Yêu cầu khu nghỉ dưỡng phun tuyết hồng hay mua voi làm quà sinh nhật là những yêu cầu xa xỉ được giới siêu giàu trên thế giới ưa chuộng.
Khoảng cách từ sân bay quốc tế Bozeman Yellowstone ở Belgrade, Montana, Mỹ đến Câu lạc bộ Yellowstone, nơi các tỷ phú trượt tuyết và chơi golf trên một khuôn viên trên 6.000 ha, là 80 km. Nhưng với các thành viên câu lạc bộ, như Bill Gates, Warren Buffett hay Mark Zuckerberg, hành trình có thể diễn ra nhanh hơn nhiều.
Thay vì đến Bozeman bằng máy bay thương mại và bắt một chiếc Uber ở sân bay, họ bay trên phi cơ riêng rồi leo lên một chiếc trực thăng để “chỉ mất 10 phút là tới đích”, Adamo Vullo, cựu nhân viên câu lạc bộ Yellowstone, hiện là nhân sự cấp cao tại Outpost, công ty quản lý bất động sản hạng sang ở thành phố Jackson, bang Wyoming, cho hay.
Vullo nói rằng khách đến với câu lạc bộ theo cách như vậy là điều rất bình thường. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn USD chỉ để thuê trực thăng đi ăn trưa.
Đó chỉ là một phần nhỏ cuộc sống của giới siêu giàu, những người thường xuyên lui tới các khu trượt tuyết sang trọng hay các câu lạc bộ tư nhân đắt đỏ. Báo Washington Post đã phỏng vấn hàng loạt người trong ngành, như chủ khách sạn, huấn luyện viên trượt tuyết, nhà quản lý tài sản hay chuyên viên lên kế hoạch du lịch, để tìm hiểu cách họ phục vụ những yêu cầu “có một không hai” từ những vị khách cực kỳ giàu có.
Mỗi chuyến trượt tuyết, các gia đình giàu có lại chi hàng chục nghìn USD cho quần áo, đồ dùng, trang bị mới và bỏ lại tất cả sau khi kỳ nghỉ kết thúc. Một số du khách giàu có nhất thế giới vẫn thuê thiết bị, nhưng họ sẽ không bao giờ xuất hiện tại các cửa hàng địa phương. Đây chính là lý do công ty dịch vụ Quản gia Trượt tuyết ra đời.
“Chúng tôi đến biệt thự nghỉ dưỡng hay khách sạn của họ và sắp xếp mọi thứ để đảm bảo khách hàng được thoải mái nhất có thể”, Mike Cremeno, quản lý cấp cao tại công ty Quản gia Trượt tuyết, cho hay.
Khi khách hàng trượt tuyết xong hoặc muốn đổi ván trượt, nhân viên Quản gia Trượt tuyết sẽ tìm đến họ, cho dù họ đang xếp hàng chờ cáp treo hay ở giữa một bữa tiệc. Cremeno từng có một khách hàng yêu cầu đổi ván trượt 15 lần trong 5 ngày sử dụng dịch vụ.
“Đó là một phần công việc”, Cremeno nói. “Một số người rất kén chọn và thực sự muốn thử mọi thứ mà chúng tôi mang theo. Chúng tôi sẽ đáp ứng hoàn toàn mọi yêu cầu”.
Ngoài đáp ứng nhu cầu về thiết bị, Quản gia Trượt tuyết còn xử lý các công việc lặt vặt cho khách hàng. Có lần, một phụ nữ ở Park City lo lắng rằng thẻ vào khu trượt tuyết của nhóm cô vẫn chưa được chuyển đến. Thay vì chờ xem liệu thẻ có đến kịp hay không, Cremeno đã tới khu nghỉ mát và chi 10.000 USD lấy những tấm thẻ mới để khách hàng yên tâm tận hưởng kỳ nghỉ.
Những người thuộc giới siêu giàu còn sẵn sàng chi hơn 1.000 USD mỗi ngày để thuê giáo viên hướng dẫn trượt tuyết trong hàng tuần liền.
“Tôi có thể dạy riêng cho một người trong 40 ngày”, James P. Ruddy, cựu huấn luyện viên trượt tuyết từng có 16 năm làm việc tại Yellowstone Club, nói. “Khi đó, bạn thực sự trở thành một thành viên trong gia đình họ”.
Một xu hướng đang thịnh hành trong ngành là tổ chức các buổi học riêng với những vận động viên trượt tuyết Olympic. Tại Onefinestay, Friedman cho biết họ nhận được rất nhiều yêu cầu từ những khách hàng muốn làm việc với các vận động viên Olympic với mức lương 2.800 USD/người cho cả ngày hoặc 1.700 USD cho nửa ngày.
