Mỗi người đều hy vọng mình có được mệnh tốt, cả đời bình an, gặp nhiều may mắn. Nhưng đời người, sự việc không như ý rất nhiều. Khi gặp sự tình không được như mong muốn, một số người thường tìm đến chốn tâm linh với mong muốn có thể giải nạn, cầu an. Nhưng người ta lại không biết rằng cách lựa chọn, thái độ nhân sinh của chính bản thân mình cũng sẽ đem đến sự bình hòa trong cuộc sống.
1. Thà rằng giả ngốc, chứ đừng tự cho là thông minh hơn người
Tục ngữ có câu rằng: Nước trong quá thì không có cá. Đại trượng phu không câu nệ tiểu tiết, đời người hà tất việc gì cũng phải nghiêm túc? Làm người hồ đồ tất có nhân duyên, làm việc hồ đồ ắt có cơ duyên.
Giả ngốc là cách đối nhân xử thế khoáng đạt, có thể nắm, có thể buông. Biết hồ đồ mới là người thông minh, không cố tỏ ra mình thông minh, không bàn luận cao xa, ngược lại còn giả bộ ngô nghê, ngốc nghếch.
Người khiêm tốn biết sống một đời bình an, không ngã lòng bởi hư vinh vụt sáng, không mê đắm trong bóng trăng ảo ảnh.
2. Thà rằng vất vả, chứ đừng ham muốn hưởng lạc
Cổ nhân dạy rằng: “Thiên đạo thù cần”, đạo Trời ban thưởng cho người cần cù, chịu khó. Đây không phải là câu nói để an ủi, khích lệ con người trong cuộc sống, mà thật sự là đạo lý nhân sinh. Chỉ có vất vả cần cù, chịu khó chịu khổ mới có thể rèn luyện được ý chí của con người.
Nếu một người cứ chìm đắm trong du ngoạn hưởng lạc, mà coi nhẹ công việc, thì cho dù anh ta có sở hữu đống gia sản khổng lồ cũng cạn kiệt trong một thời gian ngắn.
Ai cũng phải học cách ước chế bản thân, tạo ra cho mình một điểm dừng, một giới hạn, để không bị những vui thú trong cuộc sống làm mê mờ, cuốn đi, lúc nhận ra thì đã muộn.
3. Thà rằng nhận thua, chứ đừng hiếu thắng
Những người mang nặng tâm hiếu thắng thường có tâm đố kỵ rất lớn. Họ luôn muốn hơn tất cả mọi người. Khi thấy người khác đạt được thứ tốt đẹp, họ sẽ cảm thấy khổ sở như chính mình bị mất mát thứ gì đó. Ngược lại, khi thấy người khác gặp phải chuyện không như ý, họ lại vui mừng như bản thân đạt được.
Trong cuộc sống, có biết bao người vì hiếu thắng mà không gượng dậy nổi? Loại tâm này rất không tốt. Nếu một người có tính cách như vậy thì chắc chắn người ấy sẽ không thể được người khác yêu quý, kết giao.
Giữa người với người nếu như lấy thắng thua làm gốc thì bất kể bản thân thắng hay bại cũng đều bị tổn thương, suy cho cùng cũng đều là kẻ bại. Khi một người không thể bao dung được người khác tức là tâm thái hẹp hòi, trong việc đối nhân xử thế cũng dễ đắc tội với người khác, bị người oán hận, suy cho cùng cũng là tự mình chuốc lấy kẻ đối đầu.
4. Thà rằng chịu thiệt, chứ đừng chiếm món lợi nhỏ
Người thích chiếm lợi nhỏ thì hay tìm những thủ đoạn, những con đường tắt để đạt được thành công một cách dễ dàng hơn. Nhưng trên đời này có rất nhiều sự tình không chỉ cần sự nhạy bén, khôn khéo mà còn cần tới trả giá.
Những người khôn vặt thường không nguyện ý làm việc chăm chỉ để có được thành công, thích lợi dụng người khác, thích làm những chuyện hại người lợi mình. Họ nghĩ rằng mình đang được lợi nhưng thực chất là đang tiêu tốn vận may và phúc đức của mình vào những điều trước mắt.
Đa số con người đều ham lợi, đều muốn chiếm được phần lợi nhưng lại không muốn chịu thiệt. Có thể nguyện ý chịu thiệt, khoan dung độ lượng, chịu nhẫn nhục, co được giãn được thì chính là hành vi của một chính nhân quân tử. “Trong họa có phúc, trong phúc có họa”, “không mất thì không được, được thì phải mất”. Người biết chịu thiệt thì “vì mất mà được”, vừa có thể tu dưỡng bản thân, lại vừa có thể tích được phúc phận và âm đức.
5. Thà rằng giả nghèo, chứ đừng khoe khoang của cải
Vì để thỏa mãn hư vinh nhất thời, khoe khoang, tự cho mình là giàu có, chính là sự vô tri. Khoe mẽ tiền tài, chẳng thể giành được niềm tôn kính thật sự của người khác, chỉ có thể bộc lộ sự cằn cỗi về tinh thần.
Lão Tử nói: “Người không tự cho mình là đúng thì trí óc mới có thể sáng suốt, người không khoe khoang thì công trạng của họ mới có thể được khẳng định, người không kiêu ngạo thì sự nghiệp mới có thể phát triển”. Cũng có câu rằng: “Thùng rỗng kêu to”, thùng càng đặc kêu càng nhỏ, thậm chí còn không phát ra tiếng.
Thích thể hiện, khoe khoang, phô trương thanh thế chẳng khác chi đang cầu xin sự tôn trọng, ngưỡng mộ của người khác. Khi bản thân biết mình là ai thì những bình phẩm, khen chê của người đời cũng chẳng thể động tới được cái tâm này. Bởi lẽ lời khen chẳng thể giúp ích chi, lời chê cũng chẳng khiến giá trị của bản thân vì vậy mà giảm sút.
6. Thà rằng là người bình thường, chứ đừng mua danh chuộc tiếng
Một người không dựa vào chân tài, thực học, không có đạo đức cao đẹp thực sự mà dựa vào lừa dối gạt người, muốn mua danh chuộc tiếng thì cũng khó mà có được thanh danh, càng khó để trở thành người tôn quý.
Xưa nay, một người có đạo đức cao thượng, có tài năng thực sự thường không tự nói, càng không khoa trương về tài hoa và năng lực của bản thân mình. Nhưng cho dù họ không tự nói hay khoe khoang ưu điểm và sở trường của mình thì phẩm đức cao thượng của họ cũng tự nhiên được mọi người tôn kính và ca ngợi.
Hơn nữa một điều mà không mấy ai để ý chính là: “Làm người thường vốn là hạnh phúc!” Một người phải nghĩ cách lừa gạt, mua danh, chuộc tiếng, sau đó lại nghĩ cách để bảo vệ hư vinh, điều đó sẽ khiến thể xác và linh hồn vô cùng mệt mỏi, gây chuyện thị phi và “gieo gió ắt gặt bão”.
7. Thà rằng gắng gượng tự tin, chứ đừng mù quáng bi quan
Bi quan sẽ khiến tinh thần của người ta ngày càng sa sút, khiến họ rơi vào bi thương, phiền não, thống khổ. Người bi quan thường sẽ không tìm được lối thoát khi rơi vào khó khăn trắc trở. Những điều này làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần và thể xác của một người.
Lạc quan là tiên đan dưỡng sinh cho tâm, rất có ích cho sức khỏe tinh thần của một người. Nó là một loại tâm cảnh tích cực, luôn hướng về phía trước, hướng đến những điều tốt đẹp. Nó có thể kích phát sức sống và khả năng tiềm tàng của một người. Đồng thời, nó có thể giúp một người giải quyết được mâu thuẫn, vượt qua được những khó khăn mà họ gặp phải.
Đời người không thể lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Đối mặt với khó khăn hoạn nạn, thay đổi suy nghĩ một chút, lạc quan hơn một chút, chúng ta sẽ thấy mở ra trước mắt mình là một con đường mới.
8. Thà rằng thiếu thốn, chứ đừng ăn không ngon ngủ không yên
Trong “Minh tâm bảo giám” có một đoạn viết: Người tâm mà an thì ở nhà tranh cũng ổn, tính mà định thì ăn rễ rau cũng thấy thơm. Cổ ngữ nói: “Chim bay cao trên trời mà lại chết bởi thức ăn ngon, cá lặn sâu dưới nước mà lại chết bởi miếng mồi thơm”. Cũng có câu rằng: “Người chết vì tiền, chim chết vì mồi”.
Người ăn không ngon ngủ không yên, bị lòng tham khống chế, thì có thể từ thông minh trở nên ngu xuẩn, từ trí tuệ trở nên mê muội. Cho dù là một người vốn thiện lương nhưng khi có tham tâm thì cũng sẽ trở nên tà ác. Thậm chí từ xưa đến nay có không ít người bởi vì chữ tham này mà vướng vào vòng lao lý, kết quả là thân bại danh liệt.
Biết đủ là vui mới có thể bảo toàn được phúc vận của mình. Biết đủ vốn không phải là không có ý chí, không phải là không muốn tiến lên, cũng không phải là cách nghĩ tiêu cực mà là tấm lòng khoáng đãng ung dung khi đối diện với được mất nơi thế gian, là hiểu được chừng mực, biết tiến biết lui, biết hợp thời mà dừng lại. Người làm được như vậy thì sống đời bình an, không lo họa vận ập đến.
9. Thà rằng kiên trì chịu khổ, chứ đừng dễ dàng vứt bỏ
Cổ ngữ nói: “Phong sương cô lộ chi cảnh, dịch sinh kì kiệt”, nghĩa là nơi gió sương gian khổ, cô độc thường dễ dàng xuất sinh anh tài tuấn kiệt. Từ xưa đến nay, những nhân vật được lưu danh thiên cổ phần lớn đều sinh ra và sống trong gian khổ hoặc trải qua những đau khổ mà người thường khó chịu đựng được.
Trong cuộc sống chúng ta không khó nhận ra rằng, con đường dẫn tới thành công luôn gập ghềnh gian nan, chỉ có người không ngừng kiên định, ngoan cường dốc sức ra làm mới có thể đi tới thành công.
Những người động một chút là phàn nàn, động một chút là thoái thác, chính là những người chưa nguyện ý xuất phát. Bởi vậy, thành công đối với những người này chỉ là khái niệm xa vời mà thôi.
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: