Trường hợp tử vong đáng tiếc là bé trai (5 tuổi, Hải Dương) là một ví dụ. Chỉ vì một chút sơ ý để trẻ ở ngoài tầm mắt của người lớn, trẻ gặp tai nạn đuối nước tại bể bơi resort.
Khi được vớt lên, trẻ đã trong tình trạng tím tái, không thở. Tuy nhiên, thay vì được thổi ngạt và ép tim ngay, trẻ được vác dốc ngược chạy quanh trong vài phút rồi trẻ mới được sơ cấp cứu.
Thời gian trẻ có tim trở lại từ lúc được cấp cứu đến khi vào cơ sở y tế ban đầu khoảng 30 phút, sau đó trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Khi vào đến khoa Điều trị tích cực Nội khoa, trẻ trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, đồng tử giãn.
Rất tiếc, trẻ đã tử vong sau một ngày vào viện dù đã được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực. Nguyên nhân tử vong là do tình trạng tổn thương não không hồi phục, suy đa cơ quan do tình trạng thiếu oxy kéo dài.
Theo bác sĩ, việc sơ cấp cứu ban đầu đúng cách sẽ là cơ hội sống cho trẻ đuối nước. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh.
Vì thế, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ.
Sơ cấp cứu ban đầu đúng cách – cơ hội sống cho trẻ đuối nước. |
PN (SHTT)