Một số du khách thuê chuyên gia chỉ để nhận những đặc quyền mà khu nghỉ dưỡng dành riêng cho giáo viên hướng dẫn.
“Họ sẽ trả 1.300 USD một ngày, cộng với tiền boa, để không phải xếp hàng chờ thang máy”, Berkely Tolman, hướng dẫn viên tại khu trượt tuyết Deer Valley ở Utah cho hay. Ở đây, giá thuê phòng trung bình một đêm là 2.000 USD trong hầu hết mùa đông.
Không phải xếp hàng có vẻ là một đặc quyền giá trị tại những khu nghỉ mát trượt tuyết lớn, nơi khách hàng thậm chí phải chờ 30 phút để đi thang máy. Nhưng Deer Valley không tiếp nhận quá nhiều khách hàng một lúc.
“Vào những lúc cao điểm nhất, tôi cũng chưa bao giờ phải đợi quá 10 phút để lên cáp treo”, Tolman cho hay.
Để chuyến đi trượt tuyết của họ trở nên lãng mạn nhất có thể, các cặp đôi siêu giàu không bao giờ tiếc chi phí.
Patrick Davila, tổng giám đốc khách sạn Jerome ở Aspen, Colorado, Mỹ, nhớ lại một cặp vợ chồng từng yêu cầu nhân viên của ông chạy theo xe trượt tuyết chỉ để mang champagne cho họ. Alexandra Vesin, tổng giám đốc khách sạn Aman Le Mélézin ở Courchevel, Pháp, cho hay ông từng sắp xếp một màn cầu hôn trên khinh khí cầu tại dãy núi Alps.
Yêu cầu đáng nhớ nhất của Tolman đến từ một khách hàng thường xuyên, người muốn Deer Valey phun tuyết hồng vào ban đêm, trong lúc anh ta và vợ đi cáp treo đến địa điểm ăn tối trên đỉnh núi và có một buổi trượt tuyết riêng tư.
Marijana Jakic, giám đốc thương hiệu của thị trấn trượt tuyết St. Moritz, Thụy Sĩ, cho biết nhiều thập kỷ trước, một vị khách của khách sạn Badrutt’s Palace đã yêu cầu nhân viên mang tới một con voi còn sống để làm quà sinh nhật cho vợ ông.
Theo Brian Pentek, chủ sở hữu công ty lữ hành LuxeLife Travel, người Mỹ và người châu Âu có khác biệt lớn về cách thể hiện sự giàu có. Mặc dù chi phí ở Aspen rất đắt đỏ, chúng vẫn không thể so sánh với những gì khách hàng bỏ ra trên dãy Alps ở châu Âu.
“Hóa đơn bữa trưa lên tới 100.000-200.000 euro là điều thường gặp”, ông nói.
Pentek từng đón một khách hàng siêu giàu lưu trú tại một thị trấn trượt tuyết ở châu Âu trong vài tuần. Cô ấy yêu khách sạn, nhưng không thích căn phòng đang ở. “Vì vậy, vị khách mời nhà thiết kế của mình đến và họ đã trang trí lại căn phòng để giống nhà cô ấy hơn một chút”, Pentek kể lại, thêm rằng chi phí ước tính lên đến 100.000 USD.
Đối với những du khách trượt tuyết giàu có, sở thích lưu trú của họ cũng rất khác biệt. Một số muốn các biệt thự trên núi với đầy đủ nhân viên, như dinh thự gỗ có giá 30.000 USD/đêm mà công ty du lịch xa xỉ Remote Lands đặt cho khách hàng ở Niseko, khu nghỉ mát trượt tuyết hàng đầu Nhật Bản.
“Nó rất đồ sộ và sở hữu đầy đủ mọi thứ mà bạn có thể tưởng tượng ra được trong đó”, giám đốc điều hành công ty Catherine Heald nói.
Số khác thích bao toàn bộ khu nghỉ mát. Nadine Paulo từ Travel Edge đã mua toàn bộ ngôi nhà gỗ Sheldon ở Alaska xa xôi cho những khách hàng sẵn sàng trả 75.000 USD cho một kỳ nghỉ tối thiểu ba đêm.
Một số người sẵn sàng mua một biệt thự tại khu nghỉ mát thay vì thuê chúng.
Một số khách trượt tuyết ở trong phòng của họ suốt mùa, số khác cho thuê chúng vài tháng trong năm. Tolman biết một chủ sở hữu đã mua biệt thự dù chưa nhìn thấy nó, không tu sửa cũng như chưa bao giờ đến thăm.
“Chỉ là họ cần chuyển 5 triệu USD của mình tới nơi nào đó”, ông nói.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)