Tản mạn về “vô vi” trong đạo nhân sinh của Lão Tử

Nói đến Lão Tử thì không thể không bàn tới đạo “vô vi” mà ông diễn giải trong Đạo Đức Kinh. Một số người cho rằng vô vi nghĩa là không làm gì cả, kỳ thực đó là sai lầm. “Đạo Đức Kinh” viết: “Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị”, câu nói này đã bàn rõ hơn về khái niệm “vô vi” mà Lão Tử đề xướng.

(Tranh minh họa: Widodo, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

“Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị”, đây là một cảnh giới nhân sinh. Vô vi không phải là không làm gì, mà là cách sống thanh tịnh và tự nhiên. Con người sống trong trời đất cần “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên”. Đạo của tự nhiên chính là đạo của sinh mệnh, cho nên Đạo gia lấy “phản bổn quy chân” là cao quý. Cái “vô” ở đây là hành xử phải không có tâm hữu cầu, phải quên đi những quan niệm ràng buộc mạnh mẽ, từ đó mới có thể ung dung tự tại, hòa hợp với đạo của tự nhiên.

Vi vô vi

“Vi vô vi” chính là dùng thái độ vô vi thanh tĩnh để làm, làm nhưng không cưỡng cầu. Thế nào là “vô vi”, “vô vi” không phải là không làm gì cả mà là tuân theo quy luật, thuận theo tự nhiên. Nếu muốn làm một việc mà đạt được kết quả tốt thì phải hiểu được đạo lý “vô vi”, tận tâm tận sức làm mà không truy cầu kết quả.

Lão Tử giảng: “Bất tri thường, vọng tác hung”, nghĩa là không nhận thức được quy luật tự nhiên, chỉ mong cầu kết quả mà hành động thiếu suy nghĩ thì sẽ xảy ra rối loạn và tai hung. Cho nên trong cuộc sống chúng ta thường thấy có một số việc, càng cưỡng cầu thì kết quả cuối cùng lại càng xấu.

“Đạo Đức Kinh” có câu: “Đạo thường vô vi nhi vô bất vi”, đạo vĩnh hằng là thuận ứng theo tự nhiên, không có sự việc nào mà không do nó làm ra. Phép tắc của đạo là dùng phương thức vô vi để đạt hiệu quả của mọi việc. Nếu kiên trì giữ phép tắc này, muôn vật sẽ tự sinh tự lớn.

Sự vô sự

“Sự vô sự” ở đây là dùng phương pháp bình thản vô sự để giải quyết sự tình. Cũng có thể hiểu là “lạc thiên tri mệnh”, bằng lòng với số mệnh trời cho, không có lo lắng gì. Người tu đạo tin rằng con người ngay từ khi sinh ra là đã có vận mệnh được an bài sẵn nên gặp phải điều khó gì cũng vẫn yên vui với mệnh của mình.

Lão Tử dùng tư tưởng “vô vi” của bậc thánh nhân suy rộng đến việc xử lý sự tình trong xã hội con người. Ông chủ trương dùng thái độ “vô sự” để làm việc. Cái gọi là “vô sự” ở đây chính là thuận theo tình huống thực tế khách quan, không cần quá lo lắng, một khi điều kiện chín muồi, “nước chảy thành sông”, thì sự tình cũng sẽ tất thành. Chỉ cần làm hết sức mà không truy cầu, có thành hay không thành cũng vẫn đứng ở vị trí bất bại, vì tâm của bản thân ta đã “thành” rồi.

Vị vô vị

“Vị vô vị” là lấy thái độ “vô vị” để thưởng thức cuộc sống. Thức ăn là có vị, điều này ai cũng biết. Nhưng kỳ thực danh lợi tình, thành công thất bại, mọi thứ trên đời này đều là có “vị” cả. Ai có thể dứt bỏ chúng, không có cái “vị” riêng của mình, mang một tư thái “bình thường” mà làm thì mới có thể chủ tể bản thân. Đây chính là có vị hay không vị cũng không động được đến tâm can của mình.

Kỳ thực “vô vị” không phải là không có mùi vị, chỉ là mùi vị ấy đạm nhạt mà thôi. Lão Tử từng giảng: “Ngũ vị làm cho người ta tê lưỡi”, vị tập trung tại một chỗ sẽ khiến mùi vị trở nên phức tạp, làm cho vị giác không còn nhận ra được mùi vị thực tế nữa. Trong món ăn nếu cho nhiều loại gia vị thì càng ăn khẩu vị sẽ càng nặng. Khi đó, ăn vị nồng người ta mới cảm thấy ngon, không có thì thậm chí nuốt cơm không trôi. Nhưng kỳ thực cơm canh đạm nhạt, thanh khiết cũng có hương vị riêng của nó. Người xưa cho rằng mỹ vị là phải thanh đạm, ít vị không chỉ tốt cho dưỡng sinh mà còn tốt cho dưỡng tâm.

Càng đơn giản thì càng sâu sắc, càng chất phác thì càng thuần mỹ. Cảm quan của con người bị kích thích quá nhiều sẽ trở nên trì độn, cuối cùng sẽ mất đi năng lực thưởng thức điều mà đại đạo tự nhiên đem tới.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video:



Nguồn bài viết

Exit mobile version