Sự thật gây sốc đằng sau chiếc váy 100 nghìn đồng bạn mua trên mạng mỗi ngày

Những chiếc váy “trendy” giá rẻ khiến nhiều người mê mẩn, nhưng liệu có ai biết cái giá thực sự đằng sau món đồ thời trang này?

Bên trong công xưởng thời trang nhanh

Tiếng máy may rì rầm không ngừng vang lên tại một số khu vực ở Quảng Châu, thành phố cảng sầm uất bên dòng Châu Giang, miền nam Trung Quốc. Âm thanh này vang qua các khung cửa sổ mở của những nhà máy từ sáng sớm đến tận đêm khuya, khi công nhân hoàn thiện những chiếc áo thun, áo sơ mi, quần dài và đồ bơi – các sản phẩm sẽ được xuất khẩu đến hơn 150 quốc gia trên thế giới.

Đây chính là âm thanh đặc trưng của Phiên Ngung (Quảng Châu), khu vực được mệnh danh là “ngôi làng Shein” – một mạng lưới nhà máy dày đặc, cung ứng cho hãng thời trang nhanh lớn nhất thế giới. “Nếu 1 tháng có 31 ngày, tôi sẽ làm đủ 31 ngày”, một công nhân chia sẻ với phóng viên BBC. Hầu hết công nhân cho biết họ chỉ được nghỉ 1 ngày mỗi tháng.

Trong những ngày tác nghiệp tại đây, nhóm phóng viên BBC đã ghé thăm 10 nhà máy, phỏng vấn 4 chủ cơ sở và hơn 20 công nhân, đồng thời tìm hiểu thực tế tại các khu chợ lao động và nhà cung cấp vải. BBC phát hiện rằng trung tâm vận hành của đế chế này chính là lực lượng công nhân làm việc tới khoảng 75 giờ mỗi tuần, vượt xa quy định của luật lao động Trung Quốc.

Khối lượng công việc này không phải là điều xa lạ ở Quảng Châu – một trung tâm công nghiệp thu hút lao động từ khắp các vùng nông thôn với mong muốn có thu nhập cao hơn. Tình trạng này cũng phổ biến trên khắp Trung Quốc, nơi được xem là “công xưởng của thế giới” trong nhiều thập kỷ.

Song, những phát hiện này đang làm dấy lên thêm nhiều nghi vấn về Shein – một công ty Trung Quốc ít được biết đến nhưng đã nhanh chóng vươn mình thành “gã khổng lồ” toàn cầu chỉ trong hơn 5 năm.

Sự thật gây sốc đằng sau chiếc váy 100 nghìn đồng bạn mua trên mạng mỗi ngày

Tuy nhiên, sự phát triển thần tốc của Shein cũng kéo theo nhiều tranh cãi về điều kiện làm việc của công nhân và những cáo buộc liên quan đến việc bóc lột lao động. Năm ngoái, công ty thừa nhận từng phát hiện có trẻ em tham gia lao động tại một số nhà máy ở Trung Quốc.

Dù từ chối trả lời phỏng vấn trực tiếp, công ty đã gửi thông cáo cho BBC khẳng định: “Shein cam kết đảm bảo tất cả công nhân trong chuỗi cung ứng được đối xử công bằng và tôn trọng” và cho biết đang đầu tư hàng chục triệu USD nhằm tăng cường quản lý và tuân thủ quy định.

Công ty bổ sung: “Chúng tôi luôn hướng đến các tiêu chuẩn cao nhất về lương thưởng và yêu cầu tất cả các đối tác trong chuỗi cung ứng phải tuân thủ quy tắc ứng xử. Ngoài ra, Shein hợp tác với các đơn vị kiểm toán để giám sát việc tuân thủ”.

Shein đạt được thành công nhờ hai yếu tố chính: số lượng hàng hóa khổng lồ – với hàng trăm nghìn sản phẩm được rao bán trực tuyến – và mức giá cực rẻ. Doanh thu của Shein tăng trưởng vượt bậc, vượt mặt các “ông lớn” như H&M, Zara và Primark tại Anh. Công ty có thể bán giá rẻ nhờ vào những nơi như “làng Shein”, nơi có khoảng 5.000 nhà máy, hầu hết đều là nhà cung cấp của hãng.

Những tòa nhà tại đây đã được cải tạo thành nhà xưởng, đầy ắp máy may, các cuộn vải và bao tải chứa vụn vải. Cửa tầng hầm luôn để mở nhằm phục vụ chu trình giao nhận hàng liên tục, không ngừng nghỉ.

Càng về cuối ngày, các kệ hàng dần được lấp đầy bởi những túi nhựa trong suốt chuẩn bị đưa vào kho, trên đó dán nhãn tên thương hiệu quen thuộc. Dù đã hơn 10 giờ đêm, máy may vẫn chạy không ngừng, công nhân vẫn cặm cụi làm việc khi xe tải tiếp tục chở thêm vải đến, nhiều cuộn vải lớn đôi lúc rơi xuống sàn vì xe quá tải.

“Chúng tôi thường làm việc 10, 11 hoặc 12 tiếng mỗi ngày. Vào Chủ nhật, chúng tôi làm ít hơn khoảng ba tiếng so với ngày thường”, một phụ nữ giấu tên 49 tuổi đến từ Giang Tây chia sẻ.

Các nhà máy nhận đơn hàng theo hợp đồng. Nếu sản phẩm như quần chinos (một loại quần vải cotton nhẹ, thường được ưa chuộng vì sự thoải mái và thời trang) bán chạy, đơn hàng sẽ tăng mạnh, buộc các nhà máy phải đẩy nhanh sản xuất. Khi đó, các nhà máy sẽ thuê thêm lao động thời vụ để đáp ứng khối lượng công việc mà nhân viên chính thức không thể hoàn thành kịp.

“Chúng tôi kiếm chẳng được bao nhiêu, trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ”, một người lao động nhập cư đến từ Giang Tây chia sẻ, hy vọng có thể kiếm đủ tiền gửi về nuôi hai đứa con đang ở cùng ông bà tại quê nhà. “Chúng tôi được trả công theo sản phẩm. Mức công phụ thuộc vào độ phức tạp của sản phẩm. Với thứ đơn giản như áo thun, mỗi chiếc được trả 1-2 tệ (khoảng 3,5-7 nghìn đồng), và tôi có thể làm được khoảng chục cái trong mỗi giờ”.

Lợi nhuận cực thấp, sức người cực cao

Theo điều tra của BBC, thời gian làm việc tiêu chuẩn dường như kéo dài từ 8 giờ sáng đến quá 10 giờ đêm. Kết quả này trùng khớp với báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Public Eye (Thụy Sĩ), được thực hiện dựa trên phỏng vấn 13 công nhân dệt may làm việc tại các nhà máy sản xuất quần áo cho Shein.

Báo cáo cho thấy nhiều công nhân phải làm thêm giờ quá mức. Tiền lương cơ bản không tính giờ làm thêm là 2.400 tệ (khoảng 8,3 triệu đồng) – thấp hơn nhiều so với mức 6.512 tệ (khoảng 22,5 triệu đồng) mà liên minh Asia Floor Wage Alliance cho rằng cần có để đảm bảo mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, những công nhân BBC phỏng vấn cho biết họ có thể kiếm được từ 4.000 đến 10.000 tệ (khoảng 13,8 – 34,6 triệu đồng) mỗi tháng nhờ làm thêm giờ.

“Thời gian làm việc dài như vậy không phải hiếm gặp, nhưng rõ ràng là trái luật và vi phạm quyền con người cơ bản. Đây là một hình thức bóc lột nghiêm trọng và cần được công khai”, David Hachfield từ tổ chức Public Eye cho biết.

Theo luật lao động Trung Quốc, tuần làm việc bình thường không được vượt quá 44 giờ, và người sử dụng lao động phải bảo đảm cho công nhân được nghỉ ít nhất 1 ngày mỗi tuần. Nếu muốn kéo dài thời gian làm việc, doanh nghiệp chỉ được phép làm vậy vì lý do đặc biệt.

Cuộc sống ở nhà máy gần như xoay quanh những chiếc máy may. Công nhân chỉ dừng lại để ăn trưa và ăn tối. Họ cầm theo khay và đũa, nối đuôi nhau vào căng tin để mua cơm. Nếu không còn chỗ ngồi, họ đứng ăn ngay ngoài đường. “Tôi đã làm ở các nhà máy như thế này hơn 40 năm rồi”, một phụ nữ nói trong lúc ăn vội bữa trưa chỉ trong 20 phút. Với bà, đây chỉ là một ngày làm việc bình thường như bao ngày khác.

Theo ghi nhận của BBC, bên trong các nhà máy mà phóng viên đến thăm, không gian làm việc khá thoáng và không bị quá chật chội. Ánh sáng đầy đủ và quạt công nghiệp lớn được lắp đặt để giữ cho công nhân luôn mát mẻ. Trên các bức tường treo nhiều áp phích lớn với nội dung kêu gọi công nhân báo cáo nếu phát hiện lao động chưa đủ tuổi – dường như đây là phản ứng của công ty sau khi có 2 trường hợp lao động trẻ em bị phát hiện trong chuỗi cung ứng vào năm ngoái.

Bên cạnh đó, Shein sử dụng thuật toán để quyết định đơn hàng. Nếu người mua liên tục nhấp vào một mẫu váy nào đó hoặc dành nhiều thời gian xem một chiếc áo len, công ty sẽ nhanh chóng yêu cầu các nhà máy sản xuất thêm mặt hàng đó – và phải làm thật nhanh. Đối với công nhân tại Quảng Châu, điều này tạo ra không ít áp lực.

“Shein có ưu điểm và nhược điểm. Ưu điểm là đơn hàng về lâu dài sẽ nhiều, nhưng nhược điểm là lợi nhuận rất thấp và không thể điều chỉnh theo ý mình”, một chủ nhà máy chia sẻ. Với quy mô và sức ảnh hưởng lớn, Shein thường đưa ra những yêu cầu khắt khe trong quá trình đàm phán. Vì vậy, các chủ nhà máy buộc phải cắt giảm chi phí ở những khâu khác, thường dẫn đến việc giảm lương cho công nhân.

“Trước khi hợp tác với Shein, chúng tôi tự sản xuất và bán quần áo. Khi đó, chúng tôi có thể ước tính chi phí, tự định giá và tính lợi nhuận. Còn bây giờ, Shein quyết định giá bán, và chúng tôi phải tìm cách giảm chi phí để có lời”, một chủ nhà máy sở hữu 3 xưởng sản xuất cho biết.

Tuy nhiên, khi đơn hàng tăng vọt, đó là cơ hội lớn cho các nhà máy. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn logistics ShipMatrix, trung bình Shein vận chuyển khoảng một triệu đơn hàng mỗi ngày.

Dù công việc tại Shein kéo dài và vất vả, nhưng với một số công nhân, đây vẫn là niềm tự hào vì giúp họ có thu nhập ổn định. Nhiều người làm việc đến tận nửa đêm để kiếm thêm tiền, bởi ở nhiều nơi trên thế giới, luôn có khách hàng đang tìm kiếm những món đồ giá rẻ từ Shein.

Theo Phong Lam (Phụ Nữ Số)

 



(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});
Exit mobile version