‘Tết ở làng Địa Ngục’ nhận về nhiều lời khen

‘Tết ở làng Địa Ngục’ ăn điểm nhờ bối cảnh và hóa trang kinh dị
‘Tết ở làng Địa Ngục’: Series kinh dị cổ trang đầu tiên của Việt Nam ẵm trọn Top 1 trên Netflix lẫn K+

Loạt cái chết rợn người

Tết ở làng Địa Ngục đẩy cao căng thẳng ngay từ đầu bằng cách đưa người xem qua những cái chết bí hiểm. Xuống làng Dâu ở chân núi, ông Thập được nghe kể về biến cố năm xưa của Tứ Cháo Lòng (NSƯT Minh Tuấn), kẻ hành nghề đồ tể khét tiếng bặm trợn. Dù lão Tứ treo cổ chết từ 3 năm trước, vong hồn lão dường như vẫn luẩn quẩn quanh nhà mình. Khi ông Thập ở trọ nhà Tam Quỷ (Võ Tấn Phát), cả hai đều cảm thấy một không khí rờn rợn khó tả.

Cú sốc đầu tiên của series đến từ cái chết bất ngờ của Thị Tam (Thiên Tú) vào cuối tập 2. Người vợ của Tam Quỷ xuất hiện với vẻ điệu đà, ngả ngốn, có lẽ những khán giả chưa từng đọc qua truyện gốc sẽ không thể ngờ thị lại “ra đi” nhanh đến vậy. Ngay trong đêm, ông Thập và Tam Quỷ phát hiện Thị Tam qua đời thê thảm do bị treo cổ chết trên cây. Cái chết này, cũng như việc Thị mất mạng theo cách tương tự Tứ Cháo Lòng, chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều tình tiết ly kỳ ở tập sau.

'Tết ở làng Địa Ngục' nhận về nhiều lời khen

Hai tập đầu series đã giới thiệu một thế giới đậm chất tâm linh, nơi tồn tại rất nhiều lời nguyền và bí thuật. Những người làng Địa Ngục, vốn là hậu nhân một băng cướp khét tiếng tàn bạo, đã phải sống ẩn dật nơi một ngôi làng quanh năm bao phủ bởi sương giá và lũ đom đóm câu hồn. Chỉ có những thế hệ của gia đình ông Thập trưởng làng là có thể tự do đi lại xuống núi giao thương. Tập 2 còn gây ấn tượng với hình ảnh con đò chở vong do bà Vạn (Hoàng Thoa) cầm lái, một hình tượng mới mẻ về một “phương thức” đưa vong linh những người mới qua đời sang thế giới bên kia mà chỉ người mang dòng máu thuần âm mới có thể nhìn thấy nó.

Ý tưởng về người chết báo mộng cũng là một điểm khá quen thuộc trong văn hóa tâm linh người Việt. Trong phim, ông Thập nằm mơ thấy bà nội (NSƯT Chiều Xuân) hiện về báo mộng, sau đó lại liên tiếp nằm mơ thấy rắn vốn là điềm báo cực độc. Những chi tiết rùng rợn khác như ngôi làng có địa thế hình chữ “Tử” hay cái chết của người phụ nữ bị trâu giẫm chết mất xác dưới bùn cũng khiến người xem rợn gáy với những yếu tố kinh dị nhưng khá quen thuộc với văn hóa dân gian.

Thực hiện một bộ phim kinh dị cổ trang là thách thức với bất cứ đơn vị nào, nhưng K+ đã tiên phong đầu tư ngân sách đáng kể để mang đến những trải nghiệm mãn nhãn nhất cho khán giả. Bà Trịnh Thủy Liên – Giám đốc Nội dung & Các kênh K+ chia sẻ: “Thử thách lớn nhất khi quyết định đầu tư Bộ phim này là khả năng hiện thực hoá câu chuyện trên phim, với tất cả các yếu tố cổ trang, kinh dị, bối cảnh một ngôi làng cổ kính, hẻo lánh trong rừng sâu núi thẳm… Với điều kiện sản xuất và ngân sách hạn chế ở Việt Nam thì chỉ có những nhà sản xuất rất tâm huyết, giàu kinh nghiệm và có một chút ‘liều lĩnh’ mới dám thực hiện dự án này và K+ rất may mắn khi có một đối tác như vậy để đồng hành cùng nhau thực hiện dự án”.

Diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên nhưng “nam nghệ sĩ khắc khổ nhất màn ảnh Việt” mới chiếm trọn spotlight

Ba diễn viên chính xuất hiện ở hai tập đầu của bộ phim gồm Quang Tuấn, NSƯT Phú Đôn và Võ Tấn Phát đều có cơ hội ghi dấu ấn. Nổi tiếng với vai kẻ luyện bùa trong phim Thất Sơn Tâm Linh, Quang Tuấn giờ lột xác khi vào vai một trưởng làng khẳng khái, cương trực, hết lòng vì người dân. Sao hài Võ Tấn Phát cũng gây ấn tượng đậm nét khi thử sức đóng một bộ phim kinh dị. Nhân vật Tam Quỷ có sự tếu táo, hoạt ngôn nhưng Võ Tấn Phát biết cách tiết chế để hòa hợp với không khí rùng rợn chung của bộ phim.

Quang Tuấn

Với 2 tập đầu, theo sự đánh giá của khán giả, NSƯT Phú Đôn mới là người “chiếm sóng” nhất nhờ vẻ ngoài và thần thái quá nhập vai. Để hóa thân lão ăn mày, ông đã nuôi râu và duy trì thể trạng gầy ốm trong suốt nhiều tháng trước khi quay phim. Khoác lên bộ trang phục rách rưới, NSƯT Phú Đôn giống như từ trang sách bước lên màn ảnh với những câu nói chậm rãi nhưng đầy sức nặng, tiết lộ một khả năng tiềm ẩn “khôn lường” của lão ăn mày tàn tật.

Bên cạnh màn trình diễn của các diễn viên, nhiều khán giả cũng dành lời khen về mức độ đầu tư bối cảnh và sự “hết mình” của ekip sản xuất khi hiện thực hóa được bầu không khí âm u của làng Địa Ngục trong tiểu thuyết lên màn ảnh. Ekip đã ghi hình hơn 2 tháng ở làng Sảo Há nằm ở khu vực khá hẻo lánh và hiểm trở thuộc tỉnh Hà Giang… Phần phục trang được ekip đầu tư tỉ mỉ từng hoa văn, họa tiết để khắc hoạ chuẩn xác câu chuyện phía sau từng nhân vật. Khâu hóa trang cũng vô cùng chăm chút để tô đậm màu sắc kinh dị trong phim và mang đến trải nghiệm chân thật nhất cho khán giả.

Với sự đầu tư tâm huyết từ nhà sản xuất K+, phim đã mang tới trải nghiệm giải trí mới mẻ cho khán giả, kể cả những người chưa từng biết đến tiểu thuyết gốc trước đó. Khán giả có thể xem Tết ở làng Địa Ngục trên app K+ và Kênh K+CINE từ 20h00 các ngày thứ hai – thứ ba hàng tuần, 21h00 cùng ngày trên Netflix các quốc gia Đông Nam Á.

NSƯT Phú Đôn
Exit mobile version