Triển lãm ‘Tay níu thời gian’ được tổ chức dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của hoạ sĩ Bửu Chỉ

Là một hoa hậu năng động, 13 năm qua, Ngọc Hân liên tục phát triển bản thân ở nhiều lĩnh vực chứ không gò bó vào môi trường showbiz hay kinh doanh. Một năm trước, cô được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc của công ty Cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay. Tại vị trí này, Hoa hậu trực tiếp tham gia mảng phát triển nghệ thuật tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp của công ty. Hơn một năm qua, cô đã gặt hái khá nhiều dấu ấn khi đứng ra tổ chức liên tiếp 6 triển lãm tranh tại Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa, tạo được tiếng vang nhất định với công chúng yêu mỹ thuật, hội hoạ, đồng thời góp phần đưa Đà Lạt trở thành điểm hẹn nghệ thuật quen thuộc. 6 triển lãm tranh mà Ngọc Hân thực hiện gồm: ‘Gặp gỡ Đà Lạt’, ‘Mây Đông Dương’, ‘Những bé gái Ballet’, ‘Cho mùa gió’, ‘Đà Lạt – thành phố nghệ thuật’ và mới đây nhất là triển lãm ‘Tay níu thời gian’ cho cố hoạ sĩ Bửu Chỉ.

“Từ sự kiện triển lãm tranh đầu tiên còn bỡ ngỡ đến những thành công bất ngờ của các triển lãm sau này là sự nỗ lực không ngừng học hỏi của bản thân tôi và các cộng sự. Tôi được đào tạo bài bản về ngành thiết kế nên đã có sẵn nền tảng kiến thức về mỹ thuật. Tuy nhiên để có thể tổ chức 06 triển lãm liên tục trong suốt hơn 01 năm là điều không hề dễ dàng. Tôi cảm thấy may mắn vì thời gian qua có cơ hội gặp gỡ những hoạ sĩ, giám tuyển, cộng sự… có cùng tâm huyết để đồng hành cùng tôi trong các dự án”, Ngọc Hân cho biết.

Hoa hậu cũng chia sẻ thêm, nhờ hoạt động ở công việc mới, cô đã trưởng thành hơn và ngày càng khám phá ra những khả năng mới của bản thân. Cô nghiệm ra rằng, “Không bao giờ là quá muộn để đặt ra mục tiêu hay chinh phục một giấc mơ mới. Đừng bao giờ đặt ra giới hạn cho mình, hãy để bản thân không ngừng được tôi luyện trong thử thách mới”. 

Hoa hậu Ngọc Hân vừa đảm nhận vai trò MC đồng thời là BTC của triển lãm tranh “Tay níu thời gian” nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất họa sĩ Bửu Chỉ – một trong những danh họa cô rất yêu thích.

Với các dự án triển lãm tranh tại Đà Lạt, Ngọc Hân mong sẽ góp phần quảng bá tên tuổi cho nhiều hoạ sĩ, đưa những tác phẩm của họ đến gần hơn với công chúng. “Nghệ thuật không phải là điều quá xa vời bởi đích đến của nghệ thuật là chạm vào tâm hồn của con người. Mỗi khi tâm trạng đi xuống, hãy dành thời gian đi nghỉ dưỡng và ngắm tranh, bạn sẽ thấy tâm hồn được chữa lành và xoa dịu một cách diệu kỳ. Một ngôi nhà đẹp, một chiếc xe đẹp bạn có thể trầm trồ nhưng một tác phẩm nghệ thuật đẹp sẽ khiến bạn xúc động”, cô nói.

Giám tuyển Lý Đợi giao lưu với HH Ngọc Hân tại buổi khai mạc triển lãm.

Ở triển lãm mới nhất ‘Tay níu thời gian’ vừa được khai mạc vào hôm 26/3 tại Đà Lạt, Ngọc Hân muốn dành để tôn vinh cố hoạ sĩ Bửu Chỉ. Người đẹp và nhiều vị khách mời nữ đều chọn áo dài truyền thống như cách để nhớ về cố hoạ sĩ người gốc Huế. Nếu như trong âm nhạc, Trịnh Công Sơn là một tượng đài của những nhạc phẩm đậm tính triết lý nhân sinh thì trong hội họa, tượng đài ấy là Bửu Chỉ. Không được cất lên bằng giai điệu và thanh âm như nhạc Trịnh, những khổ đau của Bửu Chỉ lại được ẩn hiện trong từng nét vẽ. Sau khi qua đời, tranh Bửu Chỉ trở thành của hiếm được nâng niu cất giữ ở nhiều nơi, riêng lẻ. So với nhạc Trịnh Công Sơn – thứ tài sản phi vật thể ai cũng có thể “sở hữu”, ai cũng thuộc và hát lên khi tâm trạng, thì với Bửu Chỉ, để công chúng được “nghe” các bức họa của ông “khắc khoải cất lời” thực sự là điều hiếm hoi.

Ảnh: Tác phẩm “Ký Ức” – Sơn dầu trên giấy – được trưng bày tại triển lãm

Triển lãm “Tay níu thời gian” là cơ duyên để những người yêu hội họa nói chung và họa sĩ Bửu Chỉ nói riêng có thể thỏa đam mê, đắm chìm và khám phá những nỗi niềm sâu thẳm của “trường phái Bửu Chỉ”. Triển lãm trưng bày hơn 30 tác phẩm, được họa sĩ Bửu Chỉ sáng tác qua nhiều thời kỳ khác nhau với chất liệu đa dạng như sơn dầu trên giấy, canvas, vải bố, bột giấy trên vóc… Ngoài các tác phẩm và câu chuyện hội họa của Bửu Chỉ, triển lãm cũng giới thiệu đến công chúng cuốn sách nghệ thuật cùng tên, phiên bản giới hạn, gồm tiểu sử của họa sĩ, các tác phẩm và các bài viết về ông. Cuốn sách một phần nào đó giúp cho độc giả – đặc biệt giới trẻ – bước sâu hơn vào cuộc đời, các mối quan hệ cũng như là phong cách, nguồn cảm hứng sáng tác của ông.

Cuốn sách nghệ thuật cùng tên với triển lãm giúp công chúng hiểu hơn về tranh của cố hoạ sĩ Bửu Chi.

Theo giám tuyển Lý Đợi: “Sau TP HCM, chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều nơi và quyết định lựa chọn Đà Lạt là địa điểm tiếp theo để thực hiện triển lãm ‘Tay níu thời gian’ bởi không gian di sản mộng mơ và nhiều hoài niệm chắc chắn sẽ mang lại những trải nghiệm khác biệt cho người thưởng lãm. Người yêu nghệ thuật đã có thể tiến gần hơn để hòa mình cùng với những đau đáu, những nỗi niềm khắc khoải của một ‘trường phái Bửu Chỉ’ độc đáo, vị nhân sinh và phản ánh tư duy của cả một thời đại”.

Hoa hậu Ngọc Hân, hoạ sĩ Lê Thiết Cương và đại diện BTC tại khai mạc triển lãm tranh “Tay níu thời gian”.

Có mặt trong buổi khai mạc triển lãm hôm 26/3, hoạ sĩ Lê Thiết Cương thổ lộ, đây là lần thứ hai trong đời ông được xem triển lãm cá nhân của hoạ sĩ Bửu Chỉ. “Vẫn biết rằng tranh của ông đã được sở hữu hầu hết bởi những nhà sưu tập nhưng không ngờ lần này lại số lượng tác phẩm lại lớn như vậy. Hơn 30 tác phẩm được sáng tác trong một giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp của ông từ năm 1993 – 1997, thời gian ông sáng tác ở Pháp. Phải nói rằng cái hay của Bửu Chỉ ở đây là đã phiên dịch được hội họa trường phái Paris sang ‘Việt Ngữ’.”

Họa sĩ Hồng Việt Dũng cũng ghé thăm triển lãm và chia sẻ: “Là một người rất yêu thích tranh của Bửu Chỉ, đây là một cơ duyện tuyệt vời khi tôi được thưởng thức những tác phẩm của ông. 30 bức tranh này đánh giá một gia đoạn chuyển mình về nhân sinh quan cũng như góc nhìn về cuộc đời rất cá nhân của Bửu Chỉ”. 

Triển lãm tranh “Tay níu thời gian” diễn ra từ ngày 26/3 đến 26/5 tại không gian phòng triển lãm Le Lycée Artspace- Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa. Sự kiện được đồng hành bởi Rei Artspace trong vai trò là đơn vị chủ trương thực hiện với mong muốn tạo một không gian đặc biệt, một dấu ấn đặc biệt mang tính cách hồi cố, tưởng nhớ 20 năm ngày mất của họa sĩ Bửu Chỉ (14/12/2002 – 14/12/2022). 

Trong 02 năm trở lại đây, Ana Mandara Villas Dalat đã trở thành điểm hẹn lý tưởng cho những người đam mê hội họa thông qua các hoạt động triển lãm tranh, tổ chức các trại sáng tác, góp phần lan tỏa tinh hoa nghệ thuật, kết nối những người yêu cái đẹp và thúc đẩy cho hội họa Việt Nam phát triển. Tiếp tục với “Tay níu thời gian”, Ana Mandara Villas Dalat sẽ là điểm dừng nghệ thuật cho những người yêu hội họa nói chung và các tác phẩm của họa sĩ Bửu Chỉ nói riêng. 



Nguồn bài viết