Quá trình trưởng thành và hình thành nhân cách của một đứa trẻ thường liên quan mật thiết đến những tác động của môi trường gia đình, nhà trường, bạn bè và xã hội. Trong đó mối quan hệ gia đình đóng vai trò trọng yếu nhất.
Trong những mối quan hệ gia đình, thì quan hệ hôn nhân luôn là cốt lõi nhất. Hôn nhân càng hài hòa, thì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng sẽ ngày càng hòa thuận. Trên thực tế, vợ chồng có mối quan hệ tốt đẹp hay không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính cách và cách trẻ nhìn nhận về bản thân cũng như người khác. Đặc biệt nếu vợ chồng đình biểu hiện ra 5 kiểu tình cảm sau đây, thì sẽ đem lại cho con những đức tính tương đồng.
1. Vợ chồng yêu thương nhau, con cái thường có tính cách vui vẻ hòa đồng
Khi mối quan hệ giữa vợ và chồng trong nhà được hài hòa sẽ mang đến cho con một môi trường giáo dục gia đình tốt nhất. Ở trong môi trường như thế này, con sẽ hình thành tính cách ôn hòa, vui vẻ và thường không có xu hướng thích bạo lực.
Bởi vì quan hệ giữa cha mẹ rất tốt nên các con đối với chuyện hôn nhân gia đình cũng sẽ có cái nhìn rất tích cực và tình cảm tốt đẹp.
2. Tình cảm vợ chồng nhạt nhòa, con cái thường sẽ cố chấp và ích kỷ
Khi mối quan hệ tình cảm giữa vợ và chồng nhạt nhòa, cả hai thường dựa vào con cái để giao tiếp hoặc để duy trì cuộc hôn nhân gia đình. Đây chính là kiểu gia đình “lấy con làm trung tâm”.
Dưới tác động của mối quan hệ này, con sẽ được quan tâm chú ý hoặc can thiệp quá nhiều, từ đó sinh ra tính cách cố chấp và ích kỷ.
3. Vợ chồng ly hôn sớm, con cái thường có tính cách lạnh lùng và luôn có cảm giác bất an
Nhiều cặp vợ chồng sau khi trải qua cuộc hôn nhân không hạnh phúc thường lựa chọn giải pháp ly hôn. Tuy nhiên họ không biết điều này sẽ mang đến nhiều hậu quả không tốt. Những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn thường mang những vết thương nội tâm lớn trong lòng. Những lo lắng, bất an và sợ hãi này thậm chí có thể theo con suốt cuộc đời, thậm chí nó có thể khó được chữa lành.
Ngoài ra, khi con sống trong gia đình ly hôn cũng dễ phạm tội và gặp tình trạng rối loạn tâm lý như lo lắng, trầm cảm, thù địch, muốn trả thù, và lạnh lùng vô cảm.
Có thể thấy sự ích kỷ của cha mẹ, chỉ vì không hòa hợp mà tìm cách ly hôn, không cố gắng dung hòa, không vun đắp tình cảm thì đã để lại cho những đứa trẻ ngây thơ vô tội những hậu quả nghiêm trọng đến nhường nào.
4. Cha mẹ luôn đổ lỗi cho nhau, con cái thường nhạy cảm, hay bao biện, bướng bỉnh
Cha mẹ thường có thói quen thích đổ lỗi cho nhau thì sẽ tạo ra cho con một môi trường giáo dục rất tiêu cực, thậm chí là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cách hành xử của con sau này. Nhất là khi vợ chồng cãi nhau và một trong hai thường nói với con rằng bên kia mới là người sai.
Cha mẹ không nhận thức ra sức ảnh hưởng của vấn đề mà họ đang gây ra. Trên thực tế nó khiến cho con cái sau này không có đức tính hiếu kính ông bà cha mẹ và không biết tôn trọng người khác.
Sau khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, thường mang tâm lý oán hận và bực tức đối phương. Đặc biệt họ luôn muốn con của mình cũng mang cảm giác không hài lòng đối phương giống mình để tìm được nguồn an ủi, tuy nhiên cuối cùng điều này chỉ làm tổn thương con mà thôi.
5. Vợ chồng hay cãi vã, con cái thường có xu hướng thích bạo lực và nóng nảy
Việc vợ chồng cãi nhau mâu thuẫn là điều bình thường và dễ hiểu đối với người lớn, nhưng đối với con thì sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là về cảm giác an toàn. Đồng thời, con cũng sẽ trở nên bạo lực, cục cằn và hay la hét giống bố mẹ.
Sống trong môi trường tiêu cực bất hòa sẽ gây cho con những tổn thương về mặt tâm lý rất lớn, và có những tổn thương là không thể chữa lành suốt đời. Cho nên trong một gia đình, vợ chồng hòa thuận là điều vô cùng trọng yếu.