Sửa Luật Đấu giá tài sản, có khắc phục trúng giá đất bỏ cọc như Tân Hoàng Minh?

Từ vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng bỏ cọc trúng đấu giá đất Thủ Thiêm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, thời điểm sau phiên chất vấn của Quốc hội đã có đề nghị sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, vậy lần sửa đổi này có khắc phục được không?

Chiều 16/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.



(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, số lượng các cuộc đấu giá tài sản ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách Nhà nước đạt giá trị lớn.

“Theo số liệu thống kê, từ tháng 7/2017 đến 31/12/2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng”, ông Long thông tin.

Khu đất đấu giá Thủ Thiêm

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Đấu giá tài sản đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi. Một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề.

Theo ông Long, chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn bất cập, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp. Trong khi đó cơ chế kiểm soát việc đấu giá còn bộc lộ một số vướng mắc.

“Còn tình trạng người có tài sản đấu giá chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản. Thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để trục lợi; lợi dụng các tổ chức “sân sau” để đấu giá”, Bộ trưởng cho hay.

Trên cơ sở đó, dự thảo được bổ sung quy định nghiêm cấm đấu giá viên để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi. Nghiêm cấm người tham gia đấu giá nhận ủy quyền tham gia đấu giá để trả giá cho người tham gia đấu giá khác đối với tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó hoặc trả giá cho từ hai người tham gia đấu giá trở lên.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, nếu luật này sửa, có giải quyết được những khó khăn, vướng mắc như hiện nay hay không?

Dẫn chứng vụ đấu giá đất Thủ Thiêm (TP.HCM), Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá hơn 2 tỷ đồng/m2 nhưng sau đó thì bỏ cọc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhớ lại thời điểm sau phiên chất vấn của Quốc hội đã có đề nghị sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, vậy lần sửa đổi này có khắc phục được điều này không?

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc sửa đổi luật phải khắc phục được những bất cập như Chủ tịch Quốc hội vừa nêu, đặc biệt sau việc đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và ở một số địa phương khác.

Theo ông Tùng, việc sửa luật cũng phải khắc phục tình trạng “quân xanh quân đỏ”, ép giá, thông đồng trong đấu giá tài sản. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này cũng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực đấu giá tài sản, như việc thí điểm đấu giá trực tuyến biển số xe ô tô…

Phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, về đấu giá quyền sử dụng đất làm dự án, tiền đặt trước mức bao nhiêu chỉ là một trong những điều kiện, bên cạnh đó phải tuân thủ quy định của Luật Đất đai.

Đối với vụ việc ở Thủ Thiêm, theo Bộ trưởng, phải xử lý bằng các công cụ pháp luật. “Chỗ Thủ Thiêm, quan điểm của chúng tôi là phải xử lý trong tập hợp một loạt văn bản quy phạm pháp luật khác nhau”, ông Long nói thêm.

Theo Quang Phong (VietNamNet)



(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});
Exit mobile version