tố sụp đổ, chắc chắc sẽ chẳng còn mấy thú vị. Ở Địa đàng sụp đổ, chúng ta cũng được chứng kiến góc máy rộng mô tả các tòa nhà vỡ nát, mặt đất rung chuyển, trồi lên những con sóng khổng lồ cuốn lấy vạn vật. Nhưng đó không phải là những gì mà đạo diễn Um Tae Hwa muốn hướng tới, mà chính là những góc khuất trong xã hội, cuộc đấu tranh để sống sót của con người trong một môi trường có đầy những sự thù địch, ai cũng muốn bộc lộ phần “con” bên trong mình ở hậu tận thế.

Phim mô tả tình cảnh và tâm lý con người sau hậu tận thể

Bộ phim kể về một nhóm người sống sót tập trung tại một tòa nhà chung cư ở Seoul, công trình kiến trúc duy nhất còn sót lại sau khi thành phố bị phá hủy bởi một trận động đất thảm khốc. Cư dân chung cư được dẫn dắt bởi Young Tak (Lee Byung Hun), người lãnh đạo quyết tâm làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ tài sản của họ khỏi người ngoài.

Trong số họ còn có Min Sung (Park Seo Joon), một công chức và người vợ y tá Myeong Hwa (Park Bo Young), từ những con người hiền lành nhưng phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt và duy trì mối quan hệ gia đình của họ. Thời gian trôi qua, khi chung cư trở nên quá đông đúc và tài nguyên trở nên khan hiếm, đã dẫn đến xung đột và căng thẳng giữa cư dân và những người mới đến.

Park Seo Joon

Không khí phim thấm đẫm màu căng thẳng với sắc tối bao trùm tòa nhà chung cư, rất ít ánh sáng trong trẻo được đạo diễn sử dụng, dường như với mục đích thể hiện sự chật hẹp, tù túng không chỉ về không gian sống mà trong cõi lòng của bất cứ nhân vật nào. Chính vì ngột ngạt như vậy, người xem không khỏi lo lắng và hồi hộp sẽ có diễn biến nào xảy ra khi con người đạt đến cùng cực của sự chịu đựng ở một nơi không có chính phủ hay tổ chức nào quản lý. Giới phê bình Hàn Quốc nhận xét, Địa đàng sụp đổ giống như The Walking Dead phiên bản không có thây ma.

Không khí phim bao trùm sự ngột ngạt

Phần “con” được làm rõ nét

Từ thuở hồng hoang đến giờ, loài người đã phải đối mặt với biết bao thảm họa, biết bao cuộc chiến nhưng chưa bao giờ bị tận diệt. Lý do cho điều này là gì? Nếu đã từng xem tác phẩm của Matrix (Ma trận) của chị em đạo diễn nhà Wachowski, chắc hẳn bạn sẽ hiểu được sự nghiệt ngã mà các nhà làm phim muốn truyền tải, đó là để thế giới bước tới một nền văn minh tiến tiến thì chiến tranh là chất xúc tác thiết yếu, lúc đó con người mới có động lực để sinh tồn, đấu tranh và tìm mọi cách để thay đổi.

Địa đàng sụp đổ nói về việc thế giới được vận hành lại ra sao sau tận thế, chỉ có điều cũng theo một cách khắc nghiệt và đau đớn. Bộ phim xem xét những ưu điểm và nhược điểm của việc xây dựng trật tự xã hội trong môi trường hỗn loạn, chẳng hạn như mang lại sự ổn định, an ninh, hợp tác và gắn kết nhưng cũng gây ra xung đột, áp bức, bất bình đẳng và tham nhũng.

Đơn cử như nhân vật Young Tak của Lee Byung Hun, anh ta là người lãnh đạo được cư dân tòa nhà tín nhiệm nhưng để cộng đồng này được tồn tại, Young Tak đã phải chấp nhận việc chà đạp và mang đến nỗi đau cho người khác. Diễn xuất của nam tài tử hàng đầu xứ Hàn đã làm dấy lên hiện thân của sự phức tạp trong bản chất con người với một kết cấu đầy cảm hứng.

Một trong những cảnh phim ấn tượng và gây nên nhiều suy ngẫm nhất, chắc chắn là khi Young Tak và các cư dân của mình phải đối mặt với một nhóm người bị bỏ rơi bên ngoài, họ đặt ra một câu hỏi đến khó tin: “Có phải những người đó đã ăn thịt người để sống?”. Nhưng người bên trong cũng đâu có khác là bao, chỉ là thứ mà họ “ăn thịt” ở đây chính là lòng tin, lương tâm và nhân tính của mình để tồn tại, bởi những ai không thuộc khu chung cư sẽ bị đuổi đi nơi khác, mặc cho có thể bỏ mạng vì rét buốt và đói. Ranh giới giữa “dân chủ” và “phát xít” được mô tả rất mỏng manh trong phim.

Lee Byung Hun có màn thể hiện tuyệt vời

Tên của tòa chung cư là Hwang Goong – đây cũng một sự mỉa mai của đạo diễn, bởi Hwang Goong có nghĩa là “Hoàng Cung” – nơi thường xuyên diễn ra những cuộc tranh giành quyền lực để đạt tới địa vị cao nhất, dĩ nhiên đi kèm với nó là những âm mưu, toan tính, sẵn sàng để bàn tay nhuốm máu.

Nhưng đó không phải là thông điệp duy nhất mà bộ phim muốn hướng tới. Bởi cuộc sống hiện đại ngày nay dường như đã khiến đa số người trở nên “lười nhác”, không chịu tư duy, thì những nhân vật trong Địa đàng sụp đổ phải học cách sử dụng thuần thục các kỹ năng, kiến thức và nguồn lực của họ để đảm bảo các nhu cầu cơ bản như thức ăn, nước uống, chỗ ở và sưởi ấm. Nhờ vậy, Địa đàng sụp đổ gây được ấn tượng mạnh mẽ khi kết hợp khéo léo các yếu tố hài đen và tâm lý kinh dị, mô tả tâm trạng con người khi phải đối mặt với những tình huống khó thể tưởng tượng nổi. Tuy nhiên thay vì khiến người xem mỏi mệt vì sự tàn khốc của hậu tận thế, về cuối bộ phim vẫn cố gắng đưa thông điệp rằng chúng ta chỉ có thể tồn tại khi sống cùng nhau.

Diễn xuất đồng đều cũng là một điểm cộng. Ngoài sự “điên rồ” của Lee Byung Hun, Park Seo Joon và Park Bo Young đều có những cảnh quay đậm xúc cảm và nội lực, thoát khỏi cái mác là diễn viên phim truyền hình, chịu khó thay đổi biểu cảm giữa những cú twist. Mới đầu khi biết bộ phim đã mời được Lee Byung Hun, cả Park Seo Joon lẫn Park Bo Young đều tỏ ra háo hức và nôn nóng được tham gia phim vì thán phục tài diễn xuất của ngôi sao kỳ cựu.

Địa đàng sụp đổ đã cán mốc 3 triệu vé vào cuối tháng 8 và nhiều chuyên gia dự đoán, rất có thể phim sẽ đạt được thành tích 10 triệu vé và trở thành một trong những phim Hàn ăn khách nhất mọi thời đại. Phim được trình chiếu tại Việt Nam trong dịp Lễ 2/9.
Exit mobile version