Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Gia Thiều: “Giờ em là Tổng Bí thư nhưng khi về trường, xin phép các thầy cô hãy giới thiệu em là cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng”.
Ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), cho hay, dù biết tin sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng suy yếu nhưng nghe tin Tổng Bí thư từ trần, tập thể nhà trường vẫn vô cùng bàng hoàng, xót thương.
“Trong niềm tiếc thương của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân trước sự mất mát này, nhà trường cũng vô cùng xúc động tưởng nhớ những hình ảnh, kỷ niệm về Tổng Bí thư – một cựu học sinh lỗi lạc ngày về thăm trường”, ông Kiên nghẹn giọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng có 6 năm liên tục (1957 – 1963) được học tập, rèn luyện tại ngôi trường này.
Vị hiệu trưởng chia sẻ, từ ngày về công tác tại trường ông đã nhiều lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm lại mái trường xưa. Trong đó, ông Kiên vẫn nhớ như in chuyến thăm trường lần cuối cùng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường (1950 – 2020) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.
Lần đó là cuộc hội ngộ giữa các thế hệ giáo viên và học sinh nhà trường, trong đó có thầy Lê Đức Giảng – giáo viên chủ nhiệm của cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng. Ông Kiên không nghĩ đó là buổi gặp gỡ cuối cùng của Tổng Bí thư với thầy cô và học sinh nhà trường.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều nhớ lại: “Trước buổi lễ, khi chúng tôi đến mời ông về dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường, Tổng Bí thư nói với chúng tôi rằng: Em báo cáo các thầy, các cô bây giờ em là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (thời điểm năm 2020 – PV) nhưng khi về trường, xin phép các thầy cô và nhà trường vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng, một cựu học sinh của nhà trường”.
Trong buổi lễ, Tổng Bí thư cũng nói chuyện rằng: “Hôm nay, cho phép em bỏ ngoài chức tước, về đây với tư cách một học trò để gặp các thầy cô và các bạn”.
Theo ông Kiên, Tổng Bí thư rất khiêm nhường và không muốn vì mình là một lãnh đạo cao cấp mà nhà trường cũng như mọi người phải đón tiếp quá trọng thị. Mọi người đều cảm nhận Tổng Bí thư giản dị, mộc mạc nhưng rất tinh tế, là người luôn giữ đạo hiếu của một người trò, nghĩa lễ với các thầy cô, ngay từ việc xưng hô.
“Khi gặp chúng tôi, mặc dù chúng tôi là thế hệ con cháu nhưng Tổng Bí thư luôn xưng hô ‘thầy hiệu trưởng’, ‘cô hiệu phó’ và ‘em’; chứ không dùng bất kỳ một từ khác. Với chúng tôi trạc tuổi con cháu nhưng Tổng Bí thư vẫn rất chỉn chu trong từng câu, từng từ”, ông Kiên bồi hồi nhớ lại.
Hôm về kỷ niệm 70 năm thành lập trường, Tổng Bí thư cũng không quên tặng hoa thầy chủ nhiệm nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ôn lại những kỷ niệm về thời thanh xuân của mình cùng bạn bè, thầy cô.
“Khi ông bước xuống xe, thấy tôi đón, việc đầu tiên Tổng Bí thư nói nhỏ với tôi là: ‘Thầy trò mình nắm tay nhau cùng đi’. Tổng Bí thư muốn “người thầy” và “học trò” không có khoảng cách, cùng nhau đi trên con đường của trường để tiến vào lễ đài. Những điều đó toát lên con người tri thức, nhân cách của Tổng Bí thư”.
Ông Trung Kiên chia sẻ thêm, đối với thế hệ thầy cô và học sinh hiện tại của nhà trường, Tổng Bí thư nhắn nhủ hãy nỗ lực, cố gắng, vượt khó để học tốt. “Chính Tổng Bí thư cũng là một tấm gương để các thế hệ học sinh nhà trường noi theo về tinh thần vượt khó. Tôi vẫn nhớ Tổng Bí thư kể từng đi bộ từ thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội) để đến trường phải đi qua đò và thường đi học từ 5h.
Hồi đó, cả khu vực Gia Lâm và Đông Anh chỉ có Trường Nguyễn Gia Thiều. Vì không có đồng hồ, nên có những hôm ông đi từ 3h, đến đò lúc 4h và sang trường lúc 5h khi mọi người còn chưa dậy. Đó là những kỷ niệm để lại niềm xúc động, ngưỡng mộ của thầy trò trường chúng tôi về Tổng Bí thư”, ông Kiên kể.
Trước đó, dự lễ khai giảng năm năm học 2014 – 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng chia sẻ: “Tôi học tại trường từ năm 1957 đến 1963. Lúc đó, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều còn là trường cấp 2, cấp 3 với mái lá nhà tranh, sân đất, cả trường là một vườn phi lao.
Thế hệ học sinh chúng tôi hiện đã ở tuổi thất thập. Mỗi người một hoàn cảnh, công việc nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp nhau trao đổi thân tình và có cảm xúc chung là rất vui mừng trước sự phát triển của trường.
Chúng tôi mãi mãi biết ơn các thầy, các ông bố bà mẹ và các bạn, không bao giờ quên thời thanh niên – thiếu niên rất vô tư sôi nổi ở nhà trường…”.
Theo Thanh Hùng (VietNamNet